Người phụ nữ truyền cảm hứng qua những bức tranh làm từ giấy vụn
(Dân trí) - Không sử dụng những bảng màu hay bút vẽ, những bức tranh với nhiều chủ đề khác nhau được chị Nguyễn Thị Kim Hồng (Hà Nội) cắt, xé, dán lại từ giấy, báo cũ nhằm gửi gắm thông điệp về bảo vệ môi trường.
Từng là một giáo viên mầm non, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Hồng phải nghỉ dạy, vì nhớ học trò nên chị đã làm thơ, và xé dán bức tranh đầu tiên.
"Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải nghỉ học, tôi rất nhớ học trò và các bạn cũng nhớ cô. Tôi đã viết một bài thơ để gửi phụ huynh đọc cho các con nghe và xé dán bức tranh tam cúc để minh họa cho bài thơ của mình", chị Hồng tâm sự về ý tưởng làm tranh từ giấy báo cũ.
Khi còn là cô giáo mầm non, chị cũng thường xuyên tận dụng giấy báo cũ để làm các sách ảnh về chủ đề động vật, cây cối để minh họa cho bài giảng của mình.
Bức tranh đầu tiên hoàn thành và nhận được sự ủng hộ của mọi người nên chị tiếp tục xé, dán làm thêm những bức tranh khác, và thử thách ở nhiều chủ đề khác nhau.
"Bức tranh đầu tiên tôi phải bóc ra dán lại rất nhiều lần, bối rối trong cách đặt màu, đi màu. Mỗi ngày, tôi thường ngồi làm tranh liên tục trong 14 - 16 tiếng và chỉ khi bắt tay vào thực hiện thì mình mới rút ra được kinh nghiệm", chị Hồng cho biết.
Để làm 1 bức tranh xé dán từ giấy báo cũ, điều khó nhất là ý tưởng, trong quá trình lật dở báo, chị Hồng phải phân loại những mẩu giấy cùng màu, cùng chủ để, khi đủ nguyên liệu sẽ bắt tay vào làm luôn.
"Như bức tranh 2 mẹ con gà mái chẳng hạn, đang lật dở báo thì tôi thấy có miếng giấy màu chấm bi này rất giống với lông đuôi con gà mái nên tôi cắt ra để vào các hộp ý tưởng đã được ghi tên, phân loại, ý tưởng làm con gà mái bắt đầu hình thành", Cô giáo mầm non chia sẻ.
Chị thử thách bản thân làm những bức tranh có hình ảnh con người, không được học về mỹ thuật nên việc tạo hình khuôn mặt với chị Hồng là khó khăn nhất. Chị mất 3-4 ngày, bóc ra dán lại hàng trăm mẩu giấy khác nhau để tạo nên thần thái khuôn mặt của cô gái trong bức tranh.
"Trong quá trình làm, mình đã rút được những kinh nghiệm khác nhau mà chỉ khi đặt tay vào làm thì mới có được. Từ kỹ năng phết keo đến cảm quan về màu sắc, cách để xây dựng bố cục cho bức tranh", người phụ nữ 8X cho biết.
Những lúc bí ý tưởng, chị Hồng lại đọc sách, ngồi lật dở báo và đi dạo để có thêm năng lượng. Lần đầu tiên xin báo, giấy cũ rất khó nhưng khi những bức tranh ra đời, nhiều người còn chủ động liên hệ tặng chị giấy báo cũ. Nhưng chị Hồng không xin đồng loạt mà giới hạn trong một số quyển sách báo xin được sẽ phải làm ra 1 bức tranh.
Chị không bỏ đi bất kỳ thứ gì, một miếng giấy nhỏ cũng giữ lại. Có rất nhiều mảng màu giống nhau xuất hiện ở những bức tranh khác nhau, như vậy mới đúng với tinh thần tái chế mà chị muốn truyền tải đến mọi người.
Mỗi bức tranh để lại 1 trải nghiệm, 1 ấn tượng khác nhau, bức tranh đầu tiên khiến chị loay hoay, hồi hộp nhất. Còn khi làm bức cô gái, chị gần như nhập tâm vào nhân vật mình muốn làm.
Đặc biệt, bức tranh chị đặt tên là "hy vọng" được đem bán đấu giá ủng hộ vào chương trình dự án nhà chống lũ và những người thân bị ảnh hưởng trong đợt lũ ở quê nhà Nghệ An.
Tính đến nay, chị Hồng đã làm được hơn 10 bức tranh từ giấy báo cũ, hiện tại, đây mới chỉ dừng lại ở dự án cá nhân, vì bên cạnh làm tranh chị vẫn làm công việc chính là đào tạo giáo viên ở các trường mầm non.