Nhà văn Trang Hạ: "Ngoài chén rượu, đàn ông có gì giao đãi?"

"Lúc đầu tôi nghĩ họ say sưa chè chén, coi rượu như một cách để xã giao. Sau đó tôi mới phát hiện ra một sự thật rằng, ngoài chén rượu ra thì dường như cánh đàn ông không có gì để giao đãi cùng nhau"...

Đàn ông uống rượu xong thường làm những việc mà bình thường họ không làm. Hãy cùng nghe người trong cuộc nói về điều này.

Nhiều người bảo rằng không nơi nào có nhiều quán bia, quán nhậu như ở Việt Nam. Quán thì tấp nập đàn ông, từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, từ thứ 2 đến chủ nhật, không ngày nào vắng. Không ít người đặt câu hỏi: “Không hiểu đàn ông tìm thấy điều gì ở quán nhậu mà đi uống nhiều thế?". Xin gửi câu hỏi này tới Trang Hạ.

Cách đây mười mấy năm, dường như tháng nào tôi cũng phải đi công tác tỉnh xa với tư cách là một phóng viên. Chỉ có mấy năm mà tôi đi đến hơn 30 tỉnh. Hầu hết những chuyến đi công tác đó của tôi đều kết thúc một ngày làm việc bằng một bữa rượu.

Bữa rượu đó có bí thư đoàn xã, có đại diện các cơ quan địa phương, có sở giáo dục... Đi tỉnh cũng uống, xuống huyện cũng uống rượu, đi về bản cũng uống rượu bất kể là người dân tộc hay người Kinh…

Ban đầu tôi nghĩ họ say sưa chè chén, rồi tôi lại nghĩ “à, họ coi rượu như một cách để xã giao”. Sau tôi mới phát hiện ra một sự thật rằng, ngoài rượu ra thì tất cả các anh cán bộ mà tôi đã gặp, họ không có gì vui thú giải trí, không có bất cứ một thứ gì hơn để mang ra đãi khách.

Họ không có những câu chuyện về văn hóa, tập tục để mang ra mà kể, họ cũng không có những món quà địa phương hoặc có cách giải trí gì khác. Cách đây mười mấy năm thì iPhone chưa từng xuất hiện, internet thì cực kỳ hiếm.

Hầu như những người đàn ông tôi gặp đều không có email, kể cả họ là cán bộ tỉnh đi chăng nữa. Vì thế họ uống rượu rất nhiều và coi đó như là cách duy nhất để tiếp khách. Thế nhưng ngày đó thì tôi thông cảm. Tôi thường thoái thác bằng cách nói là tôi có bầu.


Trang Hạ: Ngoài chai rượu thì chẳng có câu chuyện nào khác để người ta chia sẻ với nhau.

Trang Hạ: "Ngoài chai rượu thì chẳng có câu chuyện nào khác để người ta chia sẻ với nhau".

Năm sau tôi đi các tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang…tôi vẫn chỉ có mỗi một bài đó để né uống rượu. Thỉnh thoảng gặp lại một vài vị, họ vẫn còn nhớ tôi và họ phát hiện ra tôi nói dối nên họ giả vờ ngạc nhiên hỏi “ơ, năm ngoái có bầu, năm nay lại có tiếp à?”.

Đó là câu chuyện của mười mấy năm về trước chúng ta có thể thông cảm được. Đặc biệt là các cán bộ ở các tỉnh xa nghèo khó, nhất là các cán bộ đoàn. Thế nhưng sau một thời gian khá tôi đi nước ngoài về vào năm 2010, và 5 năm nay tôi thấy cũng chẳng có gì thay đổi.

Nghĩa là ngoài chai rượu ra thì chẳng có câu chuyện nào khác để người ta chia sẻ với nhau, để có thể giao đãi, để có thể có tiếng nói chung, để có thể tìm ra sự đồng cảm, gắn kết đồng nghiệp, thậm chí để tạo ra hoặc để thể hiện là mình hiếu khách. Ngay tại thủ đô chứ không nói xa xôi gì ở các vùng quê.

Họ, những người đàn ông uống rượu, ngoài rượu ra thì hầu như không có gì nhiều hơn. Sự thật đó làm tôi nhiều khi phải thốt lên trong đầu mình rằng: Trời ơi, hầu như cái thế giới phụ nữ nó phong phú và đầy màu sắc hơn hẳn. Bởi vì thế giới phụ nữ họ không cần phải nâng chén lên vẫn có cả thế giới đồng minh. Chúng ta có đối tác, chúng ta có bạn bè, chúng ta có sự đồng cảm thấu hiểu, thậm chí chúng ta có cả những hợp đồng. Bởi tôi cũng làm kinh tế nên tôi rất rõ điều đó.

Hình như với đàn ông, năng lực thể hiện bản thân bị bỏ rơi đâu đó mất rồi!


