Người nông dân khốn đốn về thông tin tác hại của đậu nành

Thời gian vừa qua, một số thông tin chưa được kiểm chứng về tác hại của đậu nành đã được tung lên một số trang tin, mạng xã hội. Hậu quả nhãn tiền đã thấy hàng triệu hộ nông dân trồng đậu nành, các cơ sở sản xuất đậu phụ, tương, xì dầu, sữa, dầu ăn khốn đốn…

Nông dân điêu đứng vì phải bán rau sạch với giá rẻ Khoanh nợ cho nông dân, ưu tiên đảm bảo nước ngọt vùng hạn mặn

Chúng ta đã từng phải trả những bài học đắt giá về việc vội vàng trong thông tin. Ví dụ như cho rằng vải thiều Lục Ngạn liên quan tới viêm não Nhật Bản B làm cho hàng nghìn hộ nông dân ở Lục Ngạn phải khốn đốn. Hay thông tin ăn bưởi gây ung thư làm cho cả vùng bưởi Năm Roi và một số địa phương trồng bưởi trong nước bị thiệt hại không nhỏ.

Có lặp lại không câu chuyện đáng buồn trên khi mới đây lại rộ lên thông tin những sản phẩm chế biến từ đậu nành, tinh chất mầm đậu nành có nguy cơ gây hại cho sức khỏe và gây ung thư cho con người?

Đậu nành là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng.
Đậu nành là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng.

Đây là thông tin nóng đối với xã hội vì cây đậu nành là kế sinh nhai của hàng triệu hộ nông dân, của những hộ sản xuất đậu phụ, sản xuất tương, sản xuất sữa đậu nành, sản xuất đồ ăn chay cho nhà chùa và phật tử…

Theo số liệu của tổng cục thống kê, sản lượng đậu nành hàng năm của Việt Nam là hơn 300.000tấn/ năm với diện tích trồng là hơn 100.000 ha. Việc trồng và sản xuất cây đậu nành đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu hộ nông dân và cây đậu nành cũng là cây chủ lực cứu cánh cho người nông dân.

Trước thông tin xấu về đậu nành cùng những sản phẩm của nó đã gây nên sự hoang mang cho những hộ nông dân làm đậu phụ ở các làng nghề nổi tiếng như làng đậu An Vĩ ở Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, Đậu Mơ ở Hà Nội.

Thông tin thất thiệt khiến người nông dân bị chịu nhiều thiệt hại.
Thông tin thất thiệt khiến người nông dân bị chịu nhiều thiệt hại.

Anh Ngô Lâm Trí một chủ cơ sở sản xuất đậu phụ tại Nguyễn Khoái, Hoàng Mai, Hà Nội vừa đầu tư gần 1 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất đậu phụ của mình than phiền: “Thông tin về sản phẩm của đậu nành có gây ra ung thư là tai ác quá. Bao đời nay dân ta ăn đậu nành có bị làm sao đâu. Nếu cái tin đồn thật thiệt này mà loang ra thì tôi và bao hộ làm nghề sạt nghiệp, phá sản”.

Việc kết luận một loại thực phẩm nào đó tốt hay không tốt cho sức khỏe con người, đó là một vấn đề khoa học cần phải có sự thẩm định của các cơ quan khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Việc vội vàng khuếch tán những thông tin không tốt cho sức khẻo từ các sản phẩm được sản xuất từ đậu nành, chưa được các cơ quan chức năng có uy tín, có trách nhiệm kiểm chứng sẽ gây ra những hệ lụy cho người nông dân trồng đậu nành, các hộ gia đình làm đậu phụ, xì dầu, tương, sữa… cho các doanh nghiệp sản xuất đồ ăn chay, sản xuất các sản phẩm có thành phần từ đậu nành; gây nên một hiệu ứng tiêu cực làm bất an và xáo trộn xã hội.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết: “Tuy nhiên, thông tin đậu nành hay sữa đậu nành gây ung thư chưa có bằng chứng khoa học. Nếu nghi ngờ mầm đậu nành chứa 1 chất tương tự như estrogen và cho rằng estrogen có thể gây ung thư là không có cơ sở.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm (Phó viện trưởng-Viện Dinh Dưỡng)

“Gần đây, một số nghiên cứu trên thế giới còn chứng minh thêm một số công dụng của đậu nành đối với phòng bệnh ung thư và ngăn ngừa xơ vỡ động mạch. Theo hiệp hội Ung thư Mỹ, Genistein trong đậu nành làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách giảm sự tổn thương tế bào, và chất ức chế protease bowmanBirk có trong protein đậu nành cũng có thể ức chế sự khởi phát ung thư”

PGS.TS.BS Trần Văn Thiệp - Chủ nhiệm Bộ môn Ung thư học, Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trưởng khoa Ngoại 3, bệnh viện Ung bướu TP HCM

“Isoflavone trong đậu nành cũng có tác dụng kháng lại tế bào ung thư và có lợi cho tim mạch. Nghiên cứu gần đây nhất (năm 2011) cho thấy đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành tốt cho bệnh nhân sau điều trị ung thư vú”.

Theo CAND