Quảng Nam:
Nghề “làm đẹp” mộ người chết "đắt hàng" dịp cận Tết
(Dân trí) - Hằng năm, cứ vào dịp tháng Chạp âm lịch thì những người làm nghề tảo mộ thuê lại bắt đầu vào mùa. Công việc thời vụ đã phần nào giúp họ có thêm thu nhập trang trải những ngày Tết.
Nhờ ơn người đã khuất
Tại nghĩa trang phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), ngày thường khá hoang vắng, thế nhưng từ đầu tháng Chạp nơi đây náo nhiệt hẳn. Cơn mưa phùn bất chợt khiến không khí trở nên đìu hiu, chúng tôi len lỏi theo đường mòn quanh các nấm mồ, bắt gặp hàng chục người đang tảo mộ, trong đó còn có cả người già.
Người tảo mộ thuê ở đây chủ yếu là người dân địa phương, một số ở các xã lân cận tìm đến đây để kiếm thêm thu nhập lo Tết sắp đến. Do nhà gần nên cũng không tốn tiền thuê trọ, làm từ 7h sáng đến 5h chiều thì về, ăn trưa thì mọi người chung tiền nhau rồi mua về ăn ngay tại nơi làm việc.
Xây mộ mới thì thợ hồ làm quanh năm nhưng tảo mộ và các dịch vụ tu sửa chỉ đắt khách vào dịp gần Tết. Nhiều người ngày thường xây mộ nhưng đến tết lại chuyển sang tảo mộ, tu sửa, có người ngày thường làm nông, đến gần Tết lại đổ xô về đây và với họ công việc này đã cho khoản thu nhập kha khá.
Vừa quét lại mộ phần, ông Trần Văn Tâm (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vừa kiểm tra tỉ mỉ chỗ đã quét qua. Ông cho biết, mình cũng đã có hơn 10 năm trong nghề. Bình thường làm nông, đến gần Tết thì làm công việc tảo mộ thuê để kiếm thêm thu nhập.
“Thông thường cứ khoảng đầu tháng Chạp là người ta bắt đầu tảo mộ, người ở xa thì thuê người khác tu sửa. Chủ thuê phần nhiều là từ Đà Nẵng vào vì công việc cuối năm bận bịu không chăm sóc được, hoặc là anh em trong dòng họ hùn tiền nhau rồi thuê người tảo mộ. Có khi, người ta gọi điện vào nhờ, hoặc mình ra nghĩa trang rồi thấy ai cần thì mình hỏi thăm, nhưng phần lớn là chủ năm ngoái thấy làm tốt rồi nhờ làm tiếp, có uy tín là năm sau người ta lại gọi. Nếu mình làm chu đáo, gia chủ giàu có họ sẽ thưởng thêm để động viên, rồi lưu số điện thoại để năm sau tiện liên lạc, có khi họ còn giới thiệu thêm nhiều mối khác”, ông Tâm nói.
Tại nghĩa trang này có nhóm tảo mộ thuê của anh Đinh Văn Tài gồm 3 người, mỗi người một nhiệm vụ khác nhau: người quét vôi, người cọ rêu, chùi rửa, người nhổ cỏ... mỗi người một việc.
Theo anh, mọi người làm ở đây đều phải giữ chữ tín, không được làm ẩu, quét cẩn trọng, dọn dẹp sạch sẽ, chu đáo. Ai cũng tâm niệm mình sống là nhờ phúc của người âm, nên ai cũng phải cố gắng làm cẩn thận, tỉ mỉ. “Mình đã nhận của họ mà làm ẩu thì tội lắm, vừa có lỗi với người sống mà quan trọng là cả với người đã khuất”, ông Tâm tâm sự.
Đang thỏa thuận giá cả với người tảo mộ, anh Hoàng (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: “Mình muốn tu bổ lại phần mộ của người thân cho “mồ yên, mả đẹp”, để còn rước ông bà về ăn Tết nhưng công việc cuối năm bận rộn không có thời gian đành nhờ những thợ ở đây quét dọn. Họ làm ăn uy tín lắm, quét dọn sạch sẽ rồi mới bàn giao lại cho mình, mỗi năm mình gọi mỗi thợ khác nhau để xem ai làm tốt hơn sẽ làm ăn lâu dài với người đó. Chăm sóc mộ phần người thân đâu phải dễ, không làm ông bà phật ý được”.
Những người tảo mộ thuê ở đây cho biết, giá dọn dẹp, chùi rửa một mộ lớn là 300-500 ngàn; công quét vôi một mộ lớn là 100 ngàn/mộ, nếu nhiều thì mình giảm giá còn lại 60-70 ngàn/mộ, mộ nhỏ giá từ 30-40 ngàn/mộ. Tiền kẻ bia, khắc lại tên thì tính giá khác, tùy theo kích thước từng bia mà có giá từ 10-50 ngàn/mộ.
Chăm sóc thêm những khu mộ quạnh quẽ
Những người tảo mộ ở đây không chia theo khu vực như những nơi khác, ai đến trước nhận trước, ai đến sau thì sang khu vực khác tìm việc. Theo người tảo mộ thuê ở đây cho biết: một phần do trước đây ở khu vực Gò Cà (Đà Nẵng) người ta tự phân chia rồi quét, khi chủ mộ đến thì họ đã làm xong hết, sau đó hét giá cao nên chủ họ không thích; một phần để tránh cạnh tranh với nhau, quét cho người khuất mà giành nhau thì thất đức lắm.
Bây giờ, ai cần công việc thì đến nghĩa trang thỏa thuận với chủ giá cả đàng hoàng trước rồi mới quét dọn, có khi chủ cũ gọi điện thỏa thuận giá cả, quét trước rồi nhận tiền sau hoặc trả trước một nửa tiền sau khi quét xong thì họ sẽ trả nốt phần còn lại.
Bà Ngô Thị A (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) – một người tảo mộ thuê - cho biết: “Công việc chính của tôi là làm nông. Việc tảo mộ ở đây chủ yếu là làm theo thời vụ, kiếm thêm chút tiền sắm sửa cho ngày tết chứ làm nông thì không dư dả gì nhiều. Tiền kiếm một ngày khá hơn nhiều so với làm nông, đỡ cực nhọc hơn nhưng mỗi nghề cũng có cái khó, cực nhọc riêng của nó. Vì làm theo thời vụ nên chỉ đến 29 Tết là đã hết việc. Trung bình, hai vợ chồng tôi quét từ 7-10 ngôi mộ nhỏ, mỗi năm nhận từ 12-15 chủ, nhưng nếu năm đó gia chủ làm ăn không ra thì họ sẽ gọi điện bảo ngưng quét”.
Vì là công việc chăm lo cho người khuất nên phải làm cho kỹ, vôi, màu phải mua loại tốt sau đó hòa với keo theo tỉ lệ nhất định để khi lên màu đẹp, vôi bám chắc. Gặp trời nắng thì không sao nhưng gặp trời mưa thì phải quét lại nhiều lần đảm bảo sao cho đẹp nhất, chủ người ta đến xem ưng ý mới trả tiền.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Sáu đang lau lại những phần mộ đã quét xong chia sẻ: “Tôi làm công việc này cũng lâu rồi, từ hồi nghĩa trang còn ít mộ, giờ thì đông quá rồi. Nhiều mộ phần có người chăm lo, nhưng nhiều mộ để hoang nhiều năm, cỏ mọc um tùm, thấy tội nên sau khi xong việc chúng tôi cố gắng dành ít thời gian chăm sóc những mộ phần này.
Nhưng dù vậy, bà Sáu cũng cho hay mình chỉ dám quét dọn, nhổ cỏ hoặc chùi sơ qua chứ không dám quét vôi bởi sợ đụng đến mộ phần người ta có chuyện gì họ quở trách. Dù mộ phần không người thăm viếng, nhưng lỡ đụng vào có chuyện gì thì chúng tôi không biết làm sao”.
Thu nhập từ công việc thời vụ này cũng kiếm được ít tiền tiêu tết nên nhiều người tâm niệm, công việc của họ cũng là nhờ vào những người đã khuất, nên họ luôn sẵn sàng quét dọn lại những khu mộ không người thăm viếng, âu cũng là để đức lại cho con cháu.
N.Linh-C.Bính