Ngôi làng kỳ lạ nơi nam nữ nói hai ngôn ngữ khác nhau
(Dân trí) - Nằm ở vùng nông thôn Nigeria là một ngôi làng vô cùng đặc biệt, nơi đây phân biệt nữ giới và nam giới bởi hai loại ngôn ngữ khác nhau.
Thật khó để tin rằng đàn ông và phụ nữ cùng lớn lên trong một cộng đồng lại có thể không cùng nói một thứ ngôn ngữ. Nhưng tại Ubang, nét văn hóa độc đáo này đã tồn tại hàng nghìn năm.
Người dân ở đây tin rằng phụ nữ tới từ sao Kim và đàn ông đến từ sao Hỏa, vì vậy cả hai đều có ngôn ngữ riêng biệt. Không ai biết chính xác rằng truyền thống sử dụng hai ngôn ngữ ở Ubang bắt đầu từ khi nào và tại sao lại phải sử dụng ngôn ngữ theo cách này.
Hầu hết người dân địa phương đều tin vào thuyết tôn giáo cho rằng Chúa đã tạo ra Adam và Eve là người Ubang, sau đó ban cho họ hai ngôn ngữ khác nhau. Chúa cũng định ban cho mỗi dân tộc hai ngôn ngữ, nhưng nhận ra rằng không có đủ ngôn ngữ cho tất cả cộng đồng. Đây là món quà dành riêng cho ở Ubang và khiến ngôi làng này trở nên khác biệt với tất cả các cộng đồng khác trên thế giới.
Giải thích cho sự khác biệt này, nhà nhân chủng học Chi Chi Undie cho biết: "Thay vì nói có hai loại ngôn ngữ chúng ta có thể cho rằng đây là kiểu phát triển của một loại ngôn ngữ thành hai nhánh với một vài loại từ vựng được dùng dựa trên giới tính. Chúng không phát âm giống nhau và cũng không có cách viết giống nhau. Chúng là các từ hoàn toàn khác biệt".
Tới nay vẫn chưa thống kê được hết số lượng và tỉ lệ khác nhau của các từ trong 2 loại ngôn ngữ dành riêng cho nam giới và nữ giới tại Ubang chính xác là bao nhiêu.
Tuy nhiên, có đủ ví dụ cho thấy những người khác giới tại đây nói hai ngôn ngữ khác nhau. Chẳng hạn, đối với từ "quần áo", nam giới sẽ nói là "nki", trong khi phụ nữ sẽ nói "ariga", từ "cây cối" sẽ được nam giới phát âm là "kitchi", còn phụ nữ nói là "okweng".
Nhưng điều thú vị là cả nam giới và phụ nữ ở Ubang đều có thể hiểu nhau một cách hoàn hảo. Điều này có thể do khi sinh sống cùng cha mẹ, cả bé trai và bé gái đều được nghe và dạy được cả hai ngôn ngữ. Tới 10 tuổi, các bé trai sẽ tự động giao tiếp bằng ngôn ngữ dành cho nam giới.
Trưởng làng cho biết: "Đến một độ tuổi nhất định, các bé trai sẽ phải chuyển sang ngôn ngữ dành riêng cho giới tính của mình, đó cũng là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành của một người. Còn không, điều đó được xem là bất thường. Tuy nhiên, sẽ không có ai nhắc hoặc bắt những đứa trẻ phải chuyển đổi ngôn ngữ, tự chúng sẽ thay đổi một cách tự nhiên".
Trong khi đó, nhà nhân chủng học Chi Chi Undie tin rằng việc tồn tại hai ngôn ngữ ở hai giới là kết quả của "nền văn hóa hai giới tính", nơi đàn ông và phụ nữ phân chia làm những công việc tách biệt. Tuy nhiên, bà thừa nhận đây là một giả thuyết không chắc chắn, vì văn hóa hai giới tính tồn tại ở nhiều vùng của châu Phi, ngoại trừ các ngôn ngữ khác nhau dành cho nam và nữ.
Người Ubang luôn tự hào về những khác biệt độc đáo trong ngôn ngữ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tiếng Anh ngày càng được giới trẻ ưa chuộng, văn hóa hai ngôn ngữ của Ubang đứng trước nguy cơ mất đi vĩnh viễn.
Lý do là hai loại ngôn ngữ ở Ubang không được tổng hợp và viết ra một cách có hệ thống, hoặc có thể nói dạng ngôn ngữ này không được giảng dạy một cách bài bản ở Nigeria.
Để bảo tồn các giá trị ngôn ngữ, nhiều giáo viên tại Ubang đã kêu gọi triển khai các giải pháp như xuất bản sách giáo khoa bằng tiếng Ubang, thậm chí là tiểu thuyết và phim ảnh.
Hiệp hội ngôn ngữ Nigeria cho biết, 50 trong số 500 ngôn ngữ của quốc gia này có thể biến mất trong tương lai, nếu không thực hiện các biện pháp bảo tồn. Việc giảng dạy ngôn ngữ bản địa Nigeria trong các trường học cũng là một phần của chính sách quốc gia về giáo dục, nhằm đề cao tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa, cũng như thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc.