Nghệ nhân già trọn một đời giữ tiếng trống uy nghi từ ngàn xưa

(Dân trí) - Trước kia, phố cổ vốn được nhắc đến như những “phố nghề” đặc trưng. Nhưng theo dòng xoáy thời gian, những giá trị văn hóa ấy dần tàn lụi, nhường chỗ cho sự hiện diện của những điều tân tiến. Tuy nhiên, đâu đó ở khắp ngóc ngách phổ cổ, vẫn còn những người một lòng tận tâm với nghề gia truyền.


Cửa hàng nhà nghệ nhân Phạm Chí Tịnh.

Cửa hàng nhà nghệ nhân Phạm Chí Tịnh.

Nằm trên con phố Hàng Nón sầm uất, đông người qua lại, có một ngôi nhà đặc biệt thu hút sự chú ý của du khách bởi tiếng trống cất lên rộn rã. Chủ nhân ngôi nhà, nghệ nhân Phạm Chí Tịnh dù đã bước sang tuổi 85 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Nhìn người đàn ông với vóc dáng nhỏ bé, hiền lành, ít ai ngờ rằng ông chính là “cha đẻ” của chiếc trống lớn nhất Việt Nam. Khi nhắc đến nghề làm trống gia truyền, ánh mắt ông không giấu được niềm tự hào.

Cả một đời gắn trọn với nghề trống


Cụ Phạm Chí Tịnh bên những chiếc trống thủ công.

Cụ Phạm Chí Tịnh bên những chiếc trống thủ công.

Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh là người con của làng trống Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam), tình yêu nghề đã gắn chặt với ông từ năm 13 tuổi. Nhớ lại những tháng ngày vất vả, ông hào hứng kể: “Thời còn trẻ, tôi đã đặt chân đến nhiều tỉnh, thành. Từ Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến Thái Bình, Nam Định… nơi nào đến tôi cũng mở hàng trống, nhờ trời thương nên bán được lắm. Giờ nhìn lại hơn 70 năm làm nghề, tôi vẫn nhớ như in mọi thăng trầm, tất cả như chỉ vừa mới hôm qua.”

Lên Hà Nội lập nghiệp từ 1954, trong kí ức của người nghệ nhân hiền lành, lúc đó cả Thủ đô có khoảng 5,6 nhà làm trống. Nhưng đến khi cửa hàng của ông Phạm Chí Tịnh mở ra, tất cả bọn họ đều phải xoay sang nghề khác kiếm sống. Ông gọi vui, đó là cái “duyên” với nghề, là sự gắn quyện giữa hai tâm hồn đồng điệu.

Ở Việt Nam, nếu tính số trống được ghi vào danh sách kỷ lục thì có đến hơn nửa trong số đó là do cụ Tịnh làm. Nhưng trong câu chuyện của mình, ông nhắc đến nhiều nhất là hai chiếc trống ở Quốc Tử Giám và Hoàng Thành Thăng Long. Chiếc trống khổng lồ đặt ở Hoàng Thành là “đứa con” ông tạo ra nhân kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Chiếc trống có đường kính 2.35m, cao 3.1m, to nhất từ trước đến nay.

Theo lời ông, công đoạn hoàn thành chiếc trống đặc biệt phải mất đến vài ba tháng. Gỗ mít làm trống được ông đặt tận trong Huế. Tiếp đó, phải tìm được da của 2 con trâu mộng cho vừa mặt trống. “Trống to đến nỗi, cả 6 cổng Hoàng Thành, không có cổng nào vừa cho trống đi lọt, phải nhờ đến cần cẩu để đưa trống qua tường thành”, nghệ nhân Phạm Chí Tịnh tự hào kể. “Khi đánh, tiếng trống vang lên như sấm rền, vừa uy nghi, vừa truyền được khí thế từ ngàn năm xưa vọng lại.”

Làng nghề Đọi Tam có đến hàng trăm người làm trống, nhưng cho đến thời điểm này, chỉ có 2 người được phong nghệ nhân cấp tỉnh, và mình cụ Tịnh được phong nghệ nhân cấp Trung ương.

“Muốn theo nghề trống, cần nhất là có cái Tâm”

Trong tiềm thức người Việt, trống có một ý nghĩa quan trọng. Tiếng trống cất lên cũng là lúc dân làng bắt đầu thực hiện mọi nghi thức tế lễ. Trong những buổi sinh hoạt hay lễ hội ở đình chùa, thiếu tiếng trống cũng coi như mất đi một phần của cuộc vui.

Theo nghệ nhân Phạm Chí Tịnh, kĩ thuật làm trống thì ai cũng nắm được như nhau, nhưng cái hơn thua của người làm nghề lại nằm ở sự khéo léo, tỉ mẩn và “cần nhất là có cái Tâm”. Bằng giọng chắc nịch, cụ khẳng định: “Khâu bưng trống là quan trọng nhất, người thợ phải có tai cảm nhạc và có sự tinh tế để lấy được âm sao cho “chuẩn”. Người thợ kém sẽ không quan tâm đến tiếng trống méo hay tròn, trống đứng được hay không. Như vậy làm sao giữ được lòng người trong thiên hạ. Cái hồn của trống nằm ở chính bàn tay người làm ra vậy.”


Một vài bằng khen, giấy chứng nhận cụ nhận được trong cả cuộc đời làm nghề.

Một vài bằng khen, giấy chứng nhận cụ nhận được trong cả cuộc đời làm nghề.

Năm người con của cụ đều được truyền cho nghề làm trống, mỗi người sở hữu một cửa hàng riêng. Dù đã bước sang tuổi 85, nhưng bất cứ khi nào các con cần sự hỗ trợ, nghệ nhân Phạm Chí Tịnh vẫn sẵn sàng tự tay làm trống, tỉ mẩn, khéo léo trong từng công đoạn.

Anh Phạm Chí Hồng, một người con của cụ tâm sự: “Ngay từ nhỏ, anh em tôi đã được tiếp xúc với trống và nghề trống. Chứng kiến bố đã dành cả cuộc đời cho công việc này, có lẽ từ đó mà tình yêu cũng bắt đầu ngấm dần vào chúng tôi. Làm trống là nghề rất cần được duy trì bởi nó chứa đựng nhiều giá trị bản sắc dân tộc. Dù còn tồn tại những khó khăn nhất định, nhưng tôi tin, nghề trống sẽ còn tiếp tục phát triển.”


Ngoài trống, nghệ nhân Phạm Chí Tịnh còn làm những nhạc cụ truyền thống.

Ngoài trống, nghệ nhân Phạm Chí Tịnh còn làm những nhạc cụ truyền thống.

Khi cuộc nói chuyện kết thúc, ánh mắt của nghệ nhân Phạm Chí Tịnh bỗng trở nên xa xăm. Một lúc sau, ông mới cất lời: “Tôi yêu nghề, tôi đã giữ trọn tình yêu này cả một đời người. Chỉ mong về sau, có thật nhiều người sống có tâm, có đức, gìn giữ để nghề trống sống mãi với thời gian.”

Hoàng Ngọc