Năm Thân, mạn bàn về tượng “Khỉ ba không”
(Dân trí) - Tết Bính Thân này, nhiều gia đình có chưng bộ tượng Khỉ ba không gồm có ba con khỉ bịt tai, bịt miệng và bịt mắt để không nghe, không nói và không thấy…
1/. Những người có đạo (Phật, Thiên Chúa, Tin Lành..) thì cho rằng “ba không” cốt nhắc nhở chúng ta: không nghe điều xằng bậy, không nhìn điều xấu và không nói điều sai quấy.
2/. Những người bi quan, yếm thế thì cho rằng khi xã hội hư hỏng cách tốt nhất là “ba không” : không nghe, không thấy, không đếm xỉa tới.
3/.Với những người thực tế hơn, thì “ba không” có nghĩa là không nghe điều quấy chỉ nghe điều hay, không nhìn điều xấu chỉ nhìn điều tốt và không nói điều sai chỉ nói điều đúng.
Thật ra, “Bộ khỉ tam không” có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ vào khoảng vài ngàn năm về trước. Lúc đầu, đó là bức tượng vị thần Vajrakilaya, vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Ngày nay, tại Nhật Bản, vùng Nikko, trong đền Toshogu vẫn còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ có tượng ba con khỉ bịt tai, bịt mắt và bịt miệng bằng gỗ. Ở Việt Nam, “Bộ khỉ ba không” không phải là quá hiếm, thỉnh thoảng cũng thấy có chưng trong các chùa chiền.
Nhiều nhà sư cho rằng, hiểu “ba không” chỉ với ba nghĩa không nghe, không thấy, không nói như trên chỉ là tương đối và chưa đầy đủ hết. Bởi con người sinh ra ai cũng có đôi mắt để nhìn, có đôi tai để nghe và một cái miệng để nói. Hình ảnh bộ khỉ này không chỉ đơn giản là khuyên ta không nói, nghe, thấy mà nó mang ý nghĩa lời Phật dạy: Hãy nói, nghe, nhìn bằng chân tâm, hay còn gọi là tâm thanh tịnh.
Trong nhà Phật, khẩu nghiệp là một trong ba nghiệp nặng nhất của con người: thân, khẩu, ý. Trong cuộc sống, ai cũng ít nhiều phải tiếp xúc với những chuyện không vừa lòng, đẹp ý. Những chuyện này làm ta muộn phiền hoặc tức giận. Khi đó, ta dễ buông lời oán trách, cay nghiệt với nhau. Cũng có người, hay nói những điều xấu ác, gây chia rẽ, thiệt hại cho người đối diện; người thì khoe khoang, khoác lác, đâm bị thóc, chọc bị gạo… là khẩu nghiệp!
Kinh Phật dạy con người nên tu tam nghiệp thanh tịnh, đặc biệt là khẩu nghiệp. Nhiều khóa tu tại các chùa, các Phật tử phát nguyện tịnh khẩu nghiệp, tuyệt đối không nói chuyện, muốn nói gì thì chỉ cần ra dấu bằng tay hoặc viết ra giấy, mà cũng rất hạn chế. Ý nghĩa của việc này là giúp Phật tử chuyên tâm thanh tịnh mà niệm Phật.
Người xưa cũng có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Việc nói những điều hay, lẽ phải, những ái ngữ, ôn hòa trên tinh thần cầu thị thì bao giờ cũng tạo nên điều tốt đẹp hơn. Đó là ý nghĩa của con khỉ bịt miệng.
Với con khỉ bịt tai, bịt mắt, ý khuyên chúng ta không nên nghe và nhìn những điều xấu. Đức Phật dạy rằng: Với những chuyện đúng sai diễn ra mỗi ngày, nếu như không nghe, nhìn bằng cái tâm cố chấp thì không bị nó chi phối. Dễ hiểu hơn, việc bịt tai và bịt mắt giúp con người ta bớt thói tò mò, soi mói, tọc mạch chuyện của người khác. Ngoài ra, hình ảnh hai con khỉ bịt tai, bịt mắt còn là lời nhắc nhở mỗi người thay vì suốt ngày đi bới móc chuyện riêng của người thì hãy dành lấy thời gian để nghe và nhìn lại chính bản thân mình. Con người vốn dĩ bắt lỗi người thì dễ chứ mấy ai nhìn được lỗi của mình! Người ta cũng ít xét lại bản thân để sửa đổi cho tốt hơn! Vì vậy, việc khuyến khích “phê bình và tự phê bình” ở mỗi người là chính đáng.
Tóm lại, ý nghĩa sâu sắc nhất của “bộ khỉ tam không” vẫn nằm ở chỗ là nhắc nhở chúng ta về sự tĩnh tâm, dù nghe gì, thấy gì.
Rõ ràng là trong thời buổi cuộc sống hiện tại, “Bộ khỉ tam không” trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ. Bởi cái sự “không nói, không nghe, không thấy” cũng chính là chìa khóa để thuần hóa “con khỉ” trong mỗi con người. Và khi đã thuần hóa, chúng ta sẽ có được một cuộc sống thật an lành và hành động tĩnh tâm tức chúng ta có sức khỏe.
Đầu năm Bính Thân, nên rước một bộ Khỉ ba không về nhà để được sức khỏe, “thân tâm an lạc”.
TS.BS.Trần Bá Thoại