Hà Tĩnh:

Ngư dân hối hả hái vào vụ thu hoạch sứa biển

(Dân trí) - Hằng năm, cứ đến tháng 3, tháng 4, ngư dân tại các vùng biển Hà Tĩnh có thêm một nguồn thu nhập mới từ lộc biển. Trên những con thuyền trở về, những nụ sứa trắng muốt ăm ấp, dập dềnh trong khoang thuyền…

Trời vừa tảng sáng, tại vùng biển xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) hàng chục con thuyền nhỏ của ngư dân đi khai thác sứa biển đã trở về.

Nghề vớt sứa bắt đầu từ lúc 3h sáng và kết thúc vào khoảng 6h sáng. Mùa này, chỉ cần dong thuyền ra cách bờ tầm 1 hải lý, những ngư dân đã vớt được lộc biển.

Không chỉ đánh bắt sứa, mà các nghề phụ từ sứa cũng giúp người dân vùng biển kiếm thêm thu nhập
Không chỉ đánh bắt sứa, mà các nghề phụ từ sứa cũng giúp người dân vùng biển kiếm thêm thu nhập

Một mẻ lưới được quăng xuống, ngư dân có thể kéo lên được khoảng chục nụ sứa với nhiều kích cỡ khác nhau. “Sứa loài di chuyển chậm chạp, sứa vướng lưới gần như chẳng di chuyển gì. Chỉ cần quăng lưới kéo vô là được. Công đoạn này trông thì dễ nhưng thực chất khá mất sức vì sứa mang theo cả nước biển nên rất nặng. Trung bình mỗi con sứa khoảng 10-20 kg, có con to lên đến 60 kg”, anh Lê Doãn Khoa – một chủ thuyền đánh bắt xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) về cho biết. Vừa nói anh Khoa vừa khệ nệ bưng những chậu ăm ắp sứa xuống thuyền.

Cơ thể sứa rất nhiều nước nên việc vớt sứa và vận chuyển sứa cũng mất nhiều thời gian
Cơ thể sứa rất nhiều nước nên việc vớt sứa và vận chuyển sứa cũng mất nhiều thời gian

Chuyến đi này, ngoài các loại hải sản khác, thuyền anh Khoa vớt được hơn 20 nụ sứa. Từ đầu mùa đến nay, thuyền anh đã vớt được vài trăm nụ sứa. Theo tính toán của anh Khoa với số lượng này đã đem lại cho thuyền anh gần 5 triệu đồng.

Nhiều ngư dân nhận xét thời tiết năm nay khá thuận lợi. Mùa sứa cũng bắt đầu sớm hơn mọi năm. Trời vừa ra Giêng, sứa đã sinh sôi vô kể. Ngoài tôm, cá, ghẹ… sứa là mặt hàng đem lại thu nhập kha khá cho ngư dân.

Một nụ sứa nặng từ 10 -20kg, có con có thể lên đến gần 60kg. Hiện nay, 1 nụ sứa trung bình có vào khoảng 40.000 đồng/nụ
Một nụ sứa nặng từ 10 -20kg, có con có thể lên đến gần 60kg. Hiện nay, 1 nụ sứa trung bình có vào khoảng 40.000 đồng/nụ

Cũng theo anh Khoa, sau khi chính quyền tiêu hủy số lượng sứa bị tồn kho từ sau sự cố môi trường biển thì người dân đã quay lại ăn sứa. Chính vì vậy, giá của sứa cũng tăng từ giá 15.000 đồng lên 40.000 đồng/nụ. Tuy nhiên, các thuyền đánh sứa tại huyện Lộc Hà về chỉ bán cho những thương lái mua lẻ do chủ doanh nghiệp thu mua tại đây vẫn chưa hoạt động trở lại.

Sau khi đưa lên bờ sứa được sơ chế ngay trên biển
Sau khi đưa lên bờ sứa được sơ chế ngay trên biển

Ngoài các chủ thuyền đánh bắt, nghề thu mua và chế biến sứa biển cũng trở thành nghề ăn theo “hái ra tiền” cho rất nhiều người dân vùng này.

Sau khi những chuyến thuyền cập vào bờ, công đoạn sơ chế được tiến hành ngay trên bờ biển. Những người không có thuyền, không có sức đi biển cũng tranh thủ thời vụ để kiếm thêm thu nhập. Công việc của họ là làm sạch nhớt và chia nhỏ để chuyển đến những quán ăn, nhà hàng trong vùng lân cận.

Người dân thường sơ chế sứa bằng cách dùng cát biển chà hết nhớt và cắt nhỏ
Người dân thường sơ chế sứa bằng cách dùng cát biển chà hết nhớt và cắt nhỏ

Trong khi đó, tại huyện Nghi Xuân, các đầu nậu thu gom sứa đã hoạt động nên sứa được đánh bắt tại vùng biển chủ yếu là mua sĩ, rồi chế biến và bán lại. Ông Trần Văn Thái - chủ cơ sở thu mua sứa biển Long Thái (huyện Nghi Xuân) cho hay: Mỗi ngày cơ sở ông thu mua gần 10 tấn sứa về chế biến bán cho các nhà hàng hoặc thương lái Trung Quốc. Sau khi chế biến trọng lượng sứa chỉ chiếm tỷ lệ chỉ còn 1/10 (do sứa chủ yếu là nước) nên giá thành phẩm cao hơn. Trừ chi phí, mỗi mùa sứa gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng.

Dùng cát chà cho sứa hết nhớt để tránh gây dị ứng
Dùng cát chà cho sứa hết nhớt để tránh gây dị ứng

Đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sứa chủ yếu của các chủ thuyền, đầu nậu. Theo các chủ thuyền cho hay, ngày trước, sứa trôi dạt vào bờ nhiều nhưng không mấy người dân bắt. Nhưng chục năm lại đây, khi thị trường Trung Quốc thu mua sứa nhiều để chế biến thực phẩm thì người dân đánh bắt sứa ngày càng nhiều.

Sứa thành phẩm
Sứa thành phẩm

Ông Nguyễn Công Trình, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) cho biết: “Cứ đến mùa sứa hàng năm, sản lượng sứa đánh bắt được vào khoảng trăm tấn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sứa còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.

Phượng Vũ