Người phụ nữ 15 năm sống ở “ốc đảo”: Không ra chợ, không cần đến tiền

(Dân trí) - Hơn 15 năm qua, hai chị em bà Nguyễn Minh Ngọc (69 tuổi) và bà Nguyễn Thị Môn (67 tuổi) chọn cách sống ẩn mình trên một “ốc đảo” rộng khoảng 2ha, nổi lên giữa vùng đồng ruộng và sình lầy của xã Liên Hòa (Lập Thạch - Vĩnh Phúc).

Người phụ nữ 15 năm sống ở “ốc đảo” Vĩnh Phúc: Không ra chợ, không cần đến tiền

Căn nhà của bà Nguyễn Minh Ngọc (69 tuổi) và bà Nguyễn Thị Môn (67 tuổi) nằm trên một gò đất rộng khoảng 2ha, xung quanh được bao bọc bởi rừng cây cối rậm rạp. Dù cách không xa trung tâm xã Liên Hòa (Lập Thạch – Vĩnh Phúc) nhưng khu vực này như một thế giới tách biệt.

Không gian trên “ốc đảo” yên bình với không khí thoáng đãng, tràn ngập cây xanh và tiếng chim hót véo von. Để vào được đây, mùa khô phải đi qua một con đường đất nhỏ giữa cánh đồng còn mùa mưa nước ngập sâu phải chèo thuyền để đi vào.

Cuộc sống trên ốc đảo của hai chị em bà Ngọc tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài
Cuộc sống trên "ốc đảo" của hai chị em bà Ngọc tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài

Bà Nguyễn Minh Ngọc dù đã 70 tuổi nhưng trông khá trẻ so với tuổi, nước da đen rắn rỏi, nụ cười tươi rạng rỡ. Bà cho biết, nhiều năm qua hai chị em bà chọn cách sống biệt lập, tự cung tự cấp không giao du với bên ngoài nên cuộc sống rất đơn giản, an yên. “Nhiều người nói chúng tôi là người rừng, là kỳ dị nhưng tôi không quan tâm. Hàng ngày chúng tôi tự làm, tự ăn không cần đi chợ và cũng không có nhu cầu tiêu đến tiền”, bà Ngọc nói.

Dù đã gần 70 tuổi nhưng bà Ngọc trông khá trẻ, với nước da rắn rỏi cùng nụ cười rạng rỡ
Dù đã gần 70 tuổi nhưng bà Ngọc trông khá trẻ, với nước da rắn rỏi cùng nụ cười rạng rỡ

Người phụ nữ này cho biết, gia đình bà không phải là người bản địa ở đây mà quê gốc ở Thanh Hóa. Trước kia, cha bà là thầy thuốc Đông Y đi chữa bệnh khắp mọi nơi. Năm 1948, cả gia đình di tản ra Bắc để thuận tiện cho công việc của ông.

Khi đến vùng đất này, thấy địa thế đất đẹp, người dân thân thiện nên quyết định dừng chân lập nghiệp, sinh sống. Nhà có 7 anh chị em thì 2 người anh bà Ngọc đã hy sinh trong chiến tranh, những thành viên còn lại cũng đều lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Trước kia, bà Ngọc là giáo viên dạy cấp 2 ở Phú Thọ, sau khi về hưu bà trở về sinh sống trên “ốc đảo” cùng người em gái là Nguyễn Thị Môn. Cả hai chị em bà đều không lập gia đình mà chọn cách sống nương tựa vào nhau.

Cuộc sống của hai chị em bà Ngọc an yên, tự cung tự cấp mà không cần tiêu đến tiền
Cuộc sống của hai chị em bà Ngọc an yên, tự cung tự cấp mà không cần tiêu đến tiền
Trên đảo trồng rất nhiều cây trái đặc biệt là các loại cây ăn quả
Trên đảo trồng rất nhiều cây trái đặc biệt là các loại cây ăn quả

Trên “ốc đảo”, hai chị em bà Ngọc tự cung tự cấp được hầu hết các thực phẩm trong cuộc sống. Hai người trồng 3 sào ruộng lấy gạo ăn quanh năm, rau và cây ăn quả được trồng trong vườn nhà với đủ loại. Ngoài ra, hai người cũng nuôi thêm 1 đàn gà, vịt, lợn và đào một ao cá nhỏ.

Để cuộc sống thêm phong phú, họ nuôi thêm1 đàn chó làm bầu bạn và cũng là để canh giữ nhà cửa. Thực phẩm ăn không hết, hai người đem muối thành những vại mắm tôm, mắm tép, tương cà... hoặc phơi khô để ăn vào những ngày mưa rét. Trên “ốc đảo” cũng có một chiếc giếng cung cấp nước sạch quanh năm.

Xung quanh nhà, hai chị em bà Ngọc trồng thêm rất nhiều cây thuốc nam
Xung quanh nhà, hai chị em bà Ngọc trồng thêm rất nhiều cây thuốc nam
Ngoài ra, hai bà còn nuôi thêm chim bồ câu, lợn, gà... để cải thiện bữa ăn hàng ngày
Ngoài ra, hai bà còn nuôi thêm chim bồ câu, lợn, gà... để cải thiện bữa ăn hàng ngày

Hàng ngày, hai bà ăn những thứ mình làm ra mà không cần phải ra chợ mua thức ăn. Trong vườn nhà, ngoài cây ăn quả và rau xanh, hai bà trồng thêm cây thuốc để chữa những bệnh cảm cúm, thông thường. Cũng chính nhờ cuộc sống đơn giản, an yên tự tại mà hai chị em bà không biết đến ốm đau, bệnh tật và cũng chưa bao giờ phải đến bệnh viện.

“Mỗi ngày chúng tôi đều dậy từ 4h sáng, dành thời gian luyện tập thể dục, thể thao sau đó lao động, làm việc đồng áng, trồng trọt trên ốc đảo”, bà Ngọc kể.

Cuộc sống của bà Ngọc và bà Môn hàng ngày gắn liền với các công việc trên ốc đảo
Cuộc sống của bà Ngọc và bà Môn hàng ngày gắn liền với các công việc trên "ốc đảo"

Bà Ngọc cũng cho hay, bà không sử dụng điện thoại, đồ đạc trong nhà cũng tối giản hết mức có thể. “Cơm tôi nấu bếp củi, thức ăn thì ngày nào ăn ngày đó nên cũng không cần tủ lạnh. Thời tiết trên ốc đảo cũng thoáng đãng mát mẻ nên cũng rất ít khi phải cần đến quạt. Thứ giá trị nhất trong nhà là chiếc ti vi cũ, tôi dùng nó để cập nhập tin tức hàng ngày và cũng là để biết được những gì đang diễn ra ngoài kia”, bà Ngọc nói.

Bà Ngọc vui vẻ giới thiệu cuộc sống an yên của hai chị em bà trên ốc đảo
Bà Ngọc vui vẻ giới thiệu cuộc sống an yên của hai chị em bà trên "ốc đảo"

Gần 10 năm nay bà Ngọc “luyện” thói quen đi chân đất. Theo lý giải của bà, đây là cách giúp rèn luyện sức khỏe và thích ứng với môi trường xung quanh. Thời gian đầu đi chưa quen, chân bị rộp máu, đau rát rất khó chịu nhưng sau đó bàn chân chai dần có thể đi trên đất, đá mà không có cảm giác gì. Mỗi tháng, hai chị em bà Ngọc dành một buổi để đi chợ mua nhu yếu phẩm cần thiết chủ yếu là muối, con giống hay các loại cây trồng, ngoài ra không mua thêm gì khác.

“Hơn 15 năm rồi chúng tôi chẳng biết đến ốm đau bệnh tật, và chưa một lần phải đi bệnh viện. Có lẽ là do mình thường xuyên duy trì cuộc sống lành mạnh, luyện tập thể dục thể thao và ăn thực phẩm sạch. Tiền không chi cho việc gì nên chúng tôi hay đi du lịch, những năm gần đây hầu như các tỉnh lân cận năm nào cũng đi. Có vài lần tôi còn đi xuyên Việt, cứ ngày đi, đêm nghỉ khám phá vẻ đẹp của khắp mọi miền đất nước”, bà Ngọc hào hứng kể.

Nhiều lần thấy cuộc sống của hai bà tách biệt với bên ngoài, nhiều người cũng khuyên họ nên tìm một mảnh đất trong làng nhưng hai chị em bà Ngọc đều từ chối. Với hai người phụ nữ này, hạnh phúc đơn giản chỉ là cuộc sống vô lo vô nghĩ, bình yên với vườn cây, ao cá mà không phải vướng bận bởi những xô bồ, ồn ào của phố thị.

Hà Trang - Toàn Vũ