ĐBSCL:

Người nghèo “thờ ơ” với Tết

(Dân trí) - Những ngày này dân thành thị hối hả đi sắm tết hoặc tất bật trang hoàng nhà cửa để chào năm mới. Tuy nhiên, khi về quê, nhất là đến thăm những gia đình nghèo, neo đơn… ở vùng sâu, vùng xa mới thấy người dân nơi đây đang “thờ ơ” với Tết.

Mấy ngày qua, hoa quả, bánh kẹo… đổ dồn về phố. Kẻ mua người bán làm cho không khí tết thêm đến gần. Và cả tuần qua, chúng tôi cũng quay cuồng theo những sự kiện chào năm mới, như Hội thi lân sư rồng, ca múa nhạc, khai mạc đường hoa rồi chương trình tết cho người nghèo, tết quân dân, đâu đâu cũng rộn ràng không khí đón xuân.

Thế nhưng, mới đây khi chúng tôi có dịp về quê trong những chuyến mang tết đến cho người nghèo ở huyện Tịnh Biên (An Giang), huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), huyện Giồng Riềng (Kiên Giang)… được gặp gỡ một số hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới biết được bà con nghèo đang “thờ ơ” với Tết.

Người nghèo “thờ ơ” với Tết
Bà Nương khoogn chồng con, từ ngày không còn dạy học, bà Nương bầu bạn với các cháu nhỏ qua lớp học tình thương của mình

Bà Nông Na Nương (1943) – ấp Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên, An giang) chia sẻ: “Trước đây tôi là một giáo viên nhưng do bệnh tình nên đã nghỉ dạy 16 -17 năm rồi. Những ngày thường, tôi bầu bạn với mấy đứa nhỏ trong xóm qua lớp xóa mù chữ của mình. Bây giờ tết đến, các cháu ở nhà với cha mẹ chúng nó nên cũng buồn lắm. Còn tết đến, tôi ở có một mình, tiền lương hưu không có và chẳng làm gì ra tiền nên có chuẩn bị tết gì đâu. Mấy năm trước còn đi đứng khỏe, tôi còn lên Ủy ban nhận quà tết cho người nghèo, còn năm nay chân yếu rồi nên không thể đi nhận quà được”

Theo bà Nương, thông thường vào mùng 1 tết, mấy đứa cháu của bà mang ít quà bánh tới chúc tết rồi các cháu của bà cũng phải về nhà bên nội, ngoại, bên chồng chúc tết. Lúc đó, bà Nương lại rơi vào cảnh “nhà trống, một mình”, may ra có vài em học trò cũ về quê ăn tết ghé thăm, bà Nương mới thấy có tết trong nhà.

Cùng cảnh nghèo “cô đơn” như bà Nương, ông  Trần Văn Sầm (66 tuổi) - ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ bùi ngùi chia sẻ: “Vợ tôi mất sớm, mấy năm nay sống chỉ có một mình. Mới đây đứa con gái đi làm ăn xa về cất nhà kế bên nên cũng đõ tủi thân. Tuy nhiên, vợ chồng nó nghèo đã vậy đứa con trai 10 tuổi còn mắc bệnh nan y. Do con cháu bệnh tật như vậy thì lòng dạ nào lo chuyện tết nhất nữa.”

Người nghèo “thờ ơ” với Tết
Cũng vì cái nghèo, con cháu bệnh tật nên lòng dạ ông Sầm mấy năm qua không bận lòng với chuyện tết nhất

Dù cận kề ngày Tết, đứa con gái của ông Sầm thì chạy đôn chạy đáo lo chuyện thuốc thang cho đứa con trai. Đứa con rễ ông thì đăng ký làm việc đến 30 tết, mong có thêm chút tiền công để mua 1 bộ quần áo mới cho đứa con gái nhỏ mới 3 tuổi. Còn riêng ông Sầm ngày ngày vẫn bơi xuồng đi chài cá, hôm nào nhiều thì bán lấy tiền mua gạo, hôm nào ít thì có cá để ăn, khỏi phải mua. “Mấy hôm nay, tui cũng đi chài cá, kiếm vài ký cá chuẩn bị ăn tết nhưng nước sát quá (nước trên sông ít) nên chài cả buổi chỉ bắt vài con cá tra nhỏ”. Ông Sầm nói.

Đến thăm gia đình anh Danh Văn Minh (35 tuổi) - ấp Nguyễn Văn Thới, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang vào những ngày cận tết nhưng trong căn nhà này và một số hộ dân xung quanh, cái tết như còn xa lắm. Hỏi thăm về căn nhà xập xệ của mình sao chưa được chính quyền quan tâm, cất nhà tình nghĩa, anh Mình nói: “Chính quyền địa phương đã quan tâm hết mức rồi vì trong anh em của vợ tôi UBND xã đã cất 3 hộ rồi, còn tôi thì phải sang năm”.

Người nghèo “thờ ơ” với Tết
Với gia đình anh Danh dù được bạn đọc Dân trí "tiếp sức" nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nên ngày Tết đã cận kề mà vợ chồng anh vẫn lo chuyện "cơm áo, gạo thuốc"

Tuy nhiên, theo anh nỗi lo lớn nhất không phải nhà căn nhà rách nát mà chính là căn bệnh u màng não của vợ anh. “Thời gian qua, hoàn cảnh của gia đình tôi cũng được báo Dân trí ghi nhận. Nhờ đó, bạn đọc ủng hộ một số tiền, trả được ít nợ và thuốc thang cho vợ tôi đến ngày hôm nay. Nói thật, nhận được tiền bạn đọc giúp đỡ cho vợ trị bệnh, tôi còn vui hơn tết đến”. Anh Mình cho biết.

Vào những ngày này, đi đến đâu cũng thấy không khí xuân tràn ngập đất trời. Chính quyền ở nhiều địa phương từ cấp tỉnh đến xã tích cực vận động, chăm lo quà tết gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn mừng xuân đón tết…. Vì thế, ông Sầm, bà Nương, anh Danh và những người nghèo khác luôn nhận được những phần quà nghĩa tình nhân dịp tết đến.

Dù nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong dịp tết, nhưng với những hộ nghèo, bệnh tật, neo đơn như bà Nương, ông Sầm và gia đình anh Danh vẫn còn nhiều nỗi lo, “buộc” họ “thờ ơ” với Tết. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi thăm về những dự tính trong năm mới, nhất là chuyện học hành, tương lai của con,cháu… Trong mắt họ ánh lên niềm vui và cầu mong bước sang năm mới, bệnh tật lùi xa, cái nghèo đừng đeo bám nữa.

Nguyễn Hành