Nữ nhà văn cá tính này từng gây sốc khi ví đàn ông với... lợn.

Nữ nhà văn cá tính này từng gây sốc khi ví đàn ông với... lợn.

Có một hiện tượng phổ biến tại các quán bia rượu mà bất cứ ai bước vào cũng nhìn thấy đó là cách uống rượu ồn ã, zô hò inh ỏi, bắt tay, ép uống, cợt nhả với bạn nữ, với tiếp viên… Phải chăng người Việt không có văn hóa uống rượu?

Trên đời này làm gì có cái gọi là văn hóa uống rượu. Cũng như vậy, làm gì có văn hóa đánh ghen, văn hóa cặp bồ, văn hóa văng bậy…Chúng ta đừng nên mang cái thứ gọi là văn hóa để chụp mũ lên mọi thứ trên đời.

Chúng ta cũng đừng mang thứ văn hóa ra để đòi hỏi những thứ không tưởng trong đời sống. Vậy nên tôi muốn khẳng định lại một lần nữa rằng, không có cái gọi là văn hóa uống rượu. Nó chỉ có giá trị văn hóa trong xã hội và bản lĩnh văn hóa của mỗi cá nhân.

Việc họ say sưa suốt ngày, sáng ra làm một bát phở phải tộng ngay một cốc rượu, buổi trưa đi ăn lòng lợn lại làm nửa chai, chiều tối. Hay buổi tối khi đơi con đi học về thì cũng phải chén chú chén anh…hay những thứ như chị nói, nó thuộc về bản lĩnh văn hóa của mỗi cá nhân.

Những thứ đó đến từ giáo dục, đến việc anh ta có được mẹ anh ta dạy dỗ tốt hay không. Nếu người đàn ông mà mẹ họ dạy không ra gì thì tất nhiên họ vẫn coi uống rượu là thú vui, là một thứ để chứng tỏ bản lĩnh.

Đề cập đến câu chuyện văn hóa, tôi xin lấy một ví dụ, ở Pháp có lớp học uống rượu vang thì ở mình cũng có một lớp học như thế ở Tràng Tiền, Hà Nội. Thế nhưng trong mỗi gia đình thì những người đàn ông không được mẹ anh ta dạy điều đó.

Đa số người Việt khi uống rượu, rượu gạo hay bất cứ loại bia rượu nào thì cũng “Một, hai, ba …zô” hết.

Vậy cách uống rượu phổ biến như Trang Hạ nói là có văn hóa hay không có văn hóa?

Tôi đang cố hình dung rằng, một số đàn ông sau khi uống rượu họ tự cho phép mình hư hỏng như chị nói chẳng hạn, tôi chỉ có thể nói một câu thôi: đó là Thật tội nghiệp bất hạnh cho các bà vợ của họ.

Còn nếu cứ cố tình gọi đó là văn hóa uống rượu, là "chuẩn" văn hóa của họ, thì tôi đành phải nói rằng đó là những kẻ vô lại.

Tôi cũng là người uống khá nhiều rượu, có năm tôi uống tổng cộng đến 50 – 60 chai vodka. Nhưng tôi thường uống một mình, có khi uống với bạn bè, thầy giáo, bạn thân. Và tôi uống ở nhà. Tôi không mang cơn say của mình ra ngoài xã hội. bởi vì tôi biết: Thứ nhất mình lựa chọn cách mình say, mình không vớ người khác để giã rượu.

Cái thứ hai cũng rất quan trọng là mình uống với người mình cảm thấy thấy an toàn, thân thiết (thật sự thân), nói những câu chuyện thật kín đáo nhẹ nhàng, ở trong phòng ấm chẳng hạn chứ không phải ở những chỗ phải hét lên vào tai nhau và uống bất kỳ loại cốc nào đặt ra trước mặt.

Tôi thấy rất buồn cười là gần đây có một phong trào khoe hóa đơn đi bar. Không chỉ có giới trẻ đâu ạ. Rất nhiều bác sồn sồn khoe đập phá hết mười mấy triệu cho một cuộc rượu, 15 triệu tiền mồi này, 10 triệu tiền rượu chẳng hạn…Tôi cho rằng giá trị ấy nó chẳng nói gì đến cái văn hóa của anh ta cả.

Và nó như thế nào nhỉ? Nó liên quan đến việc nhìn nhận cuộc sống này ra sao chứ không liên quan đến việc mình nghiện rượu hay không hay vì mình không uống rượu mà chê các bác uống rượu. Mỗi người uống sẽ có một cách lựa chọn, và cách lựa chọn đó nó làm cho cuộc đời chúng ta khác nhau chứ không phải chúng ta ở đẳng cấp nào thì chúng ta sẽ uống theo đẳng cấp ấy.

Theo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm