Người dân vùng biên dựng hàng rào, bảo vệ cây mít gần trăm tuổi
(Dân trí) - Theo người dân địa phương, cây mít được trồng từ thế kỷ 20. Khoảng 10 năm trước, cây bị kẻ xấu đốn hạ để lấy gỗ nên từ đó người dân xây hàng rào để bảo vệ những nhánh cây còn lại.
Cây mít hiện đang được người dân bon (cách gọi khác của buôn) Bu Prăng 2 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) chăm sóc, bảo vệ. Ngoài hàng rào xây dựng kiên cố, người dân còn thường xuyên cắt cử trông nom cây mít này.
Già làng Điểu G'răm (SN 1956) cho biết cây mít được bố ông trồng từ khoảng những năm 30 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, bon Bu Prăng 2 là địa bàn sinh sống của đồng bào M'nông. Cây mít được trồng tại vùng đất Quảng Trực, gắn với tập quán sinh hoạt và đời sống văn hóa của người dân bản địa.
"Ngày xưa chưa có gạo muối, bà con khắp vùng Tuy Đức đi bộ đến đây, rồi vượt suối để sang Campuchia mua lương thực, thực phẩm. Ông già tôi ngày ấy cũng theo chân người lớn đi qua biên giới mua đồ. Nghe ông già kể lại, thấy người Pháp ăn mít, bỏ lại hạt, ông mới nhặt hạt rồi đưa về Quảng Trực trồng. Tính đến nay, cây mít cũng gần 100 năm tuổi", ông Điểm G'răm nói.
Cũng theo ông Điểu G'răm, cây mít gắn với việc hình thành, tái lập bon Bu Prăng. Sau khi được tái lập năm 2011, người dân địa phương đã chọn khu vực cây mít tổ để xây dựng các công trình văn hóa công cộng, đồng thời là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, tín ngưỡng lớn của cộng đồng người M'nông bản địa.
Đặc biệt, năm xưa khi còn thiếu thốn, trái mít non giúp người dân địa phương có thêm lương thực. Trong suốt thời gian Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vị trí cây mít hiện nay còn là nơi tập kết, nghỉ ngơi, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Đến năm 2011, UBND huyện Tuy Đức đã công nhận là di tích lịch sử "Cây mít tổ".
"Cây mít không chỉ cứu đói cho người dân chúng tôi mà còn khẳng định chủ quyền tại vùng đất biên giới này. Nhiều năm làm trưởng bon nên khi nào tôi cũng nhắc nhở mọi người, bảo vệ cây mít là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân trong bon", ông lão gần 70 tuổi nói.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là hơn 10 năm trước, thân chính của cây mít tổ bị kẻ xấu đốn hạ để lấy gỗ. Cũng sau sự việc, người dân địa phương đã chung sức, xây dựng tường rào để bảo vệ cây mít này.
Ông Điểm G'răm nói: "Ngày ấy, ai cũng tưởng cây mít không còn sống nữa. May mắn, từ gốc cây cũ, mọc lên 2 nhánh cây, đến nay đã phát triển tốt và tiếp tục cho trái. Dù những trái mít sau này không còn to lớn như xưa, cũng ít người lấy mít về ăn, nhưng trong suy nghĩ của người dân chúng tôi, cây mít vẫn còn nguyên giá trị".
Ông Bùi Minh Hải, trưởng bon Pu Prăng 2 chia sẻ thêm, theo quan niệm của những người lớn tuổi trong bon, cây mít tổ có ý nghĩa rất đặc biệt, minh chứng cho việc người M'nông Việt Nam sinh sống lâu đời tại vùng đất này.
Việc người dân chung tay bảo vệ cây mít, không chỉ là gìn giữ những giá trị mà bậc tiền nhân dày công vun trồng, mà còn góp phần nâng cao ý thức về chủ quyền, biên giới lãnh thổ.
"Cây mít tổ là "địa chỉ đỏ" của Đắk Nông, là nơi để giáo dục lý tưởng cho các thế hệ trẻ của địa phương. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn để trong tương lai, khu vực này sẽ trở thành một trong những điểm tham quan du lịch lịch sử, sinh thái đặc biệt", ông Hải nhấn mạnh.