Ngày 8/3 kể chuyện những người phụ nữ thay đổi thế giới
(Dân trí) - Thoát khỏi những định kiến xã hội, nhiều phụ nữ đã cho thế giới thấy họ có thể làm tốt những công việc vốn được cho là chỉ dành cho đàn ông từ nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội… cho đến lãnh đạo cả một quốc gia.
Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, hãy cùng điểm lại những phụ nữ phi thường mà thành quả của họ đã làm thay đổi cả lịch sử thế giới.
Henrietta Lacks (1920-1951) là một phụ nữ người Mỹ gốc Phi với những cống hiện tạo ra bước nhảy vọt trong y học. Henrietta Lacks đã hiến các tế bào (dòng tế bào HeLa) để nuôi cấy tạo ra dòng tế bào bất tử phục vụ cho nghiên cứu y khoa.
Kể từ sau sự kiện nuôi cấy các tế bào ung thư của người đã mất trong phòng thí nghiệm, rất nhiều tế bào đã được nuôi cấy thành công từ những tế bào ban đầu lấy từ cơ thể của Henrietta kể từ lúc bà qua đời. Những tế bào này được gọi tên là tế bào Hela cell. Cho tới nay, từ những mẫu tế bào ung thư đó, các nhà khoa học đã tiến hành trên dưới 10 nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh ung thư, với hơn 60.000 tài liệu khoa học có liên quan.
Frida Kahlo (1907-1954) là một nữ họa sĩ Mexico-người nổi tiếng thế giới với các tác phẩm hội họa mang phong cách phối màu rực rỡ với ảnh hưởng đậm nét của văn hóa bản địa Mexico cũng như những ảnh hưởng của châu Âu như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Rất nhiều tác phẩm của bà là dạng chân dung trong đó biểu hiện nỗi đau của bản thân tác giả. Từ thập niên 1970, tiếng tăm của Frida Kahlo đã nhanh chóng nở rộ và bà hiện được công nhận là một trong những họa sĩ xuất chúng của thế kỷ 20.
Indira Nehru Gandhi (1917-1984) là nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất của Ấn Độ. Ở một đất nước có sự phân biệt giới tính sâu sắc, việc Indira Nehru Gandhi lên làm Thủ tướng đã trở thành một sự kiện mang tính lịch sử và bước ngoặt đối với quốc gia này. Bà được đánh giá là một trong những Thủ tướng xuất sắc nhất của Ấn Độ sau khi nước này giành độc lập. Tên tuổi của nữ thủ tướng này gắn liền với cuộc “cách mạng xanh” và “cách mạng trắng” tạo ra bước nhảy vọt trong nền nông nghiệp của Ấn Độ.
Marie Curie (1867-1934) tên đầy đủ là Maria Salomea Skłodowska, là một nhà vật lý và hóa học người Pháp gốc Balan, nổi tiếng trong việc nghiên cứu tiên phong về tính phóng xạ. Bà là nhà khoa học nữ đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, vật lý và hóa học. Marie Curie đồng thời cũng là giảng viên đại học nữ đầu tiên tại Đại học Paris(Sorbonne).
Florynce Kennedy (1916-2000) là một nhà hoạt động da màu nổi tiếng thế giới. Cuộc đời của bà gắn liền với những cuộc đấu tranh “không đổ máu” để đòi quyền bình đẳng cho người da màu và bình đẳng giới. Đặc biệt, bà còn góp công lớn trong những hoạt động biểu tình chống cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ gây ra ở Việt Nam.
Yekaterina Alexeyevna (1729-1796) hay còn được biết dưới cái tên Catherine đại đế là nữ hoàng trứ danh và trị vì lâu dài nhất của Đế quốc Nga, cai trị từ 28/6/1762 cho tới khi qua đời. Có thể nói bà là hiện thân của chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng. Tuy nhiên bà có đóng góp to lớn trong việc đưa Đế quốc Nga thực sự trở thành một cường quốc tại châu Âu vào thế kỷ 18. Thời đại trị vì của bà được gọi là “Thời đại Catherine”, được xem là thời đại hoàng kim của Đế quốc Nga, đặc biệt là đối với giai cấp quý tộc Nga.
Audre Lorde (sinh năm 1934) là một nhà văn đồng thời là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Mỹ. Người phụ nữ này đã từng mô tả mình là một "nhà thơ chiến binh da đen của Lesbian". Những đấu tranh bằng ngòi bút của bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người. Những câu nói “bất hủ” của bà thường xuyên được trích dẫn, đặc biệt là tuyên bố nổi tiếng "sự im lặng của bạn sẽ không bảo vệ bạn". Lorde lên tiếng chống lại phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, chứng sợ đồng tính, phân biệt tuổi tác, và bất kỳ sự bất công khác. Một trong những nỗ lực đáng chú ý nhất của bà là hoạt động đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ Afro-Đức trong những năm 1980.
Hải Phong
Theo Huffingtonpost