Người Hà Nội “rộ” trào lưu trồng lúa, ép nước uống trong nhà

(Dân trí) - Ngoài trồng rau sạch trên ban công, sân thượng, thời gian gần đây nhiều người dân Hà Nội còn “rộ” trào lưu trồng cỏ lúa mì, ép nước uống hàng ngày.

Chị Minh Tâm (32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho hay, gần 3 tháng nay chị đều nhờ người đặt mua hạt giống về tự gieo trồng. Cỏ lúa mì thực chất là thân và rễ của cây lúa mì non.

Nhìn bề ngoài cây có hình dáng gần giống với cây mạ non của Việt Nam. Tuy nhiên, khi ép nước uống có vị ngọt, mát thanh và thơm dịu rất dễ chịu. Theo chị Tâm, hạt lúa mì rất dễ trồng và thích ứng tốt với khí hậu Việt Nam. Chỉ cần ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 12 tiếng, sau đó gieo hạt lên đất dinh dưỡng hoặc xơ dừa.

Để cây nảy mầm nhanh, mỗi ngày cần tưới nước từ 1 – 2 lần. “Lúa mì là loại cây ưa nắng nên cần đặt cây ở vị trí đón nhiều nắng nhất. Trồng lúa mì cho thu hoạch rất nhanh chỉ từ 10 – 12 ngày là có thể cắt cây, ép nước uống”, chị Tâm nói.

Hiện nhà chị Tâm có khoảng 10 khay nhựa trồng lúa mỳ trên tầng 3. Trung bình mỗi khay 3 lạng hạt có thể ép được hai cốc nước uống hàng ngày.

Hiện, 1kg hạt giống cỏ lúa mì trên thị trường có giá vào khoảng 140 – 160.000 đồng. Nếu cộng cả chi phí khay nhựa và giá thể đất thì một cốc nước ép cỏ lúa mì cũng chỉ dao động từ 15 – 20.000 đồng. Theo chị Tâm đây là mức giá hợp lý và không quá đắt đỏ. “Tôi mới ép nước uống thử nghiệm một tháng thấy cũng rất hiệu quả, mặt không còn mụn, da dẻ cũng sáng hơn đôi chút”, chị Tâm nói.

Cỏ lúa mì dễ trồng và thích ứng tốt với khí hậu Việt Nam. Sau 10 ngày gieo hạt là có thể thu hoạch ép nước uống. Ảnh: Amazon
Cỏ lúa mì dễ trồng và thích ứng tốt với khí hậu Việt Nam. Sau 10 ngày gieo hạt là có thể thu hoạch ép nước uống. Ảnh: Amazon

Trong khi đó, thay vì đầu tư mua khay nhựa, chị Hạnh (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) lại tận dụng trồng hạt giống trong thùng xốp, hộp sữa bỏ đi. Lần đầu trồng, chị Hạnh mua phải loại hạt giống bị mốc, năng suất cây rất kém, hạt nảy mẩm chưa được 1/2.

Rút kinh nghiệm lần sau, chị tìm mua ở cơ sở uy tín nên hiệu quả cải thiện rõ rệt. “Chỉ 10 ngày cây đã cao 12cm. Cứ 1 khay, tôi ép nước uống được 1 ngày. Nước cỏ lúa mì thơm dịu rất dễ uống và không khác hương vị so với các loại sinh tố rau, củ khác”, chị Hạnh nói.

Cũng theo chị Hạnh, hiện ở cơ quan chị cũng có rất nhiều người gieo hạt, trồng cỏ lúa mì tại nhà. “Tôi đọc thông tin thì được biết loại cỏ này có tác dụng ngừa ung thư, tốt cho sức khỏe nên cố gắng trồng để ép nước uống hàng ngày”.

Thời gian gần đây, nhiều người Hà Nội rộ trào lưu trồng loại cỏ lúa mì này trong nhà. Ảnh: Trần Trang
Thời gian gần đây, nhiều người Hà Nội "rộ" trào lưu trồng loại cỏ lúa mì này trong nhà. Ảnh: Trần Trang
Trước khi gieo hạt cần ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 12 tiếng. Ảnh: Trần Trang
Trước khi gieo hạt cần ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 12 tiếng. Ảnh: Trần Trang

Trao đổi với PV Dân Trí, chị Trần Thị Trang, chủ một cơ sở bán hạt giống cỏ lúa mì ở Hà Đông, Hà Nội cho biết, thực tế loại cỏ này trên thế giới đã được trồng khá phổ biến, đặc biệt là Mỹ. Nhiều nơi, họ còn bán nước ép cỏ trong các quán cà phê, giải khát.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, cỏ lúa mì mới chỉ “rộ” lên và được biết đến trong khoảng 2 tháng này. Nước cỏ lúa mì rất dễ uống, có thể uống nước ép nguyên chất hoặc chế cùng với các loại rau quả khác để thơm ngon hơn như: chuối dừa, khóm, củ dền, cà rốt, táo, nho, bạc hà.. Một số người lần đầu tiên uống sẽ có cảm giác nôn nao, chóng mặt và buồn nôn tuy nhiên sau đó hiện tượng này sẽ giảm dần.

Một khay cỏ lúa mì có thể ép được từ 1 - 2 cốc. Ảnh: Food
Một khay cỏ lúa mì có thể ép được từ 1 - 2 cốc. Ảnh: Food

Chị Trang thông tin, loại cỏ này được quảng cáo là tốt cho sức khỏe, có tác dụng thanh lọc cơ thể, chống lão hóa nên rất được ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày cửa hàng chị bán được khoảng 20 – 30kg cỏ lúa mì, ngày cao điểm có thể lên đến 50kg. Trong đó, khách hàng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn.

“Cỏ lúa mì rất dễ uống, dễ trồng nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì như một thói quen hàng ngày. Chính vì thế, không phải ai cũng có thể duy trì. Nhiều người mua trồng theo trào lưu nhưng chỉ được 1 – 2 lần là chán và “bỏ xó””, chị Trang khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi với Pv PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, cỏ lúa mì có nhiều giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe đặc biệt là hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, mầm cỏ lúa mì này có tác dụng phòng ngừa ung thư hay không thì chưa thể khẳng định, bởi cơ chế của ung thư rất phức tạp, việc điều trị ung thư hiệu quả vẫn chủ yếu dựa vào y học hiện đại.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, cỏ lúa mì tuy tốt nhưng nó chỉ giống như thực phẩm bổ trợ chứ không nên “thần thánh hóa” có thể chữa mọi loại bệnh. “Khi uống cũng cần phải tuân theo liều lượng cụ thể để đạt hiệu quả tốt nhất”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Hà Trang