Nhiều loại bệnh truyền nhiễm đe dọa sức khỏe trong mùa hè

Các chủng vi rút gây bệnh truyền nhiễm đang có những biến đổi phức tạp, độc tính ngày càng tăng. Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, thời tiết nắng nóng mùa hè sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 10 loại bệnh truyền nhiễm phát triển, người dân cần chủ động phòng ngừa.

Để tăng cường công tác phòng chống các loại dịch bệnh trong mùa hè, ngày 15/5 Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã kết hợp với Quỹ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Lifebuoy tổ chức Hội thảo tăng cường phòng chống dịch bệnh trước sự biến đổi phức tạp của các tác nhân gây bệnh do vi khuẩn, vi rút.

Vi khuẩn, vi rút biến đổi phức tạp

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay: Với những nỗ lực không ngừng trong công tác phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã đẩy lùi được nhiều loại bệnh do vi khuẩn, vi rút gây ra như: Bại liệt, ho gà, uốn ván sơ sinh, đậu mùa… Riêng bệnh đậu mùa hiện nay không còn ca nào được ghi nhận trên cả nước.

Tuy nhiên, cũng như các quốc gia khác trên toàn thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm từ sự biến đổi của vi khuẩn, vi rút. Các loại dịch bệnh cũ được đẩy lùi nhưng các loại dịch bệnh mới như: Tay chân miệng, cúm gia cầm lây sang người, Ebola, SARS… mới nổi gần đây đang là thách thức lớn đối với y học bởi những bệnh trên chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.

Nhiều loại bệnh truyền nhiễm đe dọa sức khỏe trong mùa hè
PGS. TS Trần Đắc Phu (bên phải) trong buổi hỏi đáp tại buổi Hội thảo

Theo phân tích của PGS.TS Trần Đắc Phu, dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi chính là sự biến đổi của các chủng vi rút, chúng có sự thích nghi, kháng thuốc điều trị. Mặt khác, các loại vi rút gây bệnh có thể kết hợp với nhau để tạo thành loại vi rút mới với độc lực cao hơn. Vì vậy, khi chúng ta tìm ra được phương pháp để khắc chế loại vi rút này thì ngay lập tức chúng biến đổi sang dạng khác, cuộc chiến của loài người với vi rút là cuộc chiến sinh tồn, dai dẳng.

Bà Claire McDonald - đại diện
Hiệp hội Y tế công cộng Hoàng Gia
Bà Claire McDonald - đại diện Hiệp hội Y tế công cộng Hoàng Gia Anh (RSPH) đã có những chia sẻ hữu ích về những giải pháp ngăn chặn sự truyền nhiềm vi rút

Bà Claire McDonald, đại diện Hiệp hội Y tế công cộng Hoàng Gia Anh (RSPH) cho biết: Số bệnh truyền nhiễm và số người mắc bệnh do vi khuẩn, vi rút gây ra đã tăng mạnh trên toàn thế giới trong 10 năm qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tìm ra được những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự nguy hiểm của chúng nên người mắc bệnh truyền nhiễm đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề khi bệnh kéo dài, tàn phá nghiêm trọng đổi với sức khỏe, tính mạng. Tính riêng bệnh tiêu chảy mỗi năm đã gây ra cái chết cho 2,2 triệu người trên toàn thế giới mà đối tượng chủ yếu là trẻ em.

Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè

Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng nhận định: Khoảng thời gian bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9, thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi rút gây bệnh truyền nhiễm phát triển và lây lan trên diện rộng.

Có 10 loại bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất trong 4 tháng hè bao gồm: Cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ly trực trùng, sốt rét, viêm não vi rút, thương hàn, Adenovirut, lỵ amip. Đây là những bệnh lây truyền qua đường hô hấp, thực phẩm, lây qua tiếp xúc trực tiếp… Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch; Học sinh, sinh viên từ các thành phố lớn về quê nghỉ hè cũng có thể mang theo mầm bệnh.

Bà Claire McDonald - đại diện
Hiệp hội Y tế công cộng Hoàng Gia
Từ trái sang phải: Bà Trần Tuệ Tri - Phó Chủ tịch ngành hàng chăm sóc cá nhân và truyền thông, Unilever Việt Nam, Bà Claire McDonald - đại diện Hiệp hội Y tế công cộng Hoàng Gia Anh (RSPH), PGS. TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam và Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng

Nhưng nguyên nhân chủ quan khiến các bệnh truyền nhiễm phát triển là do con người thiếu vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa. Một nghiên cứu theo dõi hành vi phòng bệnh của RSPH thực hiện trên 2.000 cá nhân được bà Claire McDonald công bố tại hội thảo cho thấy: 50% các bậc phụ huynh thú nhận con mình không rửa tay sau vệ sinh, 33% thừa nhận chưa dành thời gian để dạy con rửa tay đúng cách. Sau khi vệ sinh không rửa tay trẻ chạm vào 22 bề mặt khác nhau 89 lần với nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh rất cao.

Từ vấn đề trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ với các loại bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng ngừa; thường xuyên vệ sinh cơ thể, vệ sinh chân tay bằng xà phòng diệt khuẩn để hạn chế nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm; thực hiện ăn chín uống chín, sử dụng nước sạch để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh do vi rút lây qua đường tiêu hóa; tăng cường vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, giữ nhà cửa sạch sẽ thoáng mát để phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết…

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm