"Nhân sự truyền thông chuyên nghiệp rất cần thiết trong giai đoạn này"
(Dân trí) - Thầy Vũ Tuấn Anh - Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, HV Ngoại giao, chia sẻ về xu hướng chọn khối ngành Truyền thông và tiềm năng phát triển của các bạn sinh viên sau khi ra trường.
Theo các chuyên gia, ngành truyền thông hiện là một trong những ngành nghề "hot", được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Truyền thông gần như tác động đến mọi đối tượng, mọi mặt của đời sống. Nhờ truyền thông, con người được kết nối với nhau nhiều hơn. Truyền thông cũng là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp tiếp cận tới khách hàng một cách nhanh và hiệu quả nhất nhằm giúp khách hàng biết về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng hiểu về ngành đào tạo truyền thông: "Ngành truyền thông là gì? Học trường nào và ra làm gì? Lương bao nhiêu? Dễ xin việc không?".
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Tuấn Anh - Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao đã có những chia sẻ về xu hướng chọn khối ngành Truyền thông và tiềm năng phát triển của các bạn sinh viên sau khi ra trường.
Khối ngành Truyền thông tại các trường Đại học nói chung và Học viện Ngoại giao nói riêng trong những năm gần đây luôn dẫn đầu với mức điểm chuẩn rất cao, vậy theo quan điểm của ông, tại sao có sự khác biệt lớn về điểm chuẩn như vậy giữa ngành Truyền thông và các ngành khác?
- Ngành Truyền thông trong những năm gần đây luôn là một trong những ngành "hot".
Điểm chuẩn ngành Truyền thông khá cao so với mặt bằng chung các ngành học khác. Tại Học viện Ngoại giao, mặc dù là ngành non trẻ nhất, được thành lập gần 15 năm kể từ 2008, nhưng ngành Truyền thông quốc tế luôn dẫn đầu điểm chuẩn trong các ngành đào tạo tại Học viện.
Tôi cho rằng điều này chịu tác động phần lớn bởi nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay, bởi từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến các tổ chức phi chính phủ, các công ty tư nhân đều cần bộ phận Truyền thông.
Nói riêng về sinh viên học ngành Truyền thông tại Học viện Ngoại giao, sinh viên không chỉ được đào tạo để sử dụng thành thạo ngoại ngữ, mà còn được trau dồi kiến thức nền tảng về Truyền thông, các kiến thức cơ sở ngành về Ngoại giao cũng như các hoạt động đối ngoại khác.
Bởi vậy, chúng tôi luôn tự hào là điểm đến được các bạn trẻ lựa chọn để theo học ngành Truyền thông.
Dưới góc nhìn của một tiến sĩ đã và đang giảng dạy trong lĩnh vực Truyền thông lâu năm, theo ông việc ngày càng nhiều học sinh lựa chọn theo học ngành Truyền thông là bởi chạy theo xu hướng hay vì lý do nào khác?
- Tôi nghĩ không phải các bạn trẻ đang chạy theo xu hướng, mà đó là vì nhu cầu của thị trường. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, Truyền thông là bộ phận quan trọng trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức.
Ngành Truyền thông đang đòi hỏi nguồn nhân lực dồi dào, dẫn tới ngày càng nhiều bạn trẻ có nguyện vọng học ngành này.
Mới đây, tôi có dịp làm việc với Hoàng thành Thăng Long và họ cũng nhận thấy rằng một bộ phận Truyền thông chuyên nghiệp và chính quy đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của họ trong giai đoạn hiện nay.
Bởi vậy, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực Truyền thông đang vô cùng được săn đón, có lẽ vậy mà sinh viên Truyền thông sau khi ra trường hầu như không có ai thất nghiệp.
Nói riêng sinh viên Truyền thông tại Học viện Ngoại giao, các em phần lớn đã tìm kiếm cho mình cơ hội tham gia vào thị trường lao động ngay từ năm 2, năm 3.
Mọi năm, có rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn sinh viên Ngoại giao tham gia thực tập sớm từ năm 1, và họ cũng có những phản hồi tích cực với tôi về các em sinh viên.
Lĩnh vực Truyền thông hiện được nhiều trường Đại học trong và ngoài nước đưa vào hệ thống đào tạo, vậy ông có chia sẻ gì về những thế mạnh khi lựa chọn theo học ngành Truyền thông tại Đại học trong nước nói chung và tại Học viện Ngoại giao nói riêng?
- Mỗi cơ sở đào tạo sẽ có những thế mạnh và đặc trưng riêng. Ở trong nước, các bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với hệ thống chính trị của Việt Nam, được học kiến thức nền tảng về những vấn đề cốt lõi của nước nhà.
Trong khi đó, sinh viên lựa chọn du học hoặc những chương trình liên kết sẽ không được đào tạo mảng kiến thức này.
Ở Học viện Ngoại giao, ngoài những kiến thức chuyên ngành về Truyền thông, Marketing, sinh viên sẽ được học những môn căn bản về pháp luật của Việt Nam, lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại, chính sách ngoại giao, kinh tế quốc tế, luật quốc tế,...
Trên nền tảng kiến thức đó, sinh viên sẽ được nâng cao khả năng ứng phó với nhiều công việc khác nhau tại các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia hoặc tại các cơ quan nhà nước, cơ quan phi chính phủ.
Đặc biệt, các đơn vị khi lựa chọn sinh viên Học viện Ngoại giao làm thực tập sinh mảng Truyền thông đều khen ngợi và công nhận khả năng ngoại ngữ của các em.
Đó là điểm cộng lớn và lợi thế của sinh viên Ngoại giao khi tham gia cạnh tranh trong thị trường lao động. Hơn nữa, tôi rất tự hào rằng hiện tại không có trường nào đào tạo ngành Truyền thông tại Việt Nam dám đưa sinh viên ngay từ năm 1 đi thực tập, nhưng tôi tự tin vào sinh viên của mình vì các em rất giỏi và thông minh.
Là trưởng khoa của một ngành học luôn được "săn đón", ông đã và đang có những dự định gì để phát triển cũng như đem đến môi trường học tốt hơn cho sinh viên của mình?
- Ngành Truyền thông vô cùng đa dạng vì bao gồm rất nhiều chuyên ngành nhỏ. Cùng sự phát triển của khoa học công nghệ, môi trường Truyền thông sẽ thay đổi chóng mặt từng giờ.
Bởi vậy, nếu sinh viên Truyền thông không tích cực trau dồi và đổi mới bản thân để thích nghi với biến đổi của thị trường thì sẽ rất khó để tồn tại trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, chương trình đào tạo tại các trường Đại học cũng phải liên tục cập nhật và thay đổi để phù hợp với nhu cầu của sinh viên cũng như thị trường lao động.
Trước đây, ngành Truyền thông tại Học viện Ngoại giao tập trung đào tạo chủ yếu mảng Truyền thông chính trị và Truyền thông khối nhà nước.
Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang mở rộng chương trình với hai chuyên sâu chính, bao gồm Truyền thông quốc tế chuyên nghiệp và Truyền thông Marketing quốc tế nhằm giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi ra trường.
Thông thường, những kiến thức, kĩ năng mà các bạn học được trong trường chưa thể đáp ứng đủ 100% nhu cầu của thị trường lao động bởi ngành Truyền thông rất rộng và thiên về nhiều mảng khác nhau.
Ví dụ những bạn định hướng làm tại mảng Truyền thông nhà nước, các bạn sẽ mong chờ được học những môn liên quan tới Truyền thông chính phủ.
Còn những bạn có định hướng làm tại các doanh nghiệp, các công ty liên quốc gia sẽ lại muốn được cung cấp các kiến thức về Marketing.
Chính bởi nhu cầu và định hướng của mỗi bạn khác nhau, nên chúng tôi chỉ xây cho các bạn "nền móng", đào tạo tư duy làm nghề, trang bị các kiến thức, kĩ năng căn bản, còn chủ yếu vẫn phụ thuộc vào tinh thần tự học của các bạn sinh viên.
Trong hơn 15 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi đang dần dần hoàn thiện chương trình giảng dạy tiên tiến, hiện đại hơn để phù hợp với sinh viên và nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay.
Trong tương lai, chúng tôi dự kiến sẽ thêm các môn học mới như áp dụng AI trong Truyền thông quốc tế, viết bằng UX Fly,... Cùng với đó, chúng tôi cũng chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên.