Nguồn gốc câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy"

Không biết tự bao giờ, mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt nhắc lại câu nói dân gian “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” nhằm tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục, truyền dạy kiến thức của cha mẹ, thầy cô giáo.

Nguồn gốc câu nói Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy - 1

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh PV)

Nói về sự ra đời của câu nói dân gian, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” không được ghi lại chính thức ở bất cứ đâu, nhưng nói về địa vị ông thầy xuất hiện thì phong tục này ra đời khi có nền giáo dục, có chữ viết.

Mùng 1 Tết nhà nội (Tết cha), Mùng 2 Tết nhà ngoại (Tết mẹ) gọi là biếu, khấn vái, quà tết cho họ nội và họ ngoại. Sau đó “Mùng 3 Tết Thầy”, là ngày để người Việt bày tỏ sự biết ơn đến thầy cô, những người đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức.

Nói về ý nghĩa của Tết thầy, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng: “Có thể nói, ý nghĩa của việc Tết thầy, Tết cô đi liền với tư tưởng Nho giáo. Tư tưởng Nho giáo đưa ra 3 tư tưởng có triết lý nhân sinh quan trọng nhất là quân - sư - phụ. Quân là vua, sư là thầy, phụ là cha mẹ. Đối với vua phải trung thành, đối với thầy phải kính, đối với cha mẹ là hiếu. 3 phẩm hạnh ấy quy định phẩm chất của con người đứng đắn, tử tế, quân tử”.

"Mùng 3 Tết thầy" trong câu ca dao xưa nay là để nói về công cha nghĩa mẹ ơn thầy. Qua đó, học trò tỏ lòng biết ơn đến người thầy cô giáo đã truyền dạy tri thức. Đây là thể hiện truyền thống "Tôn sư trọng đạo", "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.

Bên cạnh đó, có thể hiểu, trong quan niệm Tết xưa, chúc Tết thầy không chỉ là tình cảm mà còn là vật chất. Ở đó, học trò đóng góp và trả công, trả lương cho thầy. Bởi trong xã hội xưa, thầy giáo không có lương. Khi dạy học, các gia đình trong làng đóng góp thóc gạo để nuôi thầy. 

PGS.TS Lê Quý Đức đánh giá: "Hiện nay, chúng ta đang trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế, xã hội, những truyền thống tốt đẹp bảo lưu và những yếu tố khác bị cơ chế thị trường chi phối. Vì vậy, nhiều người đã làm biến tướng đi ý nghĩa của Tết thầy."

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nhiều phụ huynh nghĩ biếu thầy ngày Tết sẽ khiến con được quan tâm hơn hay học hành suôn sẻ hơn.

Bên cạnh đó, cũng có những người thầy tiêu cực, khi dịp Tết muốn học sinh biếu nhiều hơn, thậm chí lợi dụng để đòi hỏi vật chất. 

Nhớ lại Tết thầy ngày xưa, PGS.TS Lê Quý Đức kể: "Trước đây, đời sống khó khăn. Khi đó tôi năm học cấp 3, đi đường mời thấy 4-5 em học trò, mỗi người cầm 1 quả trứng thăm cô giáo ốm. Dù chỉ là những quả trứng, song khiến tôi cảm động vì sự quan tâm của những học trò kia với cô giáo của mình".

Hiện, đời sống vật chất ngày càng tốt hơn, thì con người nên sống với nhau tình cảm hơn. Dù ở thời nào, đạo lý kính thầy cần củng cố, lưu truyền và khẳng định là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm của người Việt. Đây là dịp để con cháu làm ăn xa trở về sum vầy về bên gia đình. Khi đó, mọi người cùng trao đi những lời chúc may mắn, an khang đến những người thân và tỏ lòng thành kính đến những thầy cô đã dạy dỗ.

Theo Anh Thư
Lao Động