Bình Định:

Nghề săn mật ong rừng ở độ cao gần 1.000 mét

(Dân trí) - Từ tháng Giêng, ong bắt đầu làm tổ, đến tháng 4 - 6 dương lịch là mùa ong rừng cho mật nhiều. Đây cũng là thời điểm các éo (chàng trai) ở bản làng Ba Na xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định vào mùa săn ong rừng.

Mùa ong rừng ở rừng đặc dụng An Toàn

Nằm trên độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, những cánh rừng đặc dụng ở xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) còn giữ được vẻ nguyên sinh với nhiều loài gỗ quý và cả động động chỉ có trong sách đỏ. Đặc biệt, rừng An Toàn có đến hàng trăm ha rừng sim, trong đó có cả 100 ha sim mọc tập trung. Khi tháng tư về, mùa hoa sim nở tím cả một góc trời thì đó cũng là mùa những chú ong rừng làm mật.

Nhiều tổ mật ong rừng phải lấy được hơn chục lít mật
Nhiều tổ mật ong rừng phải lấy được hơn chục lít mật

Theo những thợ săn mật ong rừng ở An Toàn thì trong những cánh rừng ở An Toàn, không nơi nào là ong không làm tổ. Chỉ có nhiều hay ít mà thôi, và tùy thuộc vùng rừng ấy có hoa hay không. Tới mùa ong làm tổ cho mật trai làng rục rịch vào rừng để lấy mật để bán.

Theo ông Đinh Văn Trang, Trưởng Công an xã An Toàn, bắt đầu từ tháng Giêng ong đã làm tổ, đợi đến mùa rừng cho hoa thì con ong bắt đầu làm mật. Thông thường tháng 4 dương lịch hằng năm các tổ ong đã bắt đầu có mật và càng về sau càng nhiều dần. Thời điểm mật nhiều và chất lượng nhất là tháng 5 tháng 6. Khi các tổ ong bắt đầu cho mật là trai làng rục rịch chuẩn bị đồ nghề vào rừng lấy mật ong rừng.

Tuy thời điểm này mới vào vụ săn mật ong rừng, nhưng trước đó trai làng đã lang thang vào rừng, lục tìm những cây rừng nào có ong làm tổ. Khi phát hiện thì dùng rựa khắc dấu dưới gốc cây rồi lấy lá rừng tủ lại để sau này đến khai thác mật. Người đến sau thấy dấu khắc của người đi trước thì biết những tổ ong trên cây đã “có chủ” sẽ không xâm phạm.

Những tổ ong rừng mật vàng óng được các thợ săn vào tận rừng sâu khai thác
Những tổ ong rừng mật vàng óng được các thợ săn vào tận rừng sâu khai thác

“Ở đây chẳng có luật lệ gì cả, nhưng người đồng bào rất tuân thủ những quy ước người xưa để lại, nên không bao giờ xâm chiếm những tổ ong mà trước đó đã có người đánh dấu lãnh thổ” - Trưởng Công an xã An Toàn khẳng định.

Bí kíp săn ong rừng và những rủi ro

Kinh nghiệm cả chục năm trong nghề săn ong rừng lấy mật, anh Đinh Văn Lái (trú thôn 1, xã An Toàn) cho rằng chỉ cần đến những con suối và những khe nước là biết lũ ong làm tổ ở đâu. “Những con ong thợ thường tìm đến nguồn nước mát để lấy nước, người săn ong cứ đi theo hướng bay của những con ong thợ mà tìm ra tổ ong. Thợ săn mật ong rừng mà không nắm bí kíp này thì kể như thất bại” - anh Lái giải thích.

Cách lấy mật và bảo quản mật của người dân địa phương còn thủ công dẫn đến chất lượng còn kém
Cách lấy mật và bảo quản mật của người dân địa phương còn thủ công dẫn đến chất lượng còn kém

Tuy nhiên, anh Lái cũng cho biết: “Vốn loài ong rất khôn, sau khi lấy nước xong không bay thẳng về tổ mà bay vòng vèo để đánh lạc hướng những kẻ thù rồi mới bay về tổ. Cho nên muốn phát hiện tổ ong thì phải biết kiên trì chờ đợi”.

Theo những thợ săn ong rừng ở An Toàn, năm nào cây ươi, cây xay và sim trong rừng cho hoa nhiều thì năm đó ong cho nhiều mật. Thường một tổ ong cho ít nhất khoảng 5 lít mật; thậm chí những tổ ong đóng ở những cánh rừng có nhiều hoa thì có tổ có thể đến hơn chục lít mật. Vào mùa săn mật ong rừng, những thợ săn ong rừng ở bản làng BaNa cũng thu nhập khá.

Thế nhưng, nghề săn ong rừng cũng đối diện với những rủi ro như bị tai nạn khi treo cây lấy mật, bị thú rừng tấn công hay ốm đau bất ngờ giữa rừng thì phải có người đi cùng giúp đỡ. Sợ nhất là bị ong đốt khi trèo lên cây cao để lấy tổ ong… Khi phát hiện tổ ong nằm trên ngọn cây cao, người thì đi bứt dây rừng quấn từng đoạn theo thân cây để làm thang trèo lên cây tiếp cận tổ ong, người thì tìm nhánh cây khô, quấn lá rừng tươi bên ngoài làm đuốc để hun khói mục đích xua đàn ong bay ra khỏi tổ để lấy mật. Người trèo lên cây trực tiếp lấy tổ ong phải là người có nhiều kinh nghiệm và có độ “gan lỳ”.

Ông Đinh Văn Trang, Trưởng công an xã An Toàn nói về nghề săn ong rừng cũng thường đối diện với hiểm nguy rình rập giữa rừng sâu
Ông Đinh Văn Trang, Trưởng công an xã An Toàn nói về nghề săn ong rừng cũng thường đối diện với hiểm nguy rình rập giữa rừng sâu

“Đi săn mật ong rừng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi phải trèo lên cây cao đến 20 - 30m mới đến tổ. Nếu gặp cây đóng một lúc cả chục tổ ong thì kể như trúng mánh, nhưng phải đối mặt với nguy hiểm. Chỉ cần đánh động, ong các tổ đồng loạt tấn công thì khó có đường thoát”- ông Trang cho hay.

Hướng đến thương hiệu “Made in mật ong rừng An Lão”

Ở Bình Định nói đến chất lượng ong rừng ở rừng đặc dụng An Toàn thì khỏi phải bàn. Người dân rỉ tai nhau chẳng khác nào như vị “thần dược”. Sáng, sau khi ăn điểm tâm, uống 1 ly mật ong rừng pha nước ấm thì tinh thần sẽ sảng khoái, làm việc hiệu quả. Hay ai lỡ uống rượu bia quá chén, thì uống 1 ly mật ong rừng pha nước ấm cũng sẽ tỉnh ngay. Chất lượng tốt là vậy nên trong thời gian qua, có nhiều loại mật ong trên thị trường “đội lốt” mật ong rừng An Toàn để bán được giá cao cũng như tiêu thụ mạnh.

Chất lượng mật ong rừng ở An Toàn được ví như thần dược cho sức khỏe, giải rượu...
Chất lượng mật ong rừng ở An Toàn được ví như "thần dược" cho sức khỏe, giải rượu...

Thâm niên trong mua bán mật ong rừng, bà Đinh Thị Thao (trú xã An Tân, huyện An Lão), cho biết cách phân biệt mật ong thật và mật ong rừng giả (pha đường) rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết. “Mật ong rừng thật có độ keo sóng sánh màu vàng trong, nếm vào ngọt thanh và có hương vị riêng. Mật giả thì loãng, ngọt lợ và không thơm mùi thơm của hoa rừng. Cách đơn giản nhất, cho 2 giọt mật lên tờ giấy thấm mỏng, nếu mật ong thật sẽ không có chất nước thấm ra chung quanh, còn mật giả thì nước thấm ướt mẹp tờ giấy” - bà Thao chỉ nước.

Mật ong rừng là sản vật quý thiên nhiên ban tặng cho những người con sống giữa đại ngàn An Toàn. Tuy nhiên, hiện nay cách sơ chế và bảo quản mật ong rừng của người dân địa phương theo thủ công, đơn giản phần nào giảm giá trị thực của nó, để lâu mật bị chua.

Chị Đinh Thị Nhi, Phó Bí thư Đoàn xã An Toàn cho biết: “Trong chuyến làm việc với Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, được nghe về tiềm năng và thưởng thức mật ong rừng ở đây, Viện Sinh thái học miền Nam đã tạo điều kiện cho tôi đi Ấn Độ để nắm bắt kỹ thuật sơ chế và bảo quản mật ong rừng của nước bạn về truyền bá cho người dân địa phương. Đây là tiền đề để An Toàn tiến tới xây dựng thương hiệu: Mật ong rừng An Lão”.

Chị Đinh Thị Nhi, Phó Bí thư Đoàn xã An Toàn vừa được tập huấn cách sơ chế và bảo quản mật ong rừng từ Ấn Độ về để nâng cao chất lượng mật và hướng đến thương hiệu: Mật ong rừng An Lão
Chị Đinh Thị Nhi, Phó Bí thư Đoàn xã An Toàn vừa được tập huấn cách sơ chế và bảo quản mật ong rừng từ Ấn Độ về để nâng cao chất lượng mật và hướng đến thương hiệu: "Mật ong rừng An Lão"

Chị Nhi cho biết thêm: “Ở Ấn Độ người ta cũng sơ chế mật ong rừng bằng phương pháp thủ công, nhưng với lưới lọc chuyện dụng, mắc lưới dày, lọc sạch phấn hoa và sáp ong nên mật tinh khiết hơn. Sau đó, mật ong được bảo quản trong nhiệt độ ổn định 30C, bởi ở trong nhiệt độ thấp hơn hoặc cao hơn mật sẽ đóng đường. Nếu áp dụng phương pháp này thì mật ong rừng An Toàn có thể xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường khắp nơi, bởi thực tế chất lượng của nó đã vượt trội so với mật ong rừng ở nhiều vùng miền khác”.

Doãn Công