Người đàn ông chịu lạnh siêu phàm

Trong khi đại đa số người dân tìm cách chống rét, giữ ấm cơ thể vào mùa đông thì một số trường hợp đặc biệt lại thích “đối đầu” với thời tiết khắc nghiệt.

Đó là câu chuyện của ông Wim Hof, 53 tuổi, đến từ Hà Lan đã 8 lần lập kỷ lục thế giới về khả năng chịu lạnh siêu phàm của mình. Người đàn ông “băng” này có thể đi dạo trên Bắc Cực với nhiệt độ lạnh giá là âm 20oC, lặn sâu dưới băng hơn 80m với một bộ đồ bơi bình thường và leo lên đỉnh Everest mà chỉ mặc một chiếc quần soóc. Ông cũng đã ngâm mình trong bể chứa đá cao 1,5m, với khoảng thời gian là 1 giờ 12 phút.
 
Chân trần đi trên Bắc Cực lạnh âm 20 độ C

Chân trần đi trên Bắc Cực lạnh âm 20 độ C

Lần đầu tiên, Wim Hof phát hiện ra khả năng chịu nhiệt độ âm phi thường của mình là sau một trò chơi vô cùng mạo hiểm. Hof quyết định thử trò chơi… chui vào khối nước đá lớn, ngâm mình trong khối băng đá khoảng 30 giây. Lạ thay, khi bước ra ngoài, Hof cảm thấy cơ thể mình bình thường, không có chút gì thay đổi. Hứng thú, Hof tiếp tục “liều” ngâm mình trong khối băng đá thêm 1 phút, 2 phút... rồi đến cả tiếng đồng hồ mà anh vẫn thấy bình thường. Còn những ai tận mắt chứng kiến một pha biểu diễn độc nhất vô nhị từ trước tới nay, thì đều không ngớt lời thán phục. 

Kể từ đó, Wim Hof tiếp tục thử trải nghiệm thêm những cuộc chinh phục nhiệt độ đông lạnh đến chết người. Kết quả thật ấn tượng và gây sốc. Hof đã “độc bộ” hàng trăm dặm lên phía bắc Bắc Cực để chạy bán marathon bằng chính đôi chân trần của mình, ở cái lạnh âm 20 độ C. Năm 2002, chỉ mặc bộ đồ bơi, Hof lặn xuống biển băng tại Bắc Cực và đoạt một kỷ lục Guinness thế giới về thời gian bơi dưới biển băng lâu nhất, tính ra anh bơi được 80m, bằng gấp đôi chiều dài một hồ tranh tài tiêu chuẩn Olympic.

Một người bạn của Wim Hof là nhiếp ảnh gia Henny Boogert, là người đã thu thập mọi kỷ lục của Wim Hof trong 25 năm sau khi hai người gặp nhau tại Amsterdam. Henny Boogert bắt gặp người bạn của mình khi Wim Hof  đang tập Yoga trong tình trạng khỏa thân, dưới trời tuyết băng giá. Henny Boogert cho biết Wim Hof là một người thường xuyên đến các công viên tại Amsterdam trong mùa đông, và ngồi đọc sách trên các mặt hồ đã đóng băng. 

Ngâm mình trong bể nước đá suốt 1 giờ 12 phút

Với khả năng cơ thể không bị giảm nhiệt và bị thương tổn do lạnh giá, nghĩa là cơ thể người đàn ông này vẫn phản ứng bình thường với cái lạnh cực độ, Wim Hof bắt đầu thu hút sự quan tâm, chú ý của các bác sĩ chuyên nghiên cứu về y học siêu thường. Tiến sĩ Ken Kamler, tác giả cuốn sách “Vượt qua những thử thách nghiệt ngã” và chuyên gia điều trị hàng chục người từng thử sức trèo lên đỉnh Everest và suýt chết vì nhiệt độ quá khắc nghiệt, đã có cuộc gặp mặt Hof lần đầu tiên tại Viện Bảo tàng Rubin ở New York. Tại đây, Hof đang chuẩn bị phá thêm một kỷ lục Guinness thế giới mới với khả năng chịu lạnh. Thử thách Hof đối mặt lần này là ngâm mình trong bể chứa bằng kính Plexi cao 1,5m chứa đầy nước đá, đổ ngập đến tận cằm. Hof vui vẻ, thoải mái và thực hiện cuộc thử thách một cách dễ dàng.

Trong suốt thời gian Hof ngâm mình trong bể đá, đích thân Tiến sĩ Ken Kamler giám sát từ bên ngoài bồn. Ông không nói được gì thêm, chỉ thốt lên một cụm từ duy nhất “không thể hình dung nổi, cơ thể Hof quá phi thường, ngoài sức tưởng tượng của con người” và lắc đầu lia lịa. Bởi bình thường khi cơ thể một người nào đó bị lộ ra ngoài nhiệt độ đóng băng trong một quãng thời gian kéo dài, nó bắt đầu rơi vào trạng thái tồn sinh và dịch thể bắt đầu đông lại. Tổn thương do lạnh giá diễn ra, và để cứu những cơ quan chính yếu, cơ thể hy sinh dòng máu đang chảy đến những đầu cuối và tứ chi, cắt hẳn dòng tuần hoàn máu đến các ngón tay, ngón chân, tai và mũi để duy trì máu chảy vào các cơ quan cần thiết duy trì sự sống. Nếu không điều trị ngay, tổn thương đối với những cơ quan đầu cuối và tứ chi là không thể hồi phục. Còn một nguy cơ khác là triệu chứng giảm nhiệt bất thường cho cơ thể. Ở mức thân nhiệt còn 30 độ C, các chức năng cơ thể bắt đầu suy sụp. Khi diễn ra hiện tượng giảm nhiệt bất thường trong cơ thể, bất kỳ ai cũng có thể chết không lâu sau đó. Cụ thể: Nếu ngâm mình trong dòng nước có nhiệt độ 10 độ C, trong vòng 30 - 60 phút chúng ta sẽ bị ngất và sau 1 - 2 giờ sẽ bị chết vì lạnh. Nếu ngâm mình trong dòng nước 0 độ C, chúng ta sẽ bị ngất sau 15 phút và sẽ chết sau 15 - 60 phút.

Vậy mà Hof lại ngồi trong bồn nước đá suốt 1 giờ 12 phút mà không hề hấn gì. Tiến sĩ Ken bình luận trước đông đảo các nhà khoa học và báo giới rằng: “Hof không cử động, không sản sinh ra nhiệt, trong khi cơ thể anh hoàn toàn bị nhúng chìm trong nước đá. Cần biết rằng nước truyền nhiệt nhanh gấp 30 lần so với không khí. Nó có thể cướp đi sự sống của bạn trong chớp mắt. Tuy biết đó là một kỷ lục mới, nhưng chắc chắn không thể tìm đâu được một đối thủ khác. Chỉ có anh ấy tự lập kỷ lục cho mình mà thôi”. 
Chân trần đi trên Bắc Cực lạnh âm 20 độ C


Ngay sau đó, tại Phòng Nghiên cứu giảm nhiệt cơ thể tại trường đại học Minnesota ở Duluth, Tiến sĩ Robert Pozos và Larry Wittmers, đã gắn máy giám sát nhiệt độ lõi cơ thể vào nhịp tim của Hof để đánh giá toàn cơ thể anh phản ứng sau khi bị nhấn chìm trong bồn nước đá. Theo quy luật thường, với điều kiện như trên, cơ thể người đó có thể gồm đau dữ dội, rối loạn tim mạch và giảm nhiệt tối đa. Còn với Hof lại là con số hiếm nằm ngoài quy luật thường đó. Từ bên trong bồn, Hof nói không cảm thấy cái lạnh là khác thường so với những trải nghiệm thường ngày. Theo lời của Hof thì khi đó tâm trí của anh phải rất tập trung, không được phép phân tán. Khi ấy trong tâm trí của Hof chỉ có một câu mệnh lệnh duy nhất: “Hãy làm tăng nhiệt độ cơ thể lên”. Rồi Hof thực hiện kỹ thuật hít thở hết sức cẩn thận và tỉ mỉ. 

Cơ thể tự điều tiết nhiệt độ?

Từ kết quả chứng minh, Hof hoàn toàn có thể đáp ứng tốt với cái lạnh chết người không mấy khó khăn, cho nên, hầu hết các bác sĩ cho rằng tư tưởng và cơ thể Hof có thể phát tín hiệu cho nhau, và thực hiện khởi động “thiết bị điều tiết nhiệt độ trong cơ thể”. 

Giả thiết này được đưa ra là căn cứ trên kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Nijmegen bằng cách tiêm chất endotoxin (không gây hại mà chỉ gây ảo giác) vào cơ thể Hof. Kết quả, protein có khả năng kháng viêm trong cơ thể của “người băng” Wim Hof bằng 1/2 so với 200 thanh niên khỏe mạnh khác cũng được tiêm endotoxin. Trong khi đó mức độ cortisol trong cơ thể của “người băng” Wim Hof lại tăng lên với tốc độ nhanh. Điều này có nghĩa là Hof có thể tự kiểm soát được một vài hệ thống nào đó trong cơ thể của mình. Hiện, nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này. 

Là sức mạnh của tâm trí? 

Là sức mạnh của tâm trí? 

Về phần Hof, “người băng đá” này thành thật cho biết, để có khả năng tuyệt vời này là do bản thân theo học môn phái được gọi là Tummo ở Tây Tạng - một loại hình yoga mang ý nghĩa về Nội Hỏa. Theo huyền thuật thì vào mùa đông, trên đỉnh núi Tuyết sơn, thường có các đạo sĩ Tây Tạng mình khoác chiếc áo mỏng hay để mình trần ngồi tham thiền mà không bị chết vì lạnh cóng. Hay những người luyện phép luyện nhiệt công “Tummo” thì vào ban đêm trời lạnh căm, tại bờ sông, họ không mặc quần áo, ngồi chờ thầy nhúng tấm chăn nỉ xuống sông và đắp lên từng người một. Nước trong chăn không bao lâu thì đông lại thành đá. Nhiệm vụ của người tập luyện lúc này là phải vận công chuyển nhiệt, dùng lửa “Tummo” để làm khô cái chăn đang khoác trên người mình. Khi chiếc chăn này khô, họ lại được đắp lên mình một cái chăn ướt khác, quá trình luyện tập cứ thế cho đến trời sáng. Trong đêm luyện tập ấy thậm chí có người đã làm khô tới 40 cái chăn, cơ thể họ vẫn khỏe mạnh bình thường, không có triệu chứng bị cảm lạnh.

Sau nhiều năm kiên trì luyện tập Hof cho biết, khi ngồi dưới thời tiết lạnh cóng, người đàn ông này có thể điều khiển nhiệt lượng bên trong cơ thể. Sự điều khiển tăng nhanh nhiệt độ cơ thể này tuyệt vời đến nỗi Hof cảm thấy như đang ngồi trên bờ biển dưới ánh nắng gay gắt. “Khi bạn bị sốt, cơ thể bạn có thể tạo ra một lượng lớn nhiệt và thông qua thiền định, tôi cũng có thể nói với cơ thể mình hãy nóng lên. Trong trường hợp này, tôi hoàn toàn ấm áp và dễ chịu như khi bạn đang ngồi tắm nắng trong kỳ nghỉ”. Hof tự tin khẳng định: “Với khả năng này, có lẽ tôi đã khiến cả thời tiết giá lạnh khắc nghiệt cũng phải ngả mũ”.

Chưa biết thực hư tài năng của Hof và những người theo học môn phái Tummo có thực sự là khoa học hay không, nhưng chúng ta vẫn chờ mong những đánh giá xác đáng của các nhà nghiên cứu để có được cái nhìn đúng đắn nhất về cái gọi là đánh thức sức mạnh bí ẩn của con người.

Theo Ngân Hà
An ninh Thủ đô/Oddee

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm