Hội An:

Mưa lũ kéo dài, giá rau xanh tăng cao, người bán người mua đều khó khăn

Công Bính – Ngô Linh

(Dân trí) - Người mua không dám chi nhiều, người bán thì “ế ẩm”. Giá cả nhiều mặt hàng, nhất là rau xanh tăng cao từng ngày khiến cuộc sống người dân đã khó khăn do Covid-19, nay càng thêm vất vả sau mưa lũ.

Sau mưa lũ, tại các chợ Hội An lượng rau xanh đổ về rất ít và giá khá cao. Giá các loại rau xanh tăng từ 5.000-10.000 đồng, có loại tăng gấp 3-4 lần; do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa bão nên hải sản về chợ cũng ít, giá cả tăng cao từng ngày.

Mưa lũ kéo dài, giá rau xanh tăng cao, người bán người mua đều khó khăn - 1

Theo các tiểu thương tại các chợ Hội An, các loại củ, quả nhập từ Đà Lạt giá chỉ tăng nhẹ, riêng khổ qua và đậu cô-ve tăng từ 5-10.000/kg so với trước mưa lũ

Cụ thể: Rau răm hơn 100.000 đồng/kg, tăng từ 40-50 ngàn; xà lách 70.000 đồng/kg; rau muống 15.000-20.000 đồng/bó, bình thường 5-10 ngàn/bó; rau khoai 12.000-15.000 đồng/bó… Các bó rau cũng nhỏ hơn, có bó chỉ còn một nửa, chủ yếu là rau muống nước vì ít bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Mưa lũ kéo dài, giá rau xanh tăng cao, người bán người mua đều khó khăn - 2

Rau xanh khan hiếm, giá tăng cao sau mưa lũ, không phong phú như trước

Hải sản cụ thể: cá nục giá 80.000-90.000 đồng/kg, tăng từ 30-40 ngàn/kg; cá chim trắng giá 120.000 đồng/kg, tôm đất 250.000 đồng/kg, cá đối 200.000 đồng/kg… Các hải sản khác như mực, ghẹ… ngày thường khá nhiều nhưng nay không có.

Theo các tiểu thương tại các chợ Hội An, nguồn rau, củ, quả của Hội An được nhập chủ yếu từ Đà Lạt, một số tỉnh Tây Nguyên và phía Bắc. Tuy nhiên, riêng rau xanh các loại chủ yếu nhập từ các vùng rau Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Mưa lũ kéo dài, giá rau xanh tăng cao, người bán người mua đều khó khăn - 3

Theo quan sát của PV tại chợ Hội An trong sáng ngày 22/10, dù đã gần trưa nhưng các quầy cá của tiểu thương vẫn còn khá nhiều, giá cả tăng cao do mưa bão nên người mua cũng dè dặt chi tiêu

Mưa lớn, nước ngập, rau màu bị úng khiến nguồn cung tại các vườn rau của Quảng Nam và Quảng Ngãi gần như đứt đoạn hoàn toàn khiến giá các loại rau xanh đều tăng đột biến. Giá cả lên 40-50%, có những mặt hàng lên đến 100%.

Bà Nguyễn Thị Đông (phường Minh An, TP Hội An) cho hay, bà là nhân viên quét dọn buồng phòng khách sạn, chồng là bảo vệ, con cái cũng làm du lịch. Dịch Covid-19 đã khiến các thành viên trong gia đình mất việc, mấy tháng này chẳng có nguồn thu nào đáng kể.

Mưa lũ kéo dài, giá rau xanh tăng cao, người bán người mua đều khó khăn - 4

Người buôn bán hàng hải sản tại chợ Hội An ít hơn trước dịch Covid-19, do các nhà hàng, khách sạn đóng cửa nên các mối làm ăn bị hủy vô thời hạn, nhiều người chuyển nghề hoặc tạm dừng buôn bán

Bà cùng con gái tập tành buôn trái cây nhưng cũng thua lỗ do không quen, trái cây không biết bảo quản hư gần hết. Chồng bà cũng làm phụ hồ nhưng chẳng được bao lâu thì đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát, rồi mưa lũ khiến công việc bấp bênh…

“Công việc thì không có, đến chợ mua cái gì cũng tăng giá, trước khi đi chợ tôi phải tính xem mua gì rẻ, loại nào ít tăng giá… nói chung đau cả đầu. Hết khó khăn do dịch bệnh, giờ lại thêm mưa lũ, không biết khi nào mới ổn định”, bà Đông rầu rĩ nói.

Chị Lê Thị Vân (phường Sơn Phong, TP Hội An) chia sẻ, rau xanh khi trước luôn là thứ dễ mua vì giá rẻ, lại đầy khắp chợ nhưng giờ đây lại khan hiếm và giá khá cao. Cá các loại cũng tăng, nghe người bán bảo do ảnh hưởng bởi áp thấp và mưa bão nên lượng cá về rất ít.

Mưa lũ kéo dài, giá rau xanh tăng cao, người bán người mua đều khó khăn - 5

Các quầy thịt cũng không khá hơn, giá các loại thịt đã giảm nhẹ nhưng người mua vẫn dè dặt chi tiêu

“Hai vợ chồng đều là công nhân, tôi thì bị giảm giờ làm do ảnh hưởng dịch bệnh hàng về ít, cũng may công ty chồng tôi vẫn ổn định. Lương giảm so với trước, giờ ra chợ món gì cũng tăng giá nên phải tiết kiệm chi tiêu. Tôi thường đi chợ một lần cho 3 ngày rồi phân nhỏ nguyên liệu thành từng bữa sẽ tiết kiệm hơn, các chi tiêu không cần thiết thì cắt bỏ hết”, chị Vân nói.

Người mua dè dặt chi tiêu nên việc buôn bán của các tiểu thương chẳng khấm khá gì, thậm chí có ngày “ế ẩm” phải mang hàng về.

Dù đã hơn 10 giờ sáng nhưng hàng cá của bà Nguyễn Thị Mười (tiểu thương chợ Hội An) vẫn còn đầy. Bà Mười cho hay, từ sau làn sóng dịch Covid-19 lần 1 đã khiến công việc kinh doanh của bà đình trệ do các nhà hàng, khách sạn đóng cửa nên các đơn hàng đều bị hủy vô thời hạn. Đến làn sóng dịch Covid-19 lần 2, rồi mưa lũ vừa qua thì càng thêm lao đao.

“Người dân Hội An chủ yếu làm du lịch, do dịch Covid-19 nên hầu hết đều thất nghiệp họ phải tiết kiệm chi tiêu. Giờ lại thêm mưa lũ đẩy giá các mặt hàng lên cao, khiến họ càng đắn đo hơn. Buôn bán “ế ẩm” lắm, có ngày mời khản cổ nhưng rất ít người mua. Nhưng tôi cảm thấy mình vẫn may mắn vì còn công việc, chứ nhiều người quen của tôi họ đã thất nghiệp từ nhiều tháng nay rồi, khổ lắm”, bà Mười nói thêm.

TP Hội An có gần 70% người dân làm du lịch, sau hai làn sóng dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch tại đây càng thêm kiệt quệ. Các nhà hàng, khách sạn hầu hết đều đóng cửa hoặc chỉ duy trì số ít nhân viên làm việc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm