Người nông dân “mất ăn, mất ngủ” vì trồng phải “cam dại”
(Dân trí) - Có khoảng 10 ha với hơn 5.000 cây cam được xem như cây cam dại bởi cây không phát triển, còi cọc, khi cho quả thì lại chua không thể bán nổi. Thực trạng trên khiến người nông dân ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê rơi vào cảnh điêu đứng.
Anh Thiều Sỹ Hùng (thôn 4, xã Hương Thủy) chia sẻ: “Năm 2012, tôi mua 400 gốc cam của anh Tài, thuộc Trung tâm Bảo tồn gen giống bưởi Phúc Trạch. Dù chăm sóc rất kỹ càng nhưng cây cam rất còi cọc, phát triển chậm, có cây thì lại mọc vót lên, không sum suê như bình thường”.
Theo anh Hùng thì đến năm 2016, số cam trên có lứa quả đầu tiên nhưng vỏ lại dày và chua. Đến năm 2017 này thì tình trạng càng thậm tệ hơn quả ăn rất chua.
Anh Hùng cho biết: “Cả tháng nay tôi chỉ hi vọng có thương lái đến mua nhưng không có ai cả. Cam thế này cho họ cũng không lấy đừng nói bán. Tiền cây giống rồi phân bón, công chăm sóc cũng mất hàng trăm triệu đồng”.
“Tôi vừa mua gần 100 gốc bưởi Phúc Trạch về để ghép. Tôi sợ mua ngoài gặp phải cam kém chất lượng lắm rồi, mỗi vụ đầu tư cho cây giống cũng mất hàng trăm triệu đồng”, anh Hùng cho biết thêm.
Chị Phan Thị Hoa (cũng ở thôn 4, xã Hương Thủy) buồn bã: “Cam không bán được, cam vỏ dày, chua nên cả tháng nay không có thương lái đến mua”.
“Tôi đang phải thuê người chặt gần 1.000 gốc cây cam dại này. Bao nhiêu vốn liếng, công sức vậy là tiêu tan chú ơi”, chị Hoa chia sẻ.
Không chỉ riêng anh Hùng, chị Hòa mà đây là thực trạng của nhiều hộ dân thôn 4 của xã Hương Thủy này.có “dở khóc dở cười” như thế này.
Để có giống mới trồng vụ tiếp theo, nhiều hộ gia đình đã mua bưởi về tự ghép.
Ông Bạch Đình Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy cho biết: “Có khoảng 10 ha với hơn 5.000 cây cam cho quả kém chất lượng, cây không phát triển, tập trung nhiều nhất ở thôn 4, 7 gây thiệt hại lớn cho người trồng”.
“Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, ngoài ảnh hưởng của mưa lũ, sâu bệnh, có thể do chất đất chưa phù hợp, nguồn giống không đảm bảo chất lượng…”, ông Hữu nhận định.
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết, đã chỉ đạo xã vào từng hộ, kiểm tra số lượng cụ thể cam kém chất lượng trên địa bàn.
“Vì số cam này đã trồng cách đây 4 năm nên phải đi đến từng hộ để họ ký xác nhận mua giống của ai? Trong quá trình lấy giống có giấy tờ xác nhận hay không? Để từ đó có cơ sở sau đó báo cáo về Phòng nông nghiệp để Phòng phối hợp với đoàn kiểm tra và có hướng xử lý”, ông Vinh nói.
Xuân Sinh