Một trường hợp dị ứng công nghệ lạ lùng

(Dân trí) - Không điện thoại di động, không máy tính, lò vi sóng, xe hơi... - cuộc sống của nữ quản lý Debbie Bird 39 tuổi ở Bowden (Anh) gần như tuyệt giao với đồ dùng công nghệ. Mỗi lần tiếp xúc sóng điện từ, da mặt cô lập tức căng lên đau đớn, còn mí mắt thì sưng phồng gấp 3, 4 lần.

Vậy là căn hộ xinh xắn của hai vợ chồng nhà Bird và cô con gái Antonia 8 tuổi ở thị trấn Bowden (thuộc Greater Manchester, Anh) không còn cách nào khác là biến thành “vùng miễn nhiễm sóng điện”: tường nhà phủ thêm lớp sơn carbon, cửa sổ treo rèm lưới phim bảo vệ, thậm chí hai vợ chồng còn phải ngủ trong màn sợi bạc để tránh lọt sóng radio.

 

 

Một trường hợp dị ứng công nghệ lạ lùng - 1
 

Da trán căng và sưng tấy khi cô Bird
tiếp xúc sóng điện từ 

“Tôi không dùng được điện thoại di động, không dám mua lò vi sóng, thậm chí còn không thể bước lên xe ôtô. Trong nhà chỉ có 1 chiếc TV màn hình phẳng, bởi TV kiểu cũ phát ra tia gamma cũng khiến tôi buồn nôn và đau đầu.

 

Thậm chí khi đi mua sắm tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi luôn phải chú ý tránh xa khu vực có băng tần Wi-Fi và những nơi trang bị nhiều thiết bị công nghệ”.

 

Cô Bird nhớ lại cảm giác đầu tiên khi phát hiện ra căn bệnh dị ứng khác thường của mình: “Tôi mất ngủ mấy đêm liền, sau đó bắt đầu dị ứng da. Cảm giác bỏng rát lan khắp mặt, trán và khuỷu tay, cứ như có ai đang hơ lửa đốt. Đôi lúc mí mắt sưng phồng lên gấp 3, 4 lần bình thường”.

 

Một trường hợp dị ứng công nghệ lạ lùng - 2

Nữ quản lý Debbie cùng chồng - anh Tony Bird, nhà văn kiêm chuyên viên tư vấn môi trường

 

Ở Anh, triệu chứng dị ứng với điện từ hiện chưa chính thức được coi là “bệnh”. Các bác sĩ cho rằng chưa có căn cứ khoa học xác đáng để khẳng định điện từ làm ảnh hưởng sức khỏe. Triệu chứng phát ban, nổi mẩn... được quy cho là do cảm cúm, virus hoặc do tâm lý. Cách giải thích này không nhận được sự đồng tình từ các nhà hoạt động môi trường.

 

Thùy Vân

Theo Daily Mail