Nghẹn lòng trước gia cảnh nghèo khó của những “người hùng” U23 Việt Nam
(Dân trí) - Trong khi thủ môn Tiến Dũng từng phải đi phụ hồ, nhổ sắn thuê, Phạm Xuân Mạnh phải theo bố đi cày thuê, thì tiền vệ Phan Văn Đức cũng có một tuổi thơ cơ cực khi phải xa người thân từ năm 4 tuổi…
Giành ngôi vị á quân tại giải đấu châu lục, các cầu thủ U23 đã làm nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà, được người hâm mộ chào đón như “những người hùng” khi trở về nước. Thế nhưng ít ai biết, đằng sau sân cỏ nhiều cầu thủ lại có hoàn cảnh khó khăn, phải không ngừng nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống.
Phạm Xuân Mạnh
Phạm Xuân Mạnh sinh năm 1996 tại xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một trong những xã nghèo nhất của xứ Nghệ. Là con út trong gia đình có ba chị em, hai chị gái của Mạnh đã đi lấy chồng, gánh nặng kinh tế dồn lên vai người con trai độc nhất. Khi mới 5 tuổi, Mạnh đã theo bố đi cày thuê kiếm tiền.
Ông Phạm Xuân Linh, bố Mạnh xúc động kể: “Hồi đó cực lắm, vay mượn mãi mới được 20 triệu mua máy cày. Nó còn nhỏ nhưng không có ai phụ, tôi phải đưa Mạnh theo cùng. Bố lái máy cày, nó khệ nệ ôm bao phụ tùng hay can xăng ra đồng. Trưa lại chạy về lấy cơm ra cho bố".
Dù có tuổi thơ vất vả, phải phụ bố mẹ việc nhà, đồng áng nhưng Mạnh sớm bộc lộ năng khiếu bóng đá và nhanh chóng đầu quân cho SLNA. Đá giải trẻ kiếm được bao nhiêu tiền, Mạnh đều tiết kiệm, tích cóp để gửi về cho bố mẹ.
Năm 2015, Mạnh đứng ra xoay sở xây căn nhà mới thay cho ngôi nhà đã cũ kỹ, xuống cấp của gia đình. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này đều là do vay mượn. Trở về sau khi giành ngôi Á quân ở giải châu lục, Xuân Mạnh cùng các cầu thủ trong đội nhận được một khoản tiền thưởng từ các mạnh thường quân và doanh nghiệp, đây là niềm vui rất lớn đối với cầu thủ này. Điều đầu tiên Mạnh làm là gọi điện cho Dì và nhắn với mẹ yên tâm sau khi thi đấu về sẽ có tiền trả nợ. Chàng cầu thủ 9x còn không quên nhắn dì cho vay tiền mua tivi mới cho bố mẹ, rồi cậu sẽ gửi lại tiền sau…
Tiến Dũng – Tiến Dụng
Sinh ra ở miền quê nghèo Ngọc Lặc (Thanh Hóa), gia đình của hai anh em Tiến Dũng – Tiến Dụng thuộc dạng khó khăn của xã. Nhà nghèo, không tiền mua bóng da, Dũng và Dụng tập đá bằng những quả bưởi, quả cam trong vườn nhà.
Bà Phạm Thị Điều, mẹ hai cầu thủ xúc động kể, khi đó gia đình chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Dù biết con yêu và thích đá bóng nhưng không có tiền mua cho con dù chỉ là quả bóng nhựa hay sắm cho con đôi giày để chơi chuyên nghiệp. Bản thân Dũng cũng đã từng phải đi làm phụ hồ, nhổ sắn thuê trong làng để có tiền trang trải cuộc sống và giúp đỡ bố mẹ.
Thời gian Dũng đang chơi bóng ở tỉnh Thanh Hóa, những lần về thăm nhà thấy gia đình khó khăn quá, cầu thủ này đã có ý định nghỉ chơi bóng. “Lúc đó, tôi động viên con cố gắng theo đuổi đam mê. Tiến Dụng cũng động viên anh lên Thanh Hóa thử việc dù khi đó mới chỉ xuất phát từ yêu thích, xin tập cùng các thầy, gia đình phải tự lo hết chi phí.
Trước khi đi, tôi đưa cho Dũng 200.000 đồng để con đi đường nhưng em lại để lại trong túi áo. Đến khi lên Thanh Hóa, con mới gọi điện về bảo bố mẹ lấy tiền mua thức ăn. Tôi biết, trong túi con lúc đó chỉ có 50.000 đồng. Đến giờ nghĩ đến giai đoạn khó khăn ấy mà vẫn thương con trào nước mắt”, bà Điều nghẹn ngào chia sẻ.
Hà Đức Chinh
Cũng như bao cậu bé xuất thân từ miền quê, ngay từ nhỏ Đức Chinh đã bộc lộ niềm đam mê với trái bóng tròn. Nhà nghèo, không có tiền mua bóng da cậu cùng các bạn ra đám ruộng gần nhà quần thảo với trái bóng rơm, bóng nhựa.
Từ năm lớp 4, Hà Đức Chinh đã rời gia đình, bố mẹ ở vùng quê nghèo xã Xuân Đài, huyện miền núi Tân Sơn ra thành phố Việt Trì (Phú Thọ) cách nhà gần 100km để theo học tập, rèn luyện ở Trường Năng khiếu thể dục thể thao của tỉnh trong suốt 7 năm. Trong thời gian học tập và rèn luyện tại trường, Chinh thường xuyên góp mặt trong những giải đấu phong trào cấp huyện, cấp tỉnh.
Từ một cậu bé chân trần đá bóng ở những thửa ruộng, bờ đê nơi xóm núi, bằng năng khiếu bẩm sinh và những nỗ lực không ngừng, chàng trai 21 tuổi Hà Đức Chinh đã từng bước khẳng định tên tuổi mình trong làng bóng đá Việt Nam. Chiến thắng của đội U23 hôm nay có công rất lớn của em khi đã cố gắng hết mình trên sân bóng mặc cho thời tiết giá rét khắc nghiệt.
Phan Văn Đức
Phan Văn Đức là con út trong gia đình có 4 người con, anh có tuổi thơ thiếu thốn khi mới 4 tuổi, bố đã phải rời xa gia đình vào Nam mưu sinh. Thiếu vắng tình thương của bố, nhưng Văn Đức vẫn luôn hạnh phúc bởi bên cạnh anh là người mẹ tuyệt vời. Khó khăn nhưng Đức luôn đam mê với trái bóng tròn, thông qua các giải làng xã anh đã may mắn được SLNA thu nhận và rèn luyện.
Trước đây, khi mới lên đội 1 SLNA, Văn Đức nhận mức lương vào khoảng 3.6 triệu VNĐ/ tháng. Còn ở thời điểm hiện tại, Văn Đức đang nhận mức lương là 6 triệu VNĐ/ tháng. Với mức lương này, cuộc sống của những cầu thủ trẻ như Đức khá chật vật. Thậm chí, có năm Đức cùng với các đồng đội của mình đã từng phải gặp riêng HLV xin ứng mỗi người vài triệu để có tiền mua quà Tết về cho gia đình.
Công Phượng
Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, gia đình Công Phượng từng thuộc diện nghèo nhất của xã. Cũng vì cuộc sống khó khăn nên 3 chị gái Phượng phải bươn chải vào Nam tìm đủ nghề kiếm sống. Phượng và người anh ở nhà bắt lươn bắt ốc hoặc xách vữa, nhặt đá phụ giúp bố là ông Công Bảy - vốn là thợ hồ thuê.
Không may, người anh trai Công Phượng gặp tai nạn chết đuối, gia đình nghèo càng trở nên tan hoang, tiêu điều. Cầu thủ 9x này khi đó cũng gặp cú sốc lớn bị stress nặng từng có ý định bỏ học, trốn vào Nam làm thuê kiếm tiền nuôn bố mẹ. Khi Phượng còn bé, nhiều bữa cơm gia đình phải độn ngô khoai sắn. Chính vì điều kiện dinh dưỡng kém từ nhỏ, Phượng như đứa trẻ còi xương. Vì thế, khi dự tuyển vào lớp năng khiếu của SLNA, Công Phượng bị loại vì trông yếu quá dù các thầy cũng rất thích cách chơi bóng của cầu thủ gầy nhẳng này.
Cho đến khi nghe tin HAGL - Arsenal tuyển sinh, Phượng nằng nặc đòi bố cho đi tuyển. Gia đình sau đó phải bán hai con lợn lấy kinh phí cho Phượng vào Gia Lai thi tuyển. Sau nhiều năm thi đấu chuyên nghiệp, Công Phượng cũng đã tích cóp, chắt chiu và gửi tiền giúp đỡ bố mẹ xây căn nhà mới khang trang thay thế cho ngôi nhà đã xuống cấp, tồi tàn trước kia.
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp