Người dân vựa hoa lớn nhất thành phố Thanh Hóa ăn ngủ cùng hoa Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, thời điểm trước Tết nguyên đán vài tháng là người dân ở vựa hoa lớn nhất thành phố Thanh Hóa lại tất bật ăn ngủ cùng hoa để chuẩn bị phục vụ nhu cầu dịp Tết.

Đông Cương, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) là nơi trồng hoa quanh năm nhưng được đầu tư nhiều nhất vào dịp Tết. Về Đông Cương những ngày này, dễ dàng nhận thấy hàng nghìn bóng điện rực sáng cả một vùng ruộng đồng rộng lớn vào ban đêm. Người nông dân ở đây năm nào cũng vậy, cứ giáp Tết là ăn ngủ cùng hoa.

Hoa bán cho Tết sẽ được nhà vườn làm đất, xuống giống từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch.

Người dân vựa hoa lớn nhất thành phố Thanh Hóa ăn ngủ cùng hoa Tết - 1

Bắt đầu từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch, nhà vườn bắt đầu  làm đất, xuống giống để kịp cho vụ hoa Tết.

Theo ông Lê Văn Biên (trú khu phố 4, phường Đông Cương), trồng hoa ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nắng nóng kéo dài thì hoa bung nở sớm, nhiệt độ xuống thấp quá hoa cũng không nở được. Người trồng hoa phải biết lựa thời tiết để có cách chăm sóc hoa sao cho phù hợp để hoa nở đúng dịp.

Vụ hoa Tết năm nào ông Biên cũng dựng lều chõng ngủ luôn ngoài ruộng để tiện chăm sóc hoa. Vào buổi tối khu ruộng của gia đình ông Biên cũng như những gia đình khác chong điện sáng trưng. Ông Biên cho biết, phải chong điện không chỉ hạn chế bị ảnh hưởng của sương muối mà còn để hoa phát triển đúng thời điểm.

Người dân vựa hoa lớn nhất thành phố Thanh Hóa ăn ngủ cùng hoa Tết - 2

Để có lứa hoa phục vụ cho Tết, người nông dân gần như ăn ngủ cùng hoa.

"Hệ thống bóng điện được lắp đặt với mật độ cách nhau 1,5-2 m, loại bóng đèn được sử dụng có công suất 15-20W", ông Biên nói.

Đang tất bật kéo lưới phủ lên những luống hoa mới trồng, ông Vũ Đình Thịnh cho biết, do hoa vừa trồng lại gặp thời tiết trở lạnh nên phải phủ lưới lên trên nhằm tránh rễ cây bị khô héo chết.

Gia đình ông Thịnh có 7 sào hoa cúc. Ông cho biết: "Để có hoa phục vụ đúng dịp Tết, ngoài việc giữ ấm thì thắp điện cũng là khâu quan trọng. Bên cạnh đó, các công đoạn chăm sóc cũng khá tỉ mỉ từ việc gieo trồng cho đến làm cỏ và chăm bón hoa. Thông thường cây hoa cúc khoảng 3 tháng trồng là sẽ ra hoa và cho thu hoạch".

Người dân vựa hoa lớn nhất thành phố Thanh Hóa ăn ngủ cùng hoa Tết - 3

Việc chong điện sáng cả đêm không chỉ giúp cây đỡ bị ảnh hưởng của sương muối mà còn giúp cây phát triển chiều cao...

Cũng theo ông Thịnh, việc làm cỏ thường xuyên cho cây, vun xới chỉ nên tiến hành khi cây hoa cúc còn nhỏ, khi hoa cúc đã lớn cần hạn chế xới đất. Với loại hoa cúc đơn để một bông, phải tỉa cành bấm nụ phụ, các bông cúc để chùm thì tỉa bớt cành tăm và ngắt bỏ nụ chính để các nụ bên phát triển đồng đều.

Còn việc thắp bóng đèn cho hoa cúc về đêm nhằm thúc cho bông hoa nở đúng dịp, cải thiện chiều cao của cây hoa, tăng tỉ lệ đậu hoa… Đặc biệt, còn giúp đóa hoa to hơn, xòe đều và nâng cao độ bền của hoa.

Người dân vựa hoa lớn nhất thành phố Thanh Hóa ăn ngủ cùng hoa Tết - 4

Nghề trồng hoa không khó nhưng đòi hỏi việc chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ.

Người trồng hoa ở Đông Cương cho rằng, trồng hoa không khó nhưng khá vất vả, để hoa nở đúng dịp, đều bông và đẹp cần được chăm sóc tỉ mỉ, sát sao, biết canh thời tiết để có cách chăm sóc sao cho phù hợp.

Theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Cương, nghề trồng hoa ở phường Đông Cương đã có gần 30 năm. Những ngày thường, toàn phường có khoảng 200 ha chuyên trồng các loại hoa như: Cúc, hồng, ly… để bán trong năm. Nhưng vào vụ hoa Tết, số diện tích trồng hoa tăng thêm 100 ha. Khoảng giữa tháng chạp, thương lái ở khắp nơi tấp nập về đây lấy hoa.

Người dân vựa hoa lớn nhất thành phố Thanh Hóa ăn ngủ cùng hoa Tết - 5

Nghề trồng hoa giúp nhiều hộ gia đình khá giả, thu nhập ổn định.

"Thu nhập từ nghề trồng hoa trung bình khoảng 400-500 triệu đồng/ha/năm, giúp nhiều hộ dân trở nên khá giả. Với thu nhập gấp 5-7 lần trồng lúa, người dân có mức thu nhập rất ổn định", ông Hồng cho biết thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm