Kỳ 01: "Khôn lường" nạn máy tính giả thềm năm mới:
Nhà buôn chối tội, người tiêu dùng lãnh đủ!
Chính tâm lý mê hàng giá rẻ, và thờ ơ trong việc hiểu sai về giá trị thật của sản phẩm đã đưa đến tình trạng buôn bán và phân phối mặt hàng máy tính giả rộng khắp trên cả nước.
Điều đáng quan ngại là tình trạng này chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết, nhất là vào giai đoạn mua sắm nhộn nhịp, chuyển giao từ năm cũ sang năm mới…
Thực trạng "nóng" giữa tiết trời se lạnh
Những ngày cuối năm 2017, cơ quan quản lí thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện kiểm soát, xử lý mặt hàng máy tính CASIO giả, vi phạm sở hữu trí tuệ tại các sơ sở văn phòng phẩm thuộc 03 tỉnh: Kiên Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp.
Theo đó, tại tỉnh Đồng Tháp, tổng số lượng máy giả thu được là 300 máy, còn tại Kiên Giang và Trà Vinh, tổng số máy giả bị phát hiện lên đến gần 400 máy. Chưa dừng lại ở đó, từ đầu năm 2005 đến nay, trên cả nước đã phát hiện gần 2,021 vụ, tịch thu 113,108 máy và tổng số tiền truy thu nay đã lên 2,668,175,005 tỉ đồng. Riêng năm 2017, số vụ vi phạm tăng 40% so với 2016, và con số này được dự đoán là chưa có dấu hiệu suy giảm vào những năm tiếp theo.
Sự cải tiến thông thoáng hơn trong khâu quản lý kinh tế, mở cửa giao thương đã giúp chúng ta nhận ra nhiều thách thức, đồng thời phát hiện nhiều kẽ hở đang bị các thành phần bất lương lợi dụng. Trong đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái chính là “ung nhọt”, gây phá hoại sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất chân chính.
Phần nổi của "tảng băng đen"
Không chỉ dừng lại ở mức độ vụ việc, cơ quan chức năng còn ghi nhận những “pha” bày bán hàng giả một cách công khai “chẳng ngại một ai”. Họ - những thành phần kinh doanh thiếu đạo đức – đã trục lợi từ người tiêu dùng bằng cách thản nhiên pha trộn và chào bán các mặt hàng thật cùng với mặt hàng giả. Trong đó chủ yếu là những models mà hãng CASIO đã không còn sản xuất; máy tính không dán tem chính hãng, hoặc nếu có thì máy lại được dán tem vàng – một loại tem mà từ lâu đã không còn hiệu lực trên thị trường.
Đáng quan ngại hơn là những cuộc giao thương trái phép này lại thường xuyên diễn ra tại các hiệu sách, tiệm tạp hóa có quy mô ngay gần các trường học, chợ, nơi mà người dân và các em nhỏ nô nức qua lại, tự do mua sắm.
Những chiêu trò trên đây chỉ là những ghi nhận điển hình, là phần nổi của tảng băng đen, phần chìm chưa được khám phá ắt hẳn sẽ còn nhiều bất ngờ lớn hơn thế cả về số lượng lẫn thủ đoạn làm nhái tinh vi. Sự cất giấu, che đậy ở bên trong, một mực bao che đường dây phân phối gốc vẫn là bài toán nan giải, gây đau đầu cho cơ quan chức năng. Mọi hình thức kiểm soát, xử phạt chỉ dừng ở mức độ cắt ngọn vấn nạn, loại trừ từ gốc rễ hẵn vẫn còn rất dài hơi…
Câu hỏi đặt ra là trước khi CASIO cùng cơ quan QLTT thực hiện công cuộc khảo sát này, thì đã có bao nhiêu người tiêu dùng và học sinh mua nhầm một chiếc máy tính giả? Và vì đâu mà các tiểu thương ngày càng tự tin bày bán công khai hàng giả như thế dù đã được cơ quan QLTT truyền thông cảnh báo mạnh mẽ?!
"Không biết không có tội"?!
Sẵn sàng phân phối hàng giả, “đục ruỗng” thế hệ tương lai, tàn phá quyền lợi người tiêu dùng, bày bán công khai để trục lợi thẳng tay, song người kinh doanh đã chối bỏ trách nhiệm một cách thẳng thừng khi bị phát hiện và bị cáo buộc xử phạt hành chính. Họ khăng khăng khẳng định họ mới là “kẻ bị hại”, một mực buông những lời “chống chế” vô trách nhiệm, ví như: “Tôi không biết đó là máy giả, đơn vị nào chào hàng với giá hời thì tôi bán thế thôi!”, “Tôi chỉ nghĩ đó là hàng loại hai thôi, mà hàng loại một loại hai thì có khác gì nhau đâu? Máy tính thôi mà, có gì ảnh hưởng đến sức khỏe người ta đâu?!”. Thậm chí, trong một lần đi thực tế tại tỉnh Đồng Tháp, nhóm thực hiện còn có dịp phỏng vấn những đối tượng là người tri thức, kết quả thật sốc với phát ngôn: “Tem chính hãng để làm gì? Tôi không biết gì về con tem đó!”.
Với học vị và sự hiểu biết của họ, liệu họ có dễ dàng mà chấp nhận chi trả cho một món đồ công nghệ khi không quan tâm đến con tem chính hãng? Câu trả lời chắc chắn là không.
Ngay khi hỏi về sự khác biệt giữa hàng loại một và hàng loại hai, những nhà buôn vô trách nhiệm trên cũng chỉ biết ậm ờ cho qua chuyện, vậy tự hỏi, trong quá trình chào bán, tư vấn, họ đã tư vấn điều gì ngoài việc đánh vào tâm lý thờ ơ, mê hàng giá rẻ của người tiêu dùng?
Hậu quả cho "thượng đế" dễ dãi
Máy tính giả có thật sự nguy hiểm? Hay cứ cộng trừ nhân chia được thì dù giả hay không cũng không nghiêm trọng?
Trao đổi về vấn đề này, ông Lý Thành Công, trưởng phòng bảo hành máy tính CASIO tại Việt Nam cho biết: “Máy tính giả thường hay có lỗi về pin, linh kiện không tốt nên có thể gây ra sự cố về cháy nổ, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng. Mặt khác, máy tính giả lập trình không kỹ dễ xảy ra lỗi phần mềm ảnh hưởng đến kết quả học tập và làm việc.”
Sau một thời gian nghiên cứu, tổ bảo hành cũng đã đút kết ngắn gọn Hậu quả từ một chiếc máy tính giả, bao gồm Tốn kém tiền của, sức lực; Ảnh hưởng Thể trạng người dùng; Tinh thần người dùng giảm sút dẫn đến Tương lai cũng bị ảnh hưởng. Đó gọi là loạt hậu quả 4T!
Một chiếc máy tính giả ngỡ chừng là nguy hại không đáng kể, nhưng tại một số thời khắc quyết định, chúng chẳng khác gì những đòn “chí mạng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và đời sống người tiêu dùng.
Đứng trước thực trạng “âm ỉ” và “dai dẳng” về nạn máy tính cầm tay giả tại điểm bán truyền thống suốt thời gian qua, liệu có phương cách nào để giúp người tiêu dùng bảo vệ được bản thân mình trước ma trận này? Mời bạn đọc đón xem kỳ tiếp theo.