Quảng Nam:

Nghị lực vượt lên chính mình của ông chủ trẻ khuyết tật

(Dân trí) - Từ những nỗ lực của bản thân, anh Lê Tiến Vỹ (thôn Tri Phương, xã Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam) đã tự mình làm chủ một cơ sở mộc, thủ công mỹ nghệ truyền thống. Đây còn là nơi dạy nghề, tạo việc làm cho thanh thiếu niên địa phương giúp các em tránh xa những cám dỗ đầu đời.

Số phận không khuất phục được ý chí con người

Là con thứ 7 trong gia đình thuần nông nghèo khó, khi sinh ra anh vẫn khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng năm lên 4 tuổi, trong một cơn sốt cao đã khiến đôi chân anh bắt đầu teo tóp không cử động được.


Bằng khen tác phẩm “Quê hương tuổi thơ tôi” đạt giải nhất sản phẩm công nghiệp

Bằng khen tác phẩm “Quê hương tuổi thơ tôi” đạt giải nhất sản phẩm công nghiệp

Dù gia cảnh khó khăn nhưng cha mẹ Vỹ vẫn cố gắng chạy chữa cho con, chỉ cần có thầy hay đều tìm đến nhưng không có kết quả. Từ đó, anh bắt đầu làm quen với đôi nạng như một phần của mình, mang nỗi đau tàn tật đến suốt đời.

Học hết cấp hai, anh ở nhà phụ việc lặt vặt trong gia đình, khép lại ước mơ của mình một phần vì mặc cảm bản thân bị bạn bè trêu chọc, một phần vì lý do sức khỏe. Mỗi ngày, anh phải vượt hơn 10 cây số đường núi đến trường trên cây nạng gỗ, có lúc mệt kiệt sức anh đã ngất giữa đường. Thương con vất vả, tàn tạ cha mẹ Vỹ đành cho anh ở nhà.

Các giấy khen cơ sở Lạc Việt của anh Vỹ
Các giấy khen cơ sở Lạc Việt của anh Vỹ

Nhưng khát vọng vươn lên, sống thật có ích cho đời, cho cha mẹ vẫn luôn thôi thúc và ngày càng mãnh liệt trong chàng trai trẻ. Năm 19 tuổi, anh quyết định gắn bó và theo đuổi nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống. Và chính xưởng điêu khắc gỗ Âu Lạc ở xã Điện Phong ngày ấy là nơi ươm mầm ước mơ, tia hy vọng mới cho chàng trai nghị lực, quyết không đầu hàng số phận.

Sau 16 năm học và làm nghề đã tích lũy cho anh nhiều kinh nghiệm quý báu. Không những làm sống dậy một cuộc đời tưởng chừng vô vọng, mà còn nuôi sống anh đến tận bây giờ.

Hàng ngày được sống và làm công việc mình yêu thích, nhưng với anh như vậy vẫn chưa đủ. Anh Vỹ chia sẻ: “Ngày đó mình nghĩ nếu làm ở xưởng thì chỉ làm theo mẫu có sẵn do khách hàng đặt. Lâu dần mình cảm thấy bó hẹp không gian sáng tác và hạn chế sự sáng tạo, đột phá. Vì vậy, tôi muốn có một nơi của riêng mình để tự do sáng tác theo ý thích và thỏa mãn niềm đam mê”.

Sản phẩm điêu khắc tinh xảo
Sản phẩm điêu khắc tinh xảo

Nghĩ là làm, anh lấy số tiền mình dành dụm được mua gỗ về nhà tự mày mò nghiên cứu, sáng tạo. Năm 2009, anh đưa những sản phẩm tự làm đi triển lãm tại Hội An gồm tranh gỗ, tượng chân dung, tranh phong cảnh… Và bộ sản phẩm của ý chí, nghị lực kiên cường cùng óc sáng tạo, đổi mới không ngừng của anh đã được một vị khách Hà Nội đặt mua với giá 80 triệu đồng.

Khó khăn ban đầu trong xây dựng và phát triển cơ sở là đầu ra của sản phẩm. Vượt qua mọi trở ngại về sức khỏe, sự khó khăn trong di chuyển, anh bắt đầu đi khắp nơi chào hàng.

Đi lại khó khăn, vất vả vì khách hàng và công trình ở xa nhiều lúc tưởng chừng như sắp bỏ cuộc nhưng chính niềm đam mê, cùng sự bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm” của mình đã giúp anh thêm tự tin. Bên cạnh đó, có nhiều em xin theo học và làm nghề nên cần đầu ra ổn định để các em yên tâm gắn bó.

Trời không phụ lòng người, những sản phẩm mới lạ, độc đáo và sắc sảo của anh đã được thị trường chấp nhận. Từ đó, mở rộng ra các thị trường khác như Hội An, Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội…

Anh Vỹ đang làm việc cùng thợ của mình
Anh Vỹ đang làm việc cùng thợ của mình

Anh tâm sự: “Sự khó khăn nhất của tôi là việc di chuyển, nhưng tôi lại có thuận lợi là sự ủng hộ của nhiều người, nhất là gia đình và các em học viên. Tôi không muốn người khác nhìn mình bằng ánh mắt khinh thường hay thương hại, vì đơn giản tôi có thể vượt lên bằng khả năng của chính mình. Tôi luôn động viên mình phải luôn tự tin vào bản thân.

