Mong mau tới Tết dựng nêu ăn chè
(Dân trí) - Trong ký ức của tôi, của những đứa trẻ quê ngày ấy cây nêu hiện lên sừng sững, lung linh như vừa bước ra từ câu chuyện cổ tích, lý thú và đầy mê hoặc.
Nó bắt đầu từ câu chuyện kể của nội, ngày xửa ngày xưa, thuở người và quỷ còn tranh chấp đất đai, quỷ cậy thế mạnh hơn nên hà hiếp, bóc lột người thậm tệ. Trải qua nhiều phen thắng bại, cuối cùng bằng mưu trí của mình, người đã đẩy lùi được quỷ ra ngoài tận biển Đông. Nhưng trước lời van xin của quỷ hàng năm được về thăm tổ tiên trong đất một lần, người đã rộng lòng khoan dung, độ lượng chấp thuận mở cho quỷ một lối về. Từ đó cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, sau lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời dân làng tôi ai nấy đều háo hức, sửa soạn dựng nêu nhằm bảo vệ phần nội gia cư, chống lại sự xâm nhập của ác quỷ.
Trong ký ức của những đứa trẻ quê tôi, cây nêu hiện lên sừng sững, lung linh như vừa bước ra từ câu chuyện cổ tích, lý thú và đầy mê hoặc. Nhằm đúng ngày thần linh về trời, tụi con nít lẽo đẽo theo cánh người lớn ra vườn chặt tre. Cây tre ưng ý phải là những cây tươi tốt, cao chừng năm, bảy mét, ngọn cây uốn cong như hình lưỡi liềm. Vì “tre ôm tre níu” lấy nhau, lá cành đan rậm rạp nên phải vất vả lắm mọi người mới chặt được tre, lôi tre ra khỏi bụi.
Rồi nội tôi chẳng khác nào ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ khoan thai “phù phép” cho cây tre ấy biến thành một “bảo bối” linh thiêng đầy quyền uy và sức mạnh. Ông cầm con rựa sắc ngọt thoăn thoắt tỉa bay tất thảy những lá cành, rồi lần lượt cột lên ngọn cây một nắm lá dứa dại, một cái liềm và vài ba chiếc khánh đất. Những vật dụng ấy khiến chúng tôi tò mò hết sức. Nội tôi giải thích, bảo bối này là để giúp ta trừ tà ma quỷ, giữ đất, giữ nhà. Vì lũ quỷ vốn sợ lá dứa gai góc, sợ tiếng kêu leng keng của khánh đất, sợ lưỡi liềm sắc lạnh. Treo cái liềm lên ngọn cây nêu nhà nông còn muốn gửi gắm vào đó mong ước về một năm mới mưa thuận gió hòa, những vụ mùa bội thu.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi thì mọi người xúm lại, người giữ gốc, người nâng ngọn từ từ dựng nêu lên. Nội tôi tự tay kè đất đá cho cây nêu đứng vững trước sân, và không quên vốc nắm vôi bột rắc một vòng quanh chân nêu. Nội bảo với con cháu rằng, có “bảo bối” này rồi lũ quỷ sẽ không còn dám bén mảng tới đây quấy nhiễu nữa.
Cây nêu trong trí tưởng tượng của lũ trẻ bỗng hiện lên sinh động trước mắt. Với tất cả những điều tâm niệm chúng tôi trịnh trọng gọi nó là “cây thần”. Cây thần uy nghi chĩa thẳng mũi liềm về phía biển, ngụ ý nhắc nhở quỷ về xứ sở, bờ cõi. Những chiếc khánh đất đã bắt đầu đón gió, chạm vào nhau phát ra tiếng kêu leng keng, leng keng rất vui tai. Trong thời khắc nổi nêu trẻ nhỏ háo hức đã đành nhưng người lớn cũng không dấu được niềm vui. Cảm giác được che chở, an yên dâng ngập hồn người.
Ngày đó chưa có điện như bây giờ, ngày Tết cũng như ngày thường ban đêm cả một vùng quê tối như mực. Vậy là dân làng tôi nghĩ ra cách buộc vào ngọn cây một con ròng rọc, rồi canh vào lúc đêm xuống lại đổ đầy dầu vào chiếc đèn con, cho vào ròng rọc kéo lên ngọn cây nêu. Thật kỳ diệu trong tiết trời lạnh lẽo, ngọn đèn dầu vẫn thao thức lung linh, soi sáng mỗi nếp nhà, soi sáng cho hương linh ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Cứ thế suốt một thời thơ ấu, vào mỗi thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, lũ trẻ con chúng tôi lại háo hức cùng người lớn dựng nêu, cầu mong những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.
Trải qua thời gian cuộc sống mới với biết bao điều thay đổi, cây nêu bây giờ cũng đã mang một diện mạo mới rực rỡ sắc màu đèn điện. Nhưng trong tâm thức tôi mãi mãi không bao giờ quên được hình ảnh về cây nêu của một thời gian khó. Cây nêu mộc mạc, giản dị mà chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc!
Xuyến Chi