Ngưỡng mộ cậu bé “chim cánh cụt” và chàng họa sĩ vẽ tranh... bằng miệng

(Dân trí) - Mặc dù cơ thể chẳng lành lặn, cuộc sống cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, thế nhưng những người như “cậu bé cánh cụt” Hồ Hữu Hạnh, chàng họa sĩ tài năng vẽ tranh bằng miệng hay cô bé “Nick Vujicic Việt Nam” vẫn có nghị lực phi thường, niềm lạc quan và ước mơ rất đẹp.

Cậu bé “chim cánh cụt” biết bay

Người dân ở xã Gia Canh (Định Quán, Đồng Nai) ai cũng biết cậu bé đặc biệt Hồ Hữu Hạnh (sinh năm 2000). Từ khi sinh ra, Hạnh đã không có đôi tay, nhưng em lại khiến nhiều người nể phục bởi tinh thần vượt lên số phận hiếm ai sánh bằng.

Theo lời kể của mẹ Hạnh, từ ngày chị mang thai, các bác sĩ đã kết luận là "thai nhi không bình thường" mà không hề giải thích gì thêm. Anh chị chỉ nghĩ đến trường hợp thai yếu hay nằm ngược, chứ chẳng dám ngờ đó là một sự nghiệt ngã mà số phận dành cho đứa con tội nghiệp.

Bằng đôi chân, Hồ Hữu Hạnh có thể viết chữ nhanh và rất đẹp.
Bằng đôi chân, Hồ Hữu Hạnh có thể viết chữ nhanh và rất đẹp.

Dù mang khiếm khuyết trên cơ thể nhưng Hạnh vẫn luôn khao khát được đến trường. Những ngày đầu tiên đi học thực sự là vô vàn thử thách, khó khăn đối với em. Không có tay để cầm bút, cũng chẳng thể lật từng trang sách nên Hạnh phải phó thác nhiệm vụ đó cho đôi chân. Những ngày đầu chưa quen, chữ Hạnh viết rất to và xấu. Nhưng bây giờ, em không những có thể chép bài rất nhanh, đẹp mà còn có thể viết bằng cả chân trái và chân phải.

Cũng với đôi chân, Hạnh có thể làm tất cả mọi việc nhuần nhuyễn như một người bình thường, từ tắm gội, giặt đồ, rửa chén bát, nấu ăn, thậm chí em có thể cầm dao chặt cây. Năm 2010, Hạnh khiến mọi người phải kinh ngạc khi em đăng kí tham dự Đại hội thể dục thể thao với môn bơi lội và giành hai huy chương đồng.

Hạnh cũng thường xuyên giúp bố mẹ làm việc nhà.
Hạnh cũng thường xuyên giúp bố mẹ làm việc nhà.

“Chim cánh cụt” là tên gọi thân thương mà bạn bè, thầy cô đặt cho Hạnh. Em rất thích cái tên đó nhưng thêm vào hai từ “biết bay” và lấy làm nick name của mình. Chia sẻ về tương lai, Hồ Hữu Hạnh thổ lộ, em chỉ muốn gắng sức học hành thật tốt và phấn đấu để trở thành kỹ sư tin học.

Chàng trai 90cm chinh phục Fansipan bằng nạng gỗ

Vào lúc 13h38 phút ngày 24/10/2011, Nguyễn Sơn Lâm trên chiếc nạng gỗ đã chinh phục thành công “nóc nhà Đông Dương”. Đây là một kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” được lập nên bởi chàng trai cao vỏn vẹn 90cm.

Nguyễn Sơn Lâm chinh phục thành công Fansipan.
Nguyễn Sơn Lâm chinh phục thành công Fansipan.

Hành trình của chàng trai tí hon và 7 người bạn đồng hành bắt đầu từ sáng 23/10/2011 theo đường Trạm Tôn. Có thể với người bình thường, quãng đường này không quá vất vả. Nhưng với Sơn Lâm, chỉ một hòn đá to, một bậc cao, một đoạn suối, một cây gỗ bắc ngang, một đoàn đường toàn đá lổn nhổn hay bùn lún,... cũng là những thử thách chưa bao giờ phải đối mặt.

Lâm tâm sự, dù có lúc kiệt sức nhưng anh chưa bao giờ có ý định bỏ dở cuộc hành trình. Hành trang đặc biệt của anh có thêm một sợi dây đai an toàn để nối với người chỉ dẫn. Nhưng vì vướng víu nên Sơn Lâm đã đề nghị tháo ra để đi lại dễ dàng hơn.

Những hình ảnh của Sơn Lâm trên hành trình đầy thử thách.
Những hình ảnh của Sơn Lâm trên hành trình đầy thử thách.

Chàng trai cao 90cm nhớ lại, khi nhìn thấy mỏm kim loại của đỉnh Fansipan, anh vừa cảm động, vừa hồi hộp lại vô cùng hạnh phúc và tự hào. Sau khi gọi điện thông báo cho mẹ, Sơn Lâm đã hát vang những câu trong bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của ban nhạc Bức tường.

Sơn Lâm cũng nhắn gửi tới những người bạn đồng cảnh ngộ: “Các bạn hãy làm hết sức mình có thể, cho dù đó là việc đơn giản nhất hay khó khăn nhất. Cuộc sống rất tươi đẹp, con người đầy tình yêu thương và hãy sống hết mình. Đơn giản vì chúng ta đã sinh ra trên đời này rồi”.

Chàng họa sĩ vẽ tranh bằng miệng

Sinh năm 1991 tại Đồng Nai trong gia đình 4 anh em, Lê Minh Châu là người duy nhất bị ảnh hưởng chất độc da cam. Cơ thể anh dị thường, tứ chi bị teo, chỉ có thể di chuyển bằng 2 đầu gối và bàn tay không cầm nắm được vật gì quá lâu. Đáng thương là vậy, nhưng Minh Châu nói rằng, anh chưa bao giờ mặc cảm về số phận. Anh dựa vào hội họa để tìm niềm vui và cũng là cách động viên chính mình.

“Hãy nở nụ cười trên đôi môi, cho dù hoàn cảnh nào chính bạn cũng sẽ vượt qua”. (Ảnh: tienphong)
“Hãy nở nụ cười trên đôi môi, cho dù hoàn cảnh nào chính bạn cũng sẽ vượt qua”. (Ảnh: tienphong)

Bởi tay yếu nên Châu chủ yếu vẽ bằng miệng. Ban đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lâu rồi cũng thành thuần thục. Có những bức tranh to, Châu phải nằm lên đó rồi tự mình lăn lộn, người bê bết các mảng màu. Lắm lúc mệt, anh ngủ quên luôn trên tranh. Chuyện bị rách quai hàm, uống nhầm xăng dầu, ăn phải màu… đã trở nên quá quen thuộc với chàng họa sĩ giàu nghị lực.

Là nghệ sĩ, Châu khá mạnh mẽ và cá tính. Anh muốn tự mình làm mọi việc nên đã quyết định xa quê hương, sống tự lập dù chẳng một đồng dính túi. Cô đơn, lạc lõng, quá nhiều áp lực khiến anh quẫn trí và từng tìm đến cái chết. Mỗi lần cảm thấy bế tắc, anh lại đập phá đồ đạc trong phòng và khóc một mình. Nhưng chỉ đến sáng hôm sau, Minh Châu lại thấy mình như mạnh mẽ hơn.


Châu cũng là nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu được đề của giải Oscar. (Ảnh: tienphong)

Châu cũng là nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu được đề của giải Oscar. (Ảnh: tienphong)

Bằng tài năng và nghị lực, Minh Châu đã tự mở cho mình một phòng tranh ở quận 10 (TP. HCM). Anh cũng là nhân vật chính trong “Chau, Beyond the Lines” - một bộ phim từng lọt vào danh sách đề cử chính thức giải Oscar 2016 ở hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất. Cuộc sống của anh giờ không còn quá khó khăn, đủ để anh trang trải sinh hoạt phí, mua dụng cụ vẽ và nuôi mấy con thú cưng bầu bạn.

Cô bé “Nick Vujicic Việt Nam”

Ngày bé Linh Chi cất tiếng khóc chào đời, thay vì niềm vui, sự hân hoan, phấn khởi thì bố mẹ em đã vô cùng suy sụp bởi đứa con đầu lòng không có chân và cũng chẳng có bàn tay. Nhìn thấy đứa trẻ không lành lặn, có nhiều người thương xót, động viên, nhưng cũng có không ít lời đàm tiếu, đồn thổi cay độc.

Bỏ ngoài tai những điều ác ý của người đời, vợ chồng anh Nam - chị Thủy đã cùng nhau vượt qua khó khăn để chăm con thật tốt. Mỗi lần nhớ về thời điểm bé Linh Chi tập đi trên hai ống inox, anh Nam lại ứa nước mắt - những giọt nước mắt của niềm vui và cũng phảng phất nỗi buồn.

Linh Chi – cô bé Nick Vujicic của Việt Nam.
Linh Chi – cô bé Nick Vujicic của Việt Nam.

Với những đứa trẻ khác, tự vệ sinh cá nhân là một việc rất đỗi đơn giản. Nhưng với Linh Chi, đó là cả một sự nỗ lực rất lớn. Có những lúc cầm bát cơm, ôm cốc nước,… mà đôi tay ngắn ngủn của em mỏi rã, đồ vật cứ thế rơi ra, không theo sự điều khiển. Nhưng rồi trải qua bao tháng ngày khổ luyện vất vả, Chi cũng tự xúc được cơm và làm nhiều việc khác.

Linh Chi rất thần tượng Nick Vujicic, nên vào tháng 5/2013, khi chàng trai này đến Việt Nam, vợ chồng anh Nam, chị Thủy đã đưa con xuống Hà Nội. “Tôi mong làm sao cho cháu được một lần gặp Nick để cho con thấy nghị lực sống và vươn lên, không nên lùi bước và phải ngẩng mặt lên, không nên mặc cảm với số phận”, anh Nam viết trong bức thư giới thiệu về con gái mình.

Sau lần gặp Nick Vujicic, Linh Chi đã có nhiều thay đổi. Bé tự tin hơn trước đám đông, mạnh dạn hơn khi tiếp xúc với người lạ và dường như có thêm nhiều nghị lực hơn khi nhìn thấy sự thành công của một người có vẻ ngoài giống mình.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm