Món quà của ông chủ người nước ngoài khiến nữ giúp việc bất ngờ

Khi bà chủ chẳng may ốm nặng rồi qua đời, ông chủ đau buồn, quyết định cho các con trở về nước. Lúc về nước, người chủ này tặng lại cho nữ giúp việc toàn bộ số nội thất theo tâm nguyện của người vợ quá cố.

Có thâm niên gần 20 năm trong nghề giúp việc gia đình cho người nước ngoài, chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1979 - Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Bất cứ công việc nào cũng đều có những góc khuất, khó khăn và nhọc nhằn tuy nhiên nếu bản thân mình chăm chỉ, chịu khó vẫn có chỗ đứng vững chắc trong nghề”.

Chị Nguyễn Thị Thanh - (SN 1979) có 20 năm làm nghề giúp việc gia đình cho người nước ngoài.
Chị Nguyễn Thị Thanh - (SN 1979) có 20 năm làm nghề giúp việc gia đình cho người nước ngoài.

Nữ giúp việc cho hay, phần lớn khi đi giúp việc nhà cho người Việt, bạn sẽ phải quán xuyến nhiều việc một lúc như nấu nướng, dọn dẹp, trông trẻ… Nhưng với gia đình nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, họ sẽ thuê theo tính chất công việc.

Một nhà có thể thuê đến 3 giúp việc, mỗi giúp việc đảm đương một công việc khác nhau. Ví dụ người dọn dẹp thì chỉ tập trung dọn nhà, còn trông trẻ, nấu nướng hay chăm sóc thú cưng… đã có người khác lo.

Chủ nước ngoài thường nguyên tắc, khó tính và cẩn thận. Họ thích chọn các giúp việc có ít nhất 3 năm kinh nghiệm.

“Mặc dù sống ở Việt Nam nhưng những giúp việc gia đình như tôi phải sống trong môi trường hoàn toàn Tây hóa từ tác phong ăn nói, đi đứng đến thái độ làm việc” - chị bộc bạch.

Chị Thanh cho biết thêm, công việc dọn dẹp và nấu nướng có vẻ “dễ thở” hơn so với công việc trông trẻ hay chăm chó.

Thấy tôi ngạc nhiên, chị Thanh lý giải: “Người nước ngoài rất ưu tiên trẻ em và vật nuôi, đặc biệt là trẻ em. Tôi vừa làm bảo mẫu vừa phải làm bạn trò chuyện, đưa trẻ đi dạo, đi chơi.

Đôi khi giúp việc còn phải như vệ sĩ, trẻ đi ra ngoài hoặc đến nhà bạn chơi mình cũng phải đi theo để tránh xảy ra chuyện bất trắc với trẻ.

Khi họ trao con cho mình nghĩa là người giúp việc phải đảm bảo con họ không xảy ra chuyện gì, kể cả ốm đau. Nhiều khi mình có chăm sóc tốt đến mấy nhưng chẳng may trái gió trở trời, trẻ ốm thì mặc nhiên lỗi đó thuộc về mình”.

Nữ giúp việc sinh năm 1979 chia sẻ thêm, công việc nặng nhọc nhất mà cũng tủi thân nhất khi đi giúp việc cho người nước ngoài có lẽ phải kể đến việc… chăm chó.

Điển hình là trường hợp một người bạn chị làm giúp việc cho cặp vợ chồng người nước ngoài ở đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) 2 năm trước.

Chị kể: “Bạn tôi tên Vân (quê Nam Định), có kinh nghiệm dọn dẹp nhà cửa được 10 năm. Chị làm khá tốt, được các gia chủ rất quý. Do chồng ốm nặng nên chị xin nghỉ chăm chồng. Hơn 1 năm sau, chị mới quay lại nghề này.

Lúc đó, chủ cũ đã về nước, chị Vân nộp đơn vào nhiều trung tâm môi giới nhưng vẫn chưa được gọi. Chị buồn chán định bỏ về quê thì được người đồng hương giới thiệu đến chăm chó cho cặp vợ chồng người nước ngoài.

Ảnh: Ladysmithgazette.co.za
Ảnh: Ladysmithgazette.co.za

Chị Vân đang lúc khó khăn, cần tiền chữa bệnh cho chồng và nuôi con nên vội gật đầu đồng ý ngay. Khi đến căn biệt thự lớn, nhìn thấy 3 chú chó to lớn, phải ngang ngửa người, trông khá dữ tợn chị đã giật mình, muốn quay về vì sợ.

Nhưng nghĩ không còn công việc nào lương cao hơn nên chị đành chấp nhận ở lại làm quen và chăm sóc cho chúng.

3 chú chó này do ông bà chủ mua từ Pháp sang, chúng được "quý như vàng", nâng niu, nuôi dưỡng theo phương pháp chuẩn khoa học.

Đều đặn, mỗi ngày nữ giúp việc phải dậy từ 5 giờ sáng, đưa 3 chú chó đi tập thể dục 1 tiếng. Sau đó khi về nhà, chị Vân lấy lược chải lông, rửa chân, chải răng và chuẩn bị đồ ăn sáng cho thú cưng của chủ.

Nhiều lần, dắt chó đi dạo, chị Vân nhìn cảnh người ta chăm sóc, đưa con đi học mà chị tủi thân trào nước mắt thương 2 đứa con thơ dại ở nhà thiếu hơi ấm của mẹ.

Bữa ăn của 3 chú chó này còn được lên thực đơn riêng, đồ ăn được chế biến từ các thực phẩm như thịt bò, thịt gà tươi... và không dùng đồ thừa từ bữa trước. Bên cạnh bữa chính, chúng được ăn thêm bữa phụ là sữa chua, phô mai và xúc xích.

Mặc dù đã được chủ dặn dò cẩn thận nhưng một buổi trưa chị Vân đãng trí, lấy đồ từ bữa sáng cho chó ăn. Bà chủ vô tình xem camera an ninh, phát hiện ra sự việc.

Bà gọi chị Vân lên, chỉ trích khá gay gắt, buộc chị phải nghỉ việc và trừ nửa tháng lương theo như thỏa thuận trong hợp đồng...

Vẫn theo lời chị Thanh, ngoài ra cũng có trường hợp giúp việc không thật thà, nảy sinh lòng tham, lợi dụng sự sơ hở của chủ, ăn cắp đồ. Đến lúc bị phát hiện, chủ nước ngoài báo công an, đủ truy cứu trách nhiệm hình sự, người này phải chịu án tù vài năm.

Chị chia sẻ: “Các gia đình nước ngoài sang đây sinh sống, thuê giúp việc hầu hết là những người khá giả.

Nơi họ ở rất rộng, nhiều phòng ốc, có khi là căn biệt thự lên tới 700 mét vuông. Họ đi làm cả ngày, để chìa khóa cho giúp việc ở nhà dọn dẹp, tất nhiên việc tiếp cận phòng ngủ - nơi để đồ trang sức, kim cương giá trị lớn, tiền bạc của chủ nhân là điều dễ dàng.

Nếu ai không kìm nén được cái xấu trong con người mình, lóa mắt trước của cải rất dễ phạm tội”.

Tuy nhiên chị Thanh cũng thừa nhận, người nước ngoài rất công bằng, làm sai bị phạt nhưng nếu mình làm tốt, họ cũng sẽ có thưởng xứng đáng.

Chị Thanh tiếp tục kể về kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời đi làm giúp việc của mình cách đây nhiều năm.

“Ngày đó, tôi làm giúp việc cho cặp vợ chồng người Úc. Gia đình này có 3 con nhỏ. Họ sống trong căn biệt thự ở quận Tây Hồ. Tôi làm nhiệm vụ dọn phòng, vệ sinh nhà cửa, còn trông trẻ đã có 2 cô bảo mẫu lo”.

Chị tâm sự, hai cô bảo mẫu này là sinh viên đại học, tiếng Anh tốt nhưng kỹ năng chăm trẻ còn thiếu nên trong quá trình làm việc đôi lần cũng xảy ra sai sót, chị đều kịp thời hướng dẫn họ. Vì thế mỗi khi trẻ con cần đi ra ngoài, hai cô bảo mẫu thường nhờ chị đi cùng hỗ trợ.

Lâu dần, lũ trẻ con rất quý mến, quấn quýt với chị Thanh. Dịp lễ Giáng sinh lũ trẻ thường làm quà tặng cho chị, món quà nhỏ nhưng khiến chị thấy ấm áp vô cùng.

Ông bà chủ nghe các con kể về chị Thanh, nên cũng có nhiều thiện cảm hơn. Ngày sinh nhật, hai vợ chồng chu đáo chuẩn bị hoa và hộp bánh nhỏ chúc mừng chị.

Năm đó, bà chủ về nước thăm người thân, đột ngột ốm nặng rồi qua đời. Ông chủ đau buồn, quyết định đưa các con trở về nước.

Trước khi về, người chủ này gọi chị Thanh lại, nói sẽ tặng lại cho chị toàn bộ số nội thất đắt tiền họ đang dùng như lời cảm ơn vì đã giúp đỡ họ chăm sóc con khi còn ở Việt Nam.

“Ông ấy nói đó cũng là tâm nguyện cuối cùng của vợ nên mong tôi đồng ý”, chị Thanh nói.

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm