Nhà trọ 10.000 đồng/đêm giữa Hà thành của cụ bà có con bị liệt

(Dân trí) - Phải một thân một mình nuôi cô con gái bị liệt gần 30 năm nay nhưng bà Hồ Thị Thục (84 tuổi) ở Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội vẫn duy trì khu nhà trọ 10.000 đồng/đêm. Đây là ngôi nhà thứ hai của nhiều bệnh nhân và công nhân nghèo.

Ngậm ngùi thân phận người phụ nữ có gia đình không trọn vẹn

Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhiều người đã an hưởng tuổi già, sum vầy bên con cháu, thì bà Hồ Thị Thục vẫn tất bật lo cơm áo gạo tiền để chăm cô con gái 58 tuổi bị bại liệt.

Bà Hồ Thị Thục 84 tuổi phải một mình nuôi cô con gái bị liệt.
Bà Hồ Thị Thục 84 tuổi phải một mình nuôi cô con gái bị liệt.

Sinh được 6 người con: 4 trai, 2 gái nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc, bà và chồng ly thân hơn 40 năm khi người con trai út tròn 6 tuổi. Bà nuôi 3 người con 2 trai và một gái, còn 3 người con ở với bố.

Trước khi mở phòng trọ giá rẻ cho người lao động và bệnh nhân nghèo thuê, bà là một người đi buôn bán cho đường sắt, tuần nào cũng đi lại TP HCM - Hà Nội lấy hàng, giao hàng cho khách, công việc cũng ổn định nhưng sau khi cô Vũ Ngọc Hương (SN 1959) - người con gái thứ của bà bị liệt thì bà nghỉ hẳn bán hàng ở nhà chăm con.

Bà kể: “Hương trước đây xinh đẹp, khỏe mạnh và thông minh, từng là sinh viên của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Có một thời gian cô làm văn thư tại một kho thuốc ở Hà Nội.

Năm 1989, tai họa ập xuống khi đứa con trai thứ 5 uống thuốc ngủ rồi mất. Chị Hương thấy em về lên gác ngủ cũng không để ý đến tận trưa ngày hôm sau gọi em dạy xuống ăn cơm nhưng không có động tĩnh, trèo lên gác thì em đã mất rồi, cô ấy mới sợ quá, ảnh hưởng đến não.

Mọi người nghe thấy tiếng, chạy sang tay Hương chỉ lên gác rồi ngất. Gia đình tôi đưa con đi nhiều bệnh viện chữa trị nhưng không được thế là bị liệt, bị câm luôn từ đó đến nay đã gần 30 năm”.

Cô Hương bị liệt và câm, chỉ có thể nằm một chỗ.
Cô Hương bị liệt và câm, chỉ có thể nằm một chỗ.

Không chỉ mất đi một người con trai, một năm sau đó đứa con trai thứ 4 cũng vì tai nạn giao thông mà qua đời. Một mình bà chịu nỗi đau mất 2 người con trai trong 2 năm lại phải chăm sóc cô con gái bị liệt, bị câm. Khi được hỏi thế những người con khác của bà thì sao, bà bảo: “Những người con khác cũng nghèo khổ không giúp tôi được, có khi tôi còn phải cho thêm”. Không những thế bản thân bà cũng là người mắc phải nhiều bệnh khác nhau từ tiểu đường cho đến phổi, dạ dày.

Tấm lòng của bà chủ trọ

Dãy trọ của bà Thục có tổng cộng 6 phòng, trong đó có 5 phòng cho thuê và một phòng là nơi ở của bà với cô con gái bị liệt. Tất cả các phòng trọ của bà đều được kê giường, tủ đựng đồ, quạt mát, sàn nhà được lát gạch hoa rất sạch sẽ và đầy đủ khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh cho người thuê trọ sử dụng.

Người đến thuê trọ nhà bà chủ yếu là lao động nghèo, công nhân quét dọn vệ sinh trong bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải điều trị lâu dài trong bệnh viện, từ những nơi xa đưa con lên Hà Nội chữa bệnh.

Lối hàng lang đi vào các phòng trọ.
Lối hàng lang đi vào các phòng trọ.

Hiện tại mỗi phòng trọ bà cho thuê đều có mức giá giao động từ 40- 50.000 đồng/phòng từ 2 đến 3 người ở cho một ngày một đêm, điện nước dùng bao nhiêu thì dùng, có chỗ nấu ăn, tắm giặt sạch sẽ. Còn đối với những người chỉ thuê trọ ở qua đêm người bà lấy 10.000 đồng mà được dùng điện nước và tắm giặt bình thường rất hiếm khi bà tăng giá.

Bà Thục chia sẻ: “Họ đã vất vả vì con cái bị bệnh tật hành hạ, tôi giúp được gì thì gắng hết sức, sống ở đời phải biết cho đi rồi mới mong nhận lại. Có những gia đình đưa con đi tiêm chuyền hóa chất thì tôi lấy 10 nghìn. Người ta nghèo khổ hơn mình”.

Với những người bệnh nặng quá bà còn giúp, không lấy tiền. Có cái gì ngon bà cũng mời họ ăn cùng.

Trong 5 phòng bà cho thuê thì có một phòng rộng 30m2, được làm thành 2 tầng cho 7 người thuê, trong đó tầng một của căn phòng là chỗ ở của 5 cô lao công làm trong bệnh viện Nhi với mức giá 2.000.000 đồng/tháng bao gồm điện nước.

Như vậy tính ra một ngày, mỗi cô chỉ mất 11.000 đồng ở trọ mà lại được dùng điện nước theo nhu cầu. Còn tầng 2 của căn phòng này thì đặc biệt hơn vì đó là căn phòng có điều hòa trong tất cả các phòng mà bà có. “Đó là phòng ở trên cao sợ người ở trọ nóng nên tôi đã lắp điều hòa cho họ sử dụng. Phòng này là nơi ở của một cặp vợ chồng làm bảo vệ trong bệnh viện mỗi tháng tôi thu của họ một triệu đồng đồng đã bao cả tiền điện, tiền nước rồi”.

Cô Mai - một người đã ở trọ nhà bà Thục được 7 năm.
Cô Mai - một người đã ở trọ nhà bà Thục được 7 năm.

Những người thuê trọ ở nhà bà đều rất thoải mái, vui vẻ và thân thiết như những người thân trong gia đình. Cô Mai quê ở Hà Nam lên Hà Nội làm công nhân quét dọn vệ sinh trong bệnh viện Nhi tâm sự : “Ở với cụ lâu năm rồi, cụ cũng chỉ lấy giá để cho có thôi, dựa vào nhau mà sống. Cụ cho ở với giá rẻ không đơn thuần chỉ là thuê trọ, nó còn là tình nghĩa. Ở với nhau 7 năm rồi nên chúng tôi cũng không muốn chuyển đi chỗ khác. Cụ tốt nhưng số lại khổ. Nhiều khi cụ đau ốm, chúng tôi lại phụ bà chăm sóc cô con gái”.

Hiện tại ngoài thu nhập từ cho thuê phòng trọ thì hàng tháng bà còn có đồng lương hưu ít ỏi và 700.000 đồng tiền hỗ trợ của cô Hương. Khi chúng tôi đến, bữa cơm trưa của hai mẹ con bà chỉ có mớ rau muống luộc và mấy bìa đậu sốt cà chua…

Mai Linh