Người dân cọ mít kiếm tiền ở cửa khẩu Lạng Sơn ngày Trung Quốc "đóng biên"
(Dân trí) - Những ngày vừa qua, hàng nghìn container chở nông sản bị ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn, khiến hàng hóa có nguy cơ bị hư hỏng. Chủ hàng phải thuê người cọ mít cho sạch, cải thiện mẫu mã hàng hóa.
Những chủ hàng container mít bị mắc kẹt tại của khẩu Lạng Sơn thuê người dân vệ sinh sạch vỏ mít, loại những quả bị hỏng, bọc lại những quả còn nguyên vẹn để tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc.
Những quả mít để lâu ngày bị xuống màu, ngả màu đen. Với mẫu mã xấu vì nông sản bị kẹt ở cửa khẩu lâu ngày, chủ hàng không thể bán được cho khách hàng Trung Quốc hoặc bị ép giá.
Nhiều người dân địa phương tranh thủ dọn vệ sinh cho nông sản của các container đang bị ùn tắc tại cửa khẩu kiếm thêm thu nhập.
Chị Lê Thị Anh, Cao Lộc, Lạng Sơn chia sẻ: "Tổ mình có khoảng 20 người, chủ yếu là người dân địa phương gần đây thôi. Trước đây khi chưa có dịch bệnh thì vẫn được phép bốc vác, sang tải, sang xe. Từ khi có dịch bệnh Covid-19, việc đi lại khó khăn, anh em trong tổ mình chỉ đi vệ sinh sạch sẽ cho nông sản trên xe thôi".
Được biết, một ngày một người lao động làm nghề cọ mít có thể kiếm được từ 100 - 200 nghìn đồng. Theo đánh giá của người dân, đây là mức thù lao cao trong bối cảnh khó khăn bởi Covid-19.
"Chúng tôi không mất phí gì, ăn trưa thì về nhà ăn. Thời điểm này, có công việc như vậy là cũng tốt lắm rồi, bởi dịch bệnh không thể sang cửa khẩu làm thuê. Thêm vào đó, hiện nay các xe đang kẹt bên ngoài các bến bãi, chúng tôi có thể vào làm được luôn mà không phải vào cửa khẩu mất phí test nhanh Covid-19.
Số tiền kiếm được để trang trải cuộc sống và cho các con ăn học", bà Hoàng Thị Bền, một công nhân dọn vệ sinh cho mít ở cửa khẩu chia sẻ.
Để vệ sinh một xe container hàng, mỗi tổ công nhân mất khoảng 1 - 2 tiếng. Giá vệ sinh mỗi xe dao động từ 500.000 đồng.
Xe nào phải vệ sinh nhiều, số lượng hàng hóa lớn thì chi phí chủ hàng phải trả sẽ nhiều hơn. Vệ sinh cho hàng nông sản là công đoạn bắt buộc trước khi xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài. Trong thời điểm hàng ngàn container bị kẹt ở cửa khẩu như hiện nay thì công việc này càng được nhiều chủ hàng quan tâm, coi trọng.