Nghị lực phi thường của các vận động viên thể thao "đặc biệt"

Trường Thịnh

(Dân trí) - "Có nhiều lúc cột sống đau nhức đến mức không thể nằm nghiêng hay nằm ngửa, tôi vẫn nghĩ rằng chỉ cần đầu không mỏi thì tôi vẫn tiếp tục tập luyện", chia sẻ của Anh Tú.

Anh thông tin khi được hỏi về động lực để theo đuổi niềm đam mê điền kinh của một người khuyết tật trước thềm lễ vinh danh 38 tấm gương "Tỏa sáng nghị lực Việt". Đây là chương trình được tổ chức thường niên bởi Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam và công ty TCP Việt Nam nhằm tuyên dương những gương mặt khuyết tật tiêu biểu.

Nghị lực phi thường của các vận động viên thể thao đặc biệt - 1

Năm 2021, vận động viên cử tạ Lê Văn Công (ngoài cùng bên phải) cũng từng được vinh danh trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" (Ảnh: TCP Việt Nam).

"Dù cuộc sống khó khăn, cũng đừng bao giờ bỏ cuộc"

Dù gặp nhiều rào cản với vận động, Đặng Anh Tú vẫn thử thách bản thân với bộ môn điền kinh. Có nhiều lúc cột sống của anh đau đến mức không thể nằm nghiêng hay nằm ngửa, Tú vẫn dùng ý chí mạnh mẽ để tiếp tục lên đường chạy.

Nghị lực phi thường của các vận động viên thể thao đặc biệt - 2

Tú tham gia Giải vô địch Quốc gia môn điền kinh (Ảnh: Anh Tú).

Những nỗ lực ấy đã giúp anh giành được 1 huy chương bạc và 4 huy chương đồng tại Giải Vô địch quốc gia Thể thao Người Khuyết tật trong bộ môn điền kinh trong lần thi đấu quốc gia đầu tiên, giúp anh tiến gần hơn với ước mơ đặt chân đến đấu trường quốc tế.

Khi được vinh danh là một trong 38 tấm gương khuyết tật tiêu biểu cho giải thưởng "Tỏa sáng nghị lực Việt", Tú không khỏi xúc động và hy vọng giải thưởng là niềm khích lệ dành cho các bạn thanh niên khuyết tật mạnh mẽ vượt qua rào cản trong cuộc sống.

"Chỉ cần có niềm tin và sự nỗ lực không ngừng, mọi thử thách đều có thể vượt qua"

Là người khiếm thị do căn bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố, Lê Văn Việt đã vượt qua thách thức của số phận để trở thành một trong những vận động viên cờ vua xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á.

Nghị lực phi thường của các vận động viên thể thao đặc biệt - 3

Việt trong một trận thi đấu cờ vua (Ảnh: Lê Văn Việt).

Mặc dù có tình yêu với cờ vua, nhưng việc học chơi đối với một người khiếm thị như Việt không dễ dàng, mãi sau này khi công nghệ và tài liệu dành cho người khuyết tật phát triển tốt hơn, anh mới có thể trau dồi được kỹ năng. Những nỗ lực đó giúp anh gặt hái được nhiều thành công ấn tượng. Cụ thể, Việt đã xuất sắc giành 1 huy chương vàng tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á năm 2022 tại Indonesia và nhiều thành tích khác.

"Được vinh danh trong giải thưởng Tỏa sáng nghị lực Việt, tôi cảm thấy vui vì những nỗ lực của mình đã được đền đáp," anh chia sẻ.

"Người khuyết tật phải cố gắng nhiều hơn người bình thường"

Câu chuyện của Phạm Bá Quyền bắt đầu từ một tai nạn kinh hoàng trên đèo Hải Vân, khiến bàn chân của Quyền bị biến dạng và việc di chuyển trở nên khó khăn.

Năm 2010 đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh khi anh lần đầu tiên tham gia giải thể thao người khuyết tật ở bộ môn điền kinh. Những ngày tháng đó là một thử thách thực sự khi anh phải dậy từ 4h để tập luyện, sau đó đi học vào lúc 7h. Tuy vậy, thành quả đến rất xứng đáng: anh giành được 1 huy chương vàng và 2 huy chương bạc ngay trong lần thi đấu đầu tiên tại Hội thi thể thao - Văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ IV tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Quyền chia sẻ, anh mong muốn mở rộng hoạt động để giúp đỡ những người khuyết tật khác, đặc biệt là trong việc sửa chữa xe ba bánh - phương tiện di chuyển chủ yếu của họ. Với tấm lòng nhân ái và nhiệt huyết, anh hy vọng sẽ có thể giúp những người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn.

Nghị lực phi thường của các vận động viên thể thao đặc biệt - 4

Quyền bên trong xưởng sửa chữa của mình (Ảnh: Phạm Bá Quyền).

"Cảm xúc mình vỡ òa khi được vinh danh là một trong 38 tấm gương khuyết tật tiêu biểu cho giải thưởng Tỏa sáng nghị lực Việt. Đây là động lực để tôi giúp đỡ được nhiều người hơn nữa", anh chia sẻ.

Việc tham gia thể thao chuyên nghiệp đã là một thử thách đối với người bình thường khi phải vượt qua quá trình luyện tập chăm chỉ, nghiêm túc và đầy chông gai. Đối với người khuyết tật, thử thách ấy lại càng nhân lên gấp bội. Thấu hiểu điều đó, chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" - phối hợp tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam và TCP Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời thông qua việc tìm kiếm và vinh danh những tấm gương khuyết tật nổi bật, truyền đi nguồn cảm hứng và động lực cho hàng triệu thanh niên khuyết tật Việt Nam.

Chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" là sự kiện thường niên được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TCP Việt Nam tổ chức. Năm 2024, đánh dấu cột mốc 5 năm hợp tác giữa Trung ương Hội LHTN Việt Nam và TCP Việt Nam.

Chương trình nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.

Đồng thời, chương trình cũng mong muốn tạo sự lan tỏa và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam và tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên đặc thù hòa nhập cộng đồng, tự tin theo đuổi ước mơ, khát vọng.