Nghị lực phi thường của cậu bé bị vứt bỏ ở bãi rác trở thành ông chủ triệu đô

(Dân trí) - Bị chính mẹ đẻ bỏ lại ở một bãi rác khi vừa được sinh ra, cậu bé với cái tên Freddie Figgers vẫn nhận được đủ đầy yêu thương và còn trở thành ông chủ lớn, nắm trong tay hàng triệu đô la khi mới ở độ tuổi 20 và trở thành hình mẫu lý tưởng của giới trẻ.

Nghị lực phi thường của cậu bé bị vứt bỏ ở bãi rác trở thành ông chủ triệu đô - 1
Freddie Figgers và mẹ muôi Betty Figgers (Nguồn ảnh: Washington Post)

Ông bà Nathan và Betty Figgers đã nhận nuôi Freddie khi cậu được 2 ngày tuổi. Tình yêu thương và chăm sóc của họ đã giúp Freddie phát huy được trí thông minh sắc bén thiên bẩm của mình.

Nghị lực phi thường của cậu bé bị vứt bỏ ở bãi rác trở thành ông chủ triệu đô - 2
Freddie khi lên 5 tuổi (Nguồn ảnh: Washington Post)

Năm 9 tuổi, cha của Freddie mua cho anh một chiếc máy tính Mac cũ. Nhờ nó mà anh có hứng thú với công nghệ. Anh khiến cho cha mẹ nuôi vô cùng bất ngờ khi tự sửa được chiếc máy tính này khi bị hỏng và sau đó trở thành một kỹ thuật viên máy tính từ năm 12 tuổi. Khi mới 15 tuổi, Freddie đã bắt đầu phát triển kinh doanh dịch vụ máy tính của riêng mình.

Phát minh đáng tự hào nhất của Freddie là chiếc giày đặc biệt mà anh đã thiết kế riêng cho cha mình, người được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer. Freddie đã tạo ra một thiết bị định vị, theo dõi GPS đồng thời là thiết bị liên lạc hai chiều gắn vào giày của cha. Ý tưởng đó đã đặt nền móng cho sự thành công của Freddie. Một công ty đã liên hệ với anh và mua bản quyền với giá 2,2 triệu đô la (gần 51 tỷ đồng).

Nghị lực phi thường của cậu bé bị vứt bỏ ở bãi rác trở thành ông chủ triệu đô - 3
Anh đã sử dụng khoản tiền đó để mở công ty viễn thông Figgers Communications hiện có giá trị hơn 62 triệu đô la (trên 1.400 tỷ đồng).

Là người sáng lập và CEO của công ty, Figgers thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhờ phần mềm chống nhắn tin khi lái xe. Ngoài ra, anh cũng tạo ra một chiếc điện thoại di động có máy đo đường huyết không dây tích hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Figgers kỳ vọng rằng những dịch vụ mình tạo ra sẽ tác động, thay đổi cuộc sống hàng ngày, thay đổi thế giới và truyền cảm hứng về một xã hội tốt đẹp hơn.

Phạm Chi

Theo Black Enterprise