Quảng Nam:

Người dân “chỉ biết đứng khóc” nhìn hàng trăm ha cao su ngã rạp vì bão

Công Bính

(Dân trí) - Hàng ngàn ha cây cao su đang cho mủ và keo lá tràm đã bị ngã rạp vì bão số 9; người nông dân giờ chỉ biết “thả tay” và đứng khóc nhìn vườn cây hư hại.

Hai bên Quốc lộ 14E qua huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) những ngày này là những “núi” cây keo lá tràm, gỗ cây cao su được cưa sẵn chất đống để chuẩn bị bán cho thương lái, công ty chuyên thu mua gỗ về chế biến giấy, làm bàn ghế…

Người dân “chỉ biết đứng khóc” nhìn hàng trăm ha cao su ngã rạp vì bão - 1

Những vườn cây cao su đang cho mủ ở huyện Hiệp Đức ngã rạp vì bão số 9

Trời mưa gió nhưng ông Lê Văn Trình, thôn Trà Quỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức vẫn mang áo mưa ra thăm vườn cao su 3ha của mình. Nhìn vườn cao su ngã rạp vì bão số 9, ông “khóc không nổi” vì giờ đây đã trắng tay.

Ông cho biết, năm 2007, ông đầu tư 3ha cao su. Đến năm 2015, vườn cao su bắt đầu cho thu hoạch. Dù chỉ 3ha nhưng gia đình ông cũng sống được với cây cao su từ vài năm nay.

Người dân “chỉ biết đứng khóc” nhìn hàng trăm ha cao su ngã rạp vì bão - 2

Người dân dọn dẹp vườn cao su bị ngã để trồng cây khác

Ông Trình nói, mỗi năm cây cao su cho mủ từ 8-10 tháng, mỗi tháng cạo mủ 9 lần. Một lần cạo mủ, sau khi trừ chi phí, ông dư được từ 3-4 triệu đồng. Số tiền kiếm được từ cây cao su, ông lo cho 3 người con ăn học và chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng tạm ổn.

Từ sáng 28/10, bão số 9 “càn quét” đến chiều thì vườn cao su của ông cũng như nhiều người khác ở xã Sông Trà này gãy ngang thân, đổ rạp… Coi như nồi cơm của ông và nhiều người khác cũng đã bị mất.

Tan hoang hàng trăm ha cao su ở Hiệp Đức

Nhìn vườn cây cao su của mình thiệt hại gần như hoàn toàn, ông không khỏi xót xa: “Cả gia đình tôi trông chờ vào vườn cây cao su này mà giờ như chú thấy đó, ngã trắng hết trơn. Giờ có tiền trăm triệu may ra mới phục hồi được, mà cũng phải 8 năm sau mới thu hoạch lại. Giờ chỉ biết đứng nhìn khóc chứ làm gì được chú ơi”.

Người dân “chỉ biết đứng khóc” nhìn hàng trăm ha cao su ngã rạp vì bão - 3

Ông Lê Văn Trình, thôn Trà Quỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức nhìn vườn cao su ngã rạp mà “không khóc nổi”

Ông Trình cho biết, sau khi 3ha cao su của mình bị ngã, hư hỏng hoàn toàn do bão, ông kêu thương lái đến mua hết số cây ngã đổ với giá chỉ 50 triệu đồng. Khổ nỗi, sau bão có quá nhiều vườn cao su bị ngã nên kêu thương lái đến bán cũng rất khó; hơn nữa nhân công tìm không ra để thuê dọn lại vườn cây, tìm cách trồng cây khác an toàn hơn.

Ông Tạ Hữu Hoành trồng 14ha cao su và 16,5ha keo ở xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức cũng bị thiệt hại nặng. Ông Hoành được cho là “triệu phú” ở địa phương với căn nhà 2 tầng bề thế. nhưng sau bão số 9, ông cũng đứng ngồi không yên vì vườn cao su và keo hư hại khá nhiều.

“Vườn cao su 10,5ha của tôi ở khu vực La Dẻ, xã Hiệp Hòa đã bị bão thổi bay sạch, không còn 1 cây nào đứng. Cũng may còn 3,5ha ở chỗ khác ít bị thiệt hại”, ông Hoành nói.

Người dân “chỉ biết đứng khóc” nhìn hàng trăm ha cao su ngã rạp vì bão - 4
Người dân “chỉ biết đứng khóc” nhìn hàng trăm ha cao su ngã rạp vì bão - 5

Những đống gỗ cao su vừa được cưa mang ra quốc lộ 14E chờ chở đi

Ông Hoành cho biết, với diện tích cao su của mình, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, ông thu về từ 40-45 triệu đồng. Một năm, vườn cao su của ông thu hoạch mủ từ 8-10 tháng, với giá mủ hiện tại khoảng 35-40 triệu đồng/tấn thì ông Hoành thiệt hại rất nặng.

Ngoài cao su, ông Hoành còn thiệt hại nhiều ha keo. Ông nói nếu như bình thường, mỗi ha keo đến tuổi bán với giá trên dưới 100 triệu đồng, còn sau bão mỗi ha chỉ còn khoảng vài chục triệu nhưng không ai mua. Tổng thiệt hại, ông Hoành ước tính mình mất hơn 2 tỉ do bão số 9.

Nông trường cao su Hiệp Đức có diện tích hơn 1.400ha, bão số 9 vừa qua nông trường bị hư hại 400ha đang cho mủ và 150ha vườn cao su kiến thiết cơ bản. Mức độ gãy đổ từ 30-80% diện tích. Đi qua những vườn cao su đang cho mủ bị bão đánh gãy ngang thân, tan hoang ai cũng xót xa.

Ông Lê Văn Dũng – Giám đốc Nông trường cao su Hiệp Đức – cho biết, mỗi ha cao su được trồng 550 cây, nếu diện tích nào bị gãy đổ trên 200 cây thì buộc phải phá bỏ, trồng lại mới; còn diện tích nào bị hư dưới 200 cây thì khôi phục lại.

Với tiền giá cây giống, phân bón, công cán… để khôi phục lại 1ha cao su hiện nay cũng từ 25-30 triệu đồng, đến 8 năm sau mới cho mủ lại thì thiệt hại rất lớn.

Theo ông Dũng, những vườn cao su bị ngã đổ giờ kêu các công ty chế biến gỗ bán, nhưng cũng tùy theo vườn cây to hay nhỏ, giá chỉ được từ 20-50 triệu/ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch huyện Hiệp Đức cho biết, diện tích cao su của huyện hơn 4.000ha; sao bão số 9, tổng diện tích cao su bị thiệt hại trên 1.600ha gồm 550ha cao su đại điền, riêng cao su tiểu điền có 900ha bị gãy đổ hoàn toàn và khoảng 200ha bị thiệt hại trên 50%. Tổng thiệt hại chưa tính được bằng tiền.

Đối với keo bị thiệt hại 9.000ha bị gãy đổ. “Thiệt hại đối với cây cao su và keo là rất lớn, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân sau này, vì thu nhập hàng ngày của nhiều người dân dựa vào cây cao su”, ông Nguyễn Như Công cho hay.

Chủ tịch huyện Hiệp Đức cũng cho biết, huyện đã có đề án chuyển đổi từ diện tích cây cao su và keo sang loại cây trồng khác, chịu được bão. Nếu như trồng cao su hay keo thì 4-8 năm mới cho thu hoạch nhưng gặp bão thì coi như trắng tay.

Về hỗ trợ người dân thiệt hại, ông Công cho biết, một số người dân vay vốn để trồng cao su và keo thì huyện có kiến nghị tỉnh khoanh nợ để người dân ổn định cuộc sống.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm