Mùa lá Mùng 5 ở xứ Quảng vào vụ

(Dân trí) - Cận kề ngày Tết Đoan Ngọ, người dân xứ Quảng khi đi chợ đều ghé mua một ít lá về phơi khô nấu nước uống, đây được xem như một phương thuốc dân gian và cũng là nét văn hóa của người dân địa phương.

Những ngày này, có dịp ghé các chợ ở huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP Hội An, Tam Kỳ… đều ngỡ ngàng bởi hương thơm đặc trưng của những bó lá mùng năm được bày bán.

Mùa lá Mùng 5 ở xứ Quảng vào vụ - 1

Rộn ràng chợ lá mùng 5 dịp Tết Đoan Ngọ

Những bà, những mẹ, những chị quây hàng bên các vệ đường ven chợ với đủ các loại lá. Có lá quen thuộc gần gũi mà cũng có lá phải ngược tận các vùng đồi núi hay xuôi về vùng biển mới có.

Mùa lá Mùng 5 ở xứ Quảng vào vụ - 2

Đây là các loại lá thuốc nam trong dân gian được người dân trồng sẵn trong vườn nhà hoặc tìm hái tận các huyện vùng cao Quảng Nam

Các loại lá đặc trưng thường là lá ổi sẻ, đinh lăng, vối, mã đề, lá dằn, lá chổi, cỏ bàng, rẻ quạt… đều là những loại thuốc nam được người ta trồng sẵn trong vườn nhà hoặc có khi phải lặn lội lên các huyện miền cao để tìm hái.

Theo người dân cho biết, lá này chỉ có giá trị nhất vào dịp mùng 5/5 âm lịch, quan niệm dân gian người ta mua lá này về phơi khô và gom lại đúng chính ngọ (12 giờ trưa, ngày mùng 5/5 Âm lịch), rồi để dành uống dần.

Mùa lá Mùng 5 ở xứ Quảng vào vụ - 3

Loại thấp nhất có giá từ 5 ngàn/bó, loại khó tìm hơn thì giá dao động từ 15-30 ngàn/bó

Giá các loại lá thấp nhất 5.000 đồng/bó, đối với các loại lá khó tìm thì từ 15-30.000 đồng/bó. Chị Trần Thị Lệ (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) cho biết: “Năm nay nhuần tháng 4 âm lịch nên người ta đã bắt đầu bán lá từ cách đây gần một tháng. Giá các loại lá cũng không dao động nhiều, người bán nhiều hơn người mua”.

Mùa lá Mùng 5 ở xứ Quảng vào vụ - 4

Chợ lá trước chợ Hội An cũng tấp nập người mua bán lá mùng 5

Theo nghề hái lá mùng 5 được hơn 20 năm, bà Lê Thị Liên (thôn Trà Đóa, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình) thường theo chân bạn bè đến tận các huyện vùng cao Quảng Nam như Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang hoặc ra tận khu vực đèo Hải Vân để tìm lá thuốc.

Mùa lá Mùng 5 ở xứ Quảng vào vụ - 5

Tùy mỗi loại lá mà có công dụng khác nhau, nếu không biết có thể hỏi để người bán tư vấn và giúp phối hợp

“Tôi làm nông, đến dịp mùng 5/5 hằng năm thì kiêm thêm nghề hái lá thuốc bán. Năm nay nhuần tháng 4 Âm lịch nên thời gian hái lá bán cũng thư thả hơn, mỗi chuyến có thể kiếm về khoảng vài trăm nghìn, đủ chi tiêu cuộc sống lúc nông nhàn.

Nghề này rất vất vả, đặc biệt những ngày nắng nóng phải cuốc bộ đường rừng, vừa làm vừa nghỉ và phải đi theo nhóm từ 3-5 người để hỗ trợ khi gặp sự cố. Hái riết thành quen rồi ghiền lúc nào không hay, mỗi dịp mùng 5/5 mà không đi lại nhớ”, bà Liên chia sẻ.

Mùa lá Mùng 5 ở xứ Quảng vào vụ - 6

Theo nhiều người bán, năm nay nhuần tháng 4 nên lá được bán gần cả một tháng nay, đến gần ngày mùng 5/5 thì người mua ít hơn

Cách phối các loại lá uống để điều trị nhiều loại bệnh cũng khác nhau, nếu không biết có thể nhờ người bán tư vấn.

Bà Nguyễn Thị Loan (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) theo nghề hái lá đã hơn 40 năm, từ nhỏ bà đã theo mẹ đi hái lá rồi làm riết đến giờ. Một số loại dễ trồng thì bà thu thập về trồng trong vườn, còn loại hiếm hơn thì phải lặn lội đi tìm.

Mùa lá Mùng 5 ở xứ Quảng vào vụ - 7

Đây là một nét đẹp truyền thống dân gian tại xứ Quảng được lưu truyền qua nhiều thế hệ

“Bình thường tôi rửa chén tại nhà hàng, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 phải nghỉ hơn 2 tháng nay. Để trang trải cuộc sống thì tôi cũng chuyển qua bán vé số, đợt gần đến dịp Tết Đoan Ngọ này thì làm thêm nghề hái lá, cũng có thêm đồng chi tiêu lúc khó khăn. Đối với tôi đây không chỉ là nghề mưu sinh, mà còn là cách giữ gìn nét đẹp văn hóa mỗi dịp mùng 5/5 hằng năm của xứ Quảng mình”, bà Loan chia sẻ.

Ngày Tết Đoan Ngọ tuy không thuộc ngày nghỉ lễ hằng năm nhưng dịp này, nếu ghé nhà nào, uống miếng nước, xơi chén trà mà không nghe hương thơm của chè cát, cái đăng đắng của khổ qua rừng, sự hăng nồng của tinh dầu lá vối là gia đình đó chưa ăn Mùng 5 một cách đúng nghĩa.

Công Bính-Ngô Linh