Đắk Nông:
Ngắm báu vật gần 500 năm tuổi từng "thoát chết", được bảo vệ đặc biệt
(Dân trí) - Lợi dụng mưa lớn, lâm tặc đột nhập vào rừng để đốn hạ cây giáng hương gần 500 năm tuổi. May mắn được giải cứu kịp thời, cây giáng hương trở thành báu vật của cánh rừng phía nam Tây Nguyên.
Báu vật rừng Thác Mơ
Cơn mưa rả rích suốt đêm khiến con đường mòn dẫn từ chốt Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thác Mơ tới khoảnh 2, tiểu khu 1447 trơn trượt và khó đi hơn.
Dấu chân người trước chưa khô, dấu chân người sau đã hằn lên, khiến cả một đoạn đường dài gần 2km không có chỗ nào bằng phẳng, khô ráo.
Anh Đỗ Xuân Trường, cán bộ kỹ thuật của BQLRPH Thác Mơ có lẽ là người có kỷ niệm sâu sắc nhất với cánh rừng này. Thế nên dù đường đi lại khó khăn nhưng suốt hành trình anh Trường nhắc lại vô vàn những câu chuyện đáng nhớ, trong đó có cả việc bảo vệ nguyên vẹn "báu vật Thác Mơ".
"Báu vật Thác Mơ" là cụm từ được nam nhân viên QLBVR nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện của mình. Bởi theo anh Trường, báu vật ấy không chỉ là độc nhất vô nhị tại Đắk Nông mà nó còn chứa đựng những giá trị khoa học, văn hóa độc đáo.
"Báu vật là cây giáng hương, có tuổi đời gần 500 năm. So với những cây cổ thụ khác trong rừng Thác Mơ hoặc nhiều cánh rừng khác ở Đắk Nông, cây giáng hương này có thể xếp vào hàng già nhất và kích thước khủng nhất hiện nay", anh Trường giải thích.
Có thâm niên bảo vệ rừng cây, anh Trường cho biết, khoảng 20 năm trở lại đây, những cây gỗ có kích thước lớn như thế này sẽ bị lâm tặc dòm ngó. Chính vì thế, dù được canh gác cẩn thận nhưng cây giáng hương đã có lần suýt bị đốn hạ.
Mùa mưa 2 năm trước, lợi dụng trời mưa lớn, giữa đêm một nhóm lâm tặc mang cưa máy vào rừng để chặt hạ cây giáng hương. May mắn, vào thời điểm trên anh Trường đi tuần tra, nghe thấy tiếng máy nổ nên đã chạy vào kiểm tra.
Tuy nhiên, đường đi lại khó khăn, lại có người cảnh giới nên khi vào đến nơi, nhóm lâm tặc đã rút khỏi hiện trường. Thân cây gỗ hương xuất hiện một đường cắt, nhựa cây tứa ra như một vết thương sâu.
Là một trong 2 người trực tiếp "giải cứu" cây giáng hương, anh Trường kể tiếp: "Nhìn bề ngoài cũng phán đoán được cây có tuổi đời rất lớn và quý hiếm. Lo ngại cây già, bị cắt sâu 40cm nên khả năng vết thương sẽ khó lành nên ngay lập tức vết cắt được xử lý để hạn chế thấp nhất rủi ro đối với cây. Cũng sau sự việc, công tác quản lý, bảo vệ được nâng cao hơn, bảo đảm không ai có thể xâm hại đến cây quý".
Từ chỗ thoát chết, báu vật được bảo vệ đặc biệt
Đúng như lời anh Trường, sau lần thoát chết đầy may mắn, cây giáng hương cổ thụ được bảo vệ nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn. Một đội QLBVR được thành lập, trong đó cán bộ, nhân viên được cắt cử thay nhau tuần tra, ngăn chặn sự tấn công của các đối tượng lâm tặc.
Ông Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc BQLRPH Thác Mơ thông tin, cây giáng hương cao khoảng 30m và đường kính thân là gần 2,7m.
Điểm đặc biệt, ngoài tuổi đời xấp xỉ 500 năm, cây giáng hương còn có bộ rễ bám chặt vào đất, tạo một thế đứng độc đáo, đổ mình xuống dòng suối chảy len lỏi trong rừng.
Hiện hệ thống rễ của cây giáng hương tiếp tục phát triển, từ trên thân cây to lớn, những chùm rễ non mọc tua tủa, minh chứng cho sự phát triển không ngừng của "báu vật Thác Mơ".
"Theo ước tính, cây giáng hương này sẽ có khoảng 40m3 gỗ. Với giá bán trên thị trường hiện nay sẽ dao động 3,5- 4 tỷ đồng. Cũng vì giá trị lớn nên lâm tặc thường xuyên dòm ngó, chờ thời cơ để chặt hạ cây gỗ quý", ông Nguyễn Xuân Khương nói.
Theo Giám đốc BQLRPH Thác Mơ, những năm gần đây, tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy cây giáng hương có độ tuổi gần 500 năm là vô cùng quý hiếm, có ý nghĩa rất lớn về khoa học, lịch sử, đời sống xã hội.
"Vừa qua Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận cây giáng hương là Cây di sản Việt Nam. Việc công nhận này là cơ sở để khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng, làm cơ sở để phát triển du lịch sinh thái, thăm quan, nghỉ dưỡng tại vùng biên giới Quảng Trực", ông Khương nhấn mạnh.