Người phụ nữ đưa sản phẩm thêu ren cố đô Hoa Lư đi… trời Tây
(Dân trí) - Gần 30 năm gắn bó với nghề thêu ren, chị Vũ Thị Hồng Yến chưa bao giờ nghĩ sẽ "nghỉ hưu". Ngày ngày chị vẫn hăng say để giữ hồn nghề thêu, đưa các sản phẩm truyền thống đến nhiều nước trên thế giới.
Vay tiền để giữ nghề ông cha
Những ngày cuối năm 2020, dù bận bịu với "trăm công nghìn việc" nhưng chị Vũ Thị Hồng Yến (SN 1965, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) vẫn tranh thủ dành chút thời gian để chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời của mình với gần 30 năm "sống - chết" với nghề thêu ren mà ông cha để lại.
Rót chén trà mời khách, chị Yến khoe vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và "Đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống".
Thành quả này chị có được sau biết bao nhiêu năm phấn đấu không ngừng, lưu giữ và phát triển nghề thêu ren làng Văn Lâm nổi tiếng ở đất cố đô Hoa Lư.
Chị Yến vốn sinh ra trong gia đình mà cả bố mẹ, các anh chị em đều biết thêu ren. Cũng vì thế mà nghề đã ngấm vào người cô bé Yến từ khi còn học cấp 2. Lúc đó, các kỹ thuật thêu ren đơn giản, Yến đã làm được thành thạo phụ giúp gia đình và càng hoàn thiện đôi tay của mình để nâng cao kỹ năng nghề hơn.
Thi trượt đại học, cô thiếu nữ thôn quê lên Thái Nguyên làm công nhân sau đó học nghề hàn. Tưởng rằng, cuộc đời mình sẽ gắn bó với công nhân cơ khí nhưng số phận lại ưu ái để Yến tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống của gia đình khi được chọn dậy nghề thêu ren cho các con em của những công nhân thực hiện dự án sông Đà.
Những năm sau đó, cô gái trẻ đất cố đô Hoa Lư ở Hà Nội mưu sinh bằng nghề thêu ren với công việc và đồng lương ổn định. Điều bất ngờ xảy ra khiến ai cũng nghĩ Yến bị "khùng" là khi cô quyết định bỏ việc, quay trở về quê hương, gây dựng lại nghề truyền thống thêu ren đang dần mai một ở quê nhà.
"Đi nhiều nơi tôi thấy giá trị của các sản phẩm thêu ren vẫn được nhiều người quý. Nhưng sản phẩm quê mình làm ra thì không tìm được đầu ra, khách nước ngoài chưa biết đến. Tôi quyết định về quê, tập hợp những người còn làm nghề lại, sau đó một mình rong ruổi để tìm các nguồn nhận hàng về cho bà con làm", chị Yến nhớ lại.
Thấy nghề thêu thu nhập tốt, chị Yến quyết định dành toàn bộ tâm huyết để thực hiện các dự định của mình. Ngày đó, chị chỉ có 10 triệu tiền vốn trong tay (vay mượn mọi người), nhưng vẫn quyết thành lập Tổ hợp thêu ren xuất khẩu Hòa Bình.
Tổ hợp ban đầu chỉ có khoảng chục người tham gia. Từ tổ hợp này, Yến nhận hàng khắp nơi, nguồn hàng về làm không hết việc. Chị tiếp tục liên kết thành lập nhiều nhóm trong làng, rồi mở rộng ra toàn xã. Ai làm được nghề thêu cũng có việc để làm, có thu nhập. Từ đây, nghề truyền thống đang dần mai một ở Vân Lâm bắt đầu nhộn nhịp, hồi sinh trở lại.
"Lăn lộn" đưa sản phẩm đi trời… Tây
Nhớ lại quãng thời gian "lăn lộn" với nghề, chị bảo không phải khi nào mọi việc cũng hanh thông. Mọi khó khăn đã cho chị thêm vững bước trên từng chặng đường. Để giờ đây, thương hiệu của các sản phẩm thêu ren thủ công của doanh nghiệp "bay cao bay xa" ở nhiều nước trên thế giới.
Hiện các sản phẩm tranh thêu, chăn tơ tằm, quần áo thời trang hàng độc thêu tay, khăn, ga, gối, túi sách quà tặng lưu niệm thêu thủ công… do chị Yến cùng những người thợ của công ty làm ra được các nước: Anh, Pháp, Úc, Nhật, Đức rất ưa chuộng, bởi sản phẩm được làm ra hoàn toàn thủ công, do bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ lành nghề làng Văn Lâm.
Chị Yến nhớ lại, sau khi thành lập Tổ hợp thêu ren các đơn hàng ngày càng nhiều hơn, sản xuất ổn định hơn. Năm 2004, chị được địa phương cho thuê 3.000m2 đất mở xưởng sản xuất. Những người thợ gắn bó với chị chính thức có nơi làm việc đàng hoàng và chuyên nghiệp hơn.
"Từ những đơn hàng trong nước, tôi lăn lộn khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đó thường xuyên tham gia các hội chợ quốc tế tổ chức cả trong nước và ngoài nước. Hội thảo, hội nghị nào tôi cũng cố gắng để tham gia với mong muốn có thêm thật nhiều kinh nghiệm, có cơ hội để quảng bá sản phẩm do chính mình làm ra. Chỉ có cách đó mới người nước ngoài mới biết đến sản phẩm truyền thống của Việt Nam", chị Yến kể.
Từ sự "lăn lộn" đó, đến năm 2007, chị Yến đã thực hiện được việc xuất khẩu trực tiếp các đơn hàng ra thế giới. Từ đó, khách quốc tế tìm đến với công ty đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Hiện sản phẩm chăn thêu trên chất liệu tơ tằm, quần áo thời trang hàng độc thêu tay do công ty chị Yến làm ra được khách Pháp, Anh, Úc đặt làm thường xuyên.
Hiện xưởng sản xuất của chị Yến đang có 45 người làm việc với mức lương từ 4,5 - 7 triệu đồng. "Đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có lúc sản xuất bị gián đoạn, tuy nhiên tôi vẫn phải cố gắng duy trì công việc để giữ thợ ở lại với mình. Các chế độ lương, thưởng, đóng BHXH, BHYT vẫn hoàn thành cho mọi người", chị Yến nói.
Gần 30 năm gắn bó với nghề thêu ren, năm nay là năm khó khăn nhất khi doanh thu sụt giảm, có những tháng chị Yến phải bù lỗ mấy chục triệu đồng để trả lương cho người làm nhưng chưa bao giờ chị nghĩ đến chuyện buông bỏ nghề.
Người phụ nữ 55 tuổi kiên định: "Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ nghỉ hưu. Làm nghề, theo nghề đã cho tôi nhiều niềm vui là bảo tồn được nghề ông cha, tạo việc làm cho bà con quê hương. Đặc biệt là các sản phẩm truyền thống của quê hương mình được bạn bè thế giới thích thú và tin dùng".
Chị Yến cũng mong muốn: "Du lịch Ninh Bình ngày càng phát triển, nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm được nhiều người biết đến nhưng rất ít người theo nghề khi các dịch vụ du lịch có thu nhập cao hơn. Mong chính quyền các cấp có sự quan tâm giúp đỡ hơn nữa, tạo nhiều điều kiện để nhiều người dân được học và phát triển nghề truyền thống của quê hương, để không dần bị mai một".