Lúc đầu cũng không nghĩ mình làm ăn lớn gì, chủ yếu là đam mê, nhưng lại trăn trở khi nghĩ đến sự tin tưởng của bà con, làng xóm đã gửi gắm con em theo học nghề. Tôi bắt đầu phát triển cơ sở dạy, đào tạo nghề miễn phí cho các em và cơ sở điêu khắc gỗ, mỹ nghệ Lạc Việt ra đời từ đó”.

Nơi chắp cánh tương lai cho những thế hệ trẻ

Từ lúc mở cơ sở đến nay anh đã nhận đào tạo nghề miễn phí cho gần 60 học viên là con em địa phương. Mỗi năm có gần 20 em được đào tạo và tìm được công ăn việc làm ổn định sau đó.

Anh Vỹ bên tác phẩm hoa mẫu đơn
Anh Vỹ bên tác phẩm hoa mẫu đơn

Những học viên được anh Vỹ nhận về chủ yếu là những em có hoàn cảnh khó khăn, đang học nghỉ giữa chừng hoặc ăn chơi lêu lổng. Chỉ cần các em có nghị lực và quyết tâm thay đổi, anh đều nhận để giải quyết công ăn việc làm và truyền nghề.

Các học viên ở cơ sở của anh Vỹ
Các học viên ở cơ sở của anh Vỹ

Nhìn sự ân cần chỉ dẫn từng đường đục, đẽo của anh dành cho các học viên, dường như không có khoảng cách giữa chủ và nhân công mà ở đây là tình nghĩa anh em, người đi trước truyền thụ cho người đi sau. Anh Vỹ bộc bạch: “Tôi coi các em như người thân, đứa em trong gia đình. Hiện nay, cơ sở có 20 em theo học và làm nghề độ tuổi từ 16-24 tuổi. Tôi chưa bao giờ coi mình là chủ, các em đang tuổi lớn đứng giữa ranh giới giữa người lớn và trẻ con nên dễ có sự sa ngã nếu không có sự quan tâm, uốn nắn cẩn thận. Công việc này cần sự cần cù, chịu khó và kiên trì, nên tôi luôn cố gắng bên cạnh dạy nghề còn động viên thêm để các em tự tin, theo đuổi đến cùng”.

Anh Vỹ luôn tận tình chỉ bảo từng em
Anh Vỹ luôn tận tình chỉ bảo từng em

Những em đã thạo nghề và làm việc lâu năm được trả lương từ 3-5 triệu đồng, ngoài ra anh còn hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt nếu cần để các em yên tâm theo nghề.

Em Phan Viết Hiệp đang học việc tại đây chia sẻ: “Em học hết lớp 12 thì xin vào đây học nghề cũng được 2 năm rồi, học được một năm rưỡi thì anh Vỹ cho em làm chính thức. Nhờ có cơ sở của anh Vỹ mà em được học và có việc làm ổn định, không theo bạn bè xấu. Anh Vỹ rất tâm lý và hiểu bọn em, anh là người anh rất tốt và đáng quý.

Em Phan Viết Hiệp đã làm và học nghề ở đây được 2 năm
Em Phan Viết Hiệp đã làm và học nghề ở đây được 2 năm

Hơn 10 bạn nghiện game được anh cảm hóa và nhận đào tạo hiện nay đều rất giỏi và thạo nghề. Bên cạnh lo cho bản thân, các em còn giúp đỡ thêm cho gia đình”.

Không tự mãn về bản thân và những gì đã đạt được. Anh đang cố gắng tích cóp hơn nữa để có thể mở rộng cơ sở, có không gian thoải mái, thoáng đãng cho các em và nhận đào tạo thêm nhiều học viên nữa. Bên cạnh đó, anh xây dựng thêm một căn phòng dùng để triễn lãm tác phẩm mỹ nghệ cho du khách gần xa có cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo của cơ sở.

Anh Vỹ trao đổi với PV

Anh Vỹ cho biết: “Tôi rất muốn thực hiện ước mơ lớn đó của mình, dù biết còn lâu nhưng tôi sẽ luôn nỗ lực từng ngày. Nếu có sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức thì tôi rất mừng và quý trọng. Hy vọng có thể được vay vốn với lãi suất thấp để mở rộng cơ sở, tạo thêm công ăn việc làm cho các em”.

Những nỗ lực của anh Vỹ đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng có giá trị như: giải Nhì với tác phẩm “Bình phố Hội” tại hội thi sản phẩm lưu niệm TP.Hội An lần thứ 3 năm 2013; giải Nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2015 với tác phẩm “Quê hương tuổi thơ tôi” và giải Nhì với tác phẩm chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng – mẹ Thứ.

N.Linh-C.Bính