Người Việt ở Mỹ: Trắng đêm chờ kết quả, xe in hình ông Trump chạy khắp phố
(Dân trí) - Rạng sáng 6/11 (giờ Mỹ), nhiều người gốc Việt vừa tham gia bầu cử tổng thống thức trắng đêm, hồi hộp chờ kết quả cuộc chạy đua giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris.
Không khí yên tĩnh ở phòng bỏ phiếu
Sáng 5/11 - ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ - không khí tại gia đình chị Mỹ Hương (sống ở bang Ohio) rộn ràng hơn bình thường. Nhờ thông tin trên mạng và truyền hình, hai con của người phụ nữ này háo hức không kém bố mẹ.
"Mẹ sẵn sàng đi bầu cử chưa, lúc nào mẹ sẽ đi bỏ phiếu", cậu con trai liên tục đặt câu hỏi với mẹ khi đến trường.
Sau khi hoàn thành công việc, 16h ngày 5/11, chị Hương đến điểm bỏ phiếu đặt tại nhà cộng đồng ở Columbus (bang Ohio). Đây là lần thứ 3, người phụ nữ này đi bầu cử tổng thống Mỹ. Hai lần trước, chị Hương sống ở Việt Nam nên bỏ phiếu qua thư.
Bước vào phòng bỏ phiếu, không khí yên tĩnh bao trùm. Chị Hương cùng nhiều cử tri khác trật tự ngồi vào ghế đã xếp sẵn, chờ đến lượt bỏ phiếu. Mọi người tranh thủ cập nhật không khí bầu cử trên điện thoại, chăm chú đọc thêm thông tin về ứng viên trước khi nhấn chuột chọn người xứng đáng nhất.
Ngoài lựa chọn tổng thống và phó tổng thống, trong kỳ bầu cử lần này, nơi chị Hương ở còn lấy ý kiến người dân về nhiều vấn đề an sinh xã hội, pháp luật... của bang.
"Khi đến lượt, nhân viên bầu cử sẽ kiểm tra ID (số căn cước) cử tri. Nếu ID hợp lệ, cử tri được phát 2 tờ giấy. Trong đó, một tờ chứa thông tin cá nhân dùng để quét vào máy giúp nhận diện người đi bầu, tờ còn lại màu trắng có công nghệ bảo mật được dùng để in phiếu bầu sau khi thao tác xong trên máy.
Cử tri chọn ứng viên tổng thống, phó tổng thống bằng máy tính... Lựa chọn xong, tôi in thông tin ra, quét tờ phiếu bầu vào máy để kiểm phiếu. Cuối cùng, cử tri được phát một nhãn dán I Voted (nghĩa là: Tôi đã bầu) và ra về", chị Hương chia sẻ.
Trước khi diễn ra bỏ phiếu chính thức, các chiến dịch vận động tranh cử thường xuyên được tổ chức kéo dài nhiều tháng, thu hút hàng nghìn người tham gia. Những chiếc xe buýt có dán hình ứng viên tổng thống và phó tổng thống liên tục chạy qua các khu phố với hy vọng thu hút thêm lá phiếu của cử tri.
Sau khi các phòng bỏ phiếu đóng cửa, tối 5/11 (tức sáng 6/11 giờ Việt Nam), gia đình chị Hương và bạn bè gần như thức trắng, theo dõi các kênh truyền thông để cập nhật kết quả cuộc chạy đua giữa ứng viên Donald Trump (Đảng Cộng Hòa) và bà Kamala Harris (Đảng Dân Chủ).
"Đêm bầu cử năm nào cũng vậy, nhiều gia đình ở Mỹ thức trắng để chờ đợi kết quả. Cả ngày 5/11, mọi người đi làm cũng không tập trung được, liên tục nói chuyện về các ứng cử viên, việc bầu cử, sẽ lựa chọn ai...", chị Hương chia sẻ.
Khác với chị Mỹ Hương, chị Thủy Võ (sống ở Odessa, Florida) lựa chọn đi bầu cử sớm từ ngày 24/10. Người phụ nữ này lo ngại lượng cử tri đông, chờ đợi lâu, không kịp giờ làm việc.
Trước đây, Florida là bang chiến trường - giằng co giữa hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ - trong mỗi kỳ bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cử tri nơi đây nghiêng về phía Cộng hòa.
"Hôm tôi đi bầu cử, các phòng bỏ phiếu không đông, an ninh được thắt chặt. Nhân viên phục vụ bầu cử sẽ kiểm tra số căn cước, cử tri ký trên máy tính, sau đó mới được phát tờ phiếu bầu.
Việc kiểm tra mã số cá nhân nhằm đảm bảo cử tri đi bầu là công dân Mỹ, một người chỉ được bầu một lần duy nhất. Chỗ tôi sống vẫn in phiếu bầu bằng giấy. Cử tri chọn ứng viên bằng bút rồi quét vào máy để ghi nhận", chị Thủy Võ chia sẻ.
Dù chọn bầu cử sớm hay bỏ phiếu đúng ngày 5/11, tâm trạng của chị Thủy Võ cùng hàng triệu người Mỹ khác đang thấp thỏm chờ kết quả. Việc ai trở thành tổng thống sẽ có những thay đổi liên quan đến kinh tế, xã hội không chỉ với Mỹ mà cả thế giới.
Cảm nhận không khí bầu cử ở Mỹ
Rạng sáng 6/11, chị Thu Thủy (40 tuổi, sống ở Hà Nội) vẫn chưa ngủ bởi cũng hồi hộp theo dõi thông tin bầu cử Mỹ qua tivi. Trên tivi, liên tục chạy dòng chữ thông báo cuộc chạy đua giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris.
Cuối tháng 8, chị Thu Thủy tới Mỹ để thăm hai con trai đang du học tại một trường đại học thuộc bang Texas.
Đến Mỹ đúng vào dịp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, người phụ nữ 40 tuổi cảm nhận rõ không khí sôi nổi của cử tri nước này trong công cuộc lựa chọn vị lãnh đạo đứng đầu đất nước.
"Vì bang tôi sinh sống có truyền thống ủng hộ Đảng Cộng hòa của ông Trump nên trên đường phố, các cửa hiệu, không gian công cộng, hình ảnh của ông Trump xuất hiện dày đặc, xe in hình ông Trump chạy khắp phố.
Người dân bang này chia sẻ, họ có nhiều lý do để lựa chọn người đàn ông của Đảng Cộng hòa. Cụ thể, ông Trump nhanh nhạy trong làm ăn kinh tế, quan tâm đến người dân, đưa ra nhiều đổi mới trong chính sách... Sát bầu cử, nhiều công ty, cá nhân thậm chí còn nghỉ làm với niềm tin đất nước sẽ có những thay đổi quan trọng khi tổng thống mới lên", chị Thủy kể.
Cũng theo người phụ nữ này, từ trước đó vài tháng, người dân Mỹ đã bàn luận rất nhiều về chủ đề bầu cử. Câu chuyện bầu cử, người lên thắng cử và những đề tài ngoài lề xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày bên cốc cà phê của nhân viên phòng hay trong giờ nghỉ trưa của người lao động chân tay.
"Hiện là gần nửa đêm ở Mỹ. Trên truyền hình đang phát hình ảnh kiểm phiếu và các con số về tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống. Những dòng chữ xanh đỏ thể hiện tỷ lệ bầu cử cho mỗi ứng cử viên ở các bang liên tục nhấp nháy trên ti vi.
Nhiều người Mỹ trong ngày này và ngày mai sẽ ăn ngủ cùng chiếc ti vi bởi đây là phương tiện cập nhật thường xuyên thông tin về cuộc bầu cử trước khi đi vào thời khắc quyết định", chị Thu Thủy cập nhật về không khí bầu cử ở Mỹ.
Theo quan sát của chị Thủy, người Mỹ rất quan tâm đến cuộc bầu cử. Họ cũng thận trọng đưa ra quyết định lựa chọn, ủng hộ ai. Các thông tin từ truyền hình cho thấy, người Mỹ mong đợi ứng viên làm tổng thống sẽ mang lại giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của họ và nước Mỹ.
Nhìn ở một góc độ xa hơn, người nắm giữ vị trí tổng thống của nước Mỹ cũng sẽ làm thay đổi phần nào cục diện thế giới.
Mỗi cá nhân lại có những cách ủng hộ hoặc thể hiện sự yêu mến với ứng viên mình lựa chọn.
Chị Thủy kể, thời điểm mới đến Mỹ, người hàng xóm nghe tin có người nước ngoài mới chuyển tới, họ đã không ngần ngại bắt chuyện, chia sẻ sự yêu mến của họ với ông Trump cho chị nghe.
Người hàng xóm thậm chí còn tặng chị Thủy nhiều bức ảnh in ảnh ông Trump giơ bàn tay chiến thắng. Thi thoảng đi qua nhà, họ lại hỏi chị đã dán ảnh ông Trump lên đồ đạc trong nhà chưa.