An Giang:

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới

(Dân trí) - Thành phố Long Xuyên vừa được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đến trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Công nhận TP Long Xuyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2018.

Giờ đây, thành phố khoác lên mình diện mạo mới, đời sống của người dân được nâng cao đáng kể. Đặc biệt, tại hai xã nông thôn mới Mỹ Khánh và xã Mỹ Hòa Hưng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới An Giang cho biết,  TP Long Xuyên được xem là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang, là đô thị cấp vùng trong hệ thống đô thị quốc gia. Thành phố Long Xuyên có 13 đơn vị hành chính gồm 11 phường và 02 xã. Trong đó, có 02 xã Mỹ Khánh và Mỹ Hòa Hưng, tổng diện tích đất tự nhiên của 02 xã là 3.077,8 ha, chiếm 26,67% diện tích của thành phố. Năm 2011, Đảng bộ và nhân dân TP Long Xuyên bắt tay vào xây dựng nông thôn mới ở xã Mỹ Hòa Hưng và xã Mỹ Khánh.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới - 1

Trung tâm học tập cộng đồng khang trang ở xã Mỹ Hòa Hưng

Đối với xã Mỹ Hòa Hưng là xã cù lao, nằm giữa dòng sông Hậu, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 3 km; diện tích tự nhiên là 2.119,32 ha, đất nông nghiệp 1.089,36 ha. Địa giới hành chính được phân thành 9 ấp, có 21.973 nhân khẩu, với tổng số 5.424 hộ. Được chọn là xã điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Còn Xã Mỹ Khánh, nằm bên bờ hữu rạch Long Xuyên – Rạch Giá, là vùng ven và cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 9 km; diện tích tự nhiên 958,48 ha; đất nông nghiệp 754,8 ha. Địa giới hành chính được phân thành 04 ấp, có 11.598 nhân khẩu, với tổng số 2.815 hộ. Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới - 2

Lãnh đạo TP Long Xuyên ban giao Khu nhà Đại đoàn kết cho người dân xã Mỹ Khánh

Về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (theo tiêu chí mới, giai đoạn 2016-2020), căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh, Thành ủy, UBND thành phố triển khai thực hiện kịp thời, rộng khắp trong hệ thống chính trị từ thành phố, cấp xã và nhân dân. Với quyết tâm chính trị cao công tác lãnh, chỉ đạo đã huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, do đó năm 2018 hai xã Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng đã đạt 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu. Với kết quả này, đã giúp TP. Long Xuyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP Châu Đốc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2017; huyện Thoại Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới 2018).

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới - 3

Ngày 20/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa  Bình thay mặt Thủ tướng Chính phủ trao bằng công nhận TP Long Xuyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới 2018

Theo số liệu thống kê, mức thu nhập bình quân ở nông thôn thành phố Long Xuyên tăng lên qua các năm. Tính đến thời điểm tháng 10, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt mức 44,291 triệu đồng, tăng gấp 3,3 lần so năm 2010. Riêng xã nông thôn mới Mỹ Hòa Hưng có mức thu nhập bình quân đầu người trên 47 triệu đồng.

Để đạt được kết quả trên, đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo tập trung vào các giải pháp nâng cao thu nhập như: cho vay các nguồn vốn ưu đãi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và tiếp cận hiệu quả các dự án, cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế tại các xã, các ngành nghề phi nông nghiệp ở các xã phát triển khá đã góp phần tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập, góp phần làm cho đời sống người dân tại các xã ngày càng được cải thiện.

Những mô hình sản xuất hiệu quả...

 Theo báo cáo về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới TP Long Xuyên, cho thấy mô hình phát triển sản xuất tiêu biểu trên địa bàn 02 xã Mỹ Hòa Hưng, xã Mỹ Khánh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới - 4

Nông trại Phan Nam đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Mỹ Khánh

Cụ thể, mô hình nông trại sinh thái tại xã Mỹ Khánh, nông trại nông sản an toàn của Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Phan Nam (Công ty Phan Nam). Mô hình được thực hiện trên tổng diện tích khoảng 4 ha, hiện đã khai thác trồng được 2 ha, gồm 2 nhà màng trồng cà chua bi (500 m2/nhà màng), 3 nhà màng trồng dưa lưới (1.500 m2), 5.000 m2 trồng ổi Nữ Hoàng, 400 m2 hoa kiểng, 400 m2 rau ăn lá,... cùng các loại cây ăn trái như mít, dừa, cây astiso đỏ (cây bụt giấm),...

Các loại cây trồng sử dụng giống thuần chủng trong nước hoặc nhập từ nước ngoài; Quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn sạch, an toàn thực phẩm (Diện tích chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP 0,696 ha).

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới - 5

Công ty không chỉ sản xuất rau an toàn mà còn kết hợp làm du lịch sinh thái

Đặc biệt, Công ty thực hiện mô hình du lịch sinh thái học đường, bình quân mỗi tháng có khoảng 1.000 – 2.000 lượt khách đăng ký vào trải nghiệm. Hàng năm, tổng doanh thu ước trên 1.000 triệu đồng, trừ các chi phí lợi nhuận của mô hình ước đạt 300 - 400 triệu đồng, bên cạnh đó mô hình còn giúp giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương.

Cũng tại xã Mỹ Khánh, mô hình trồng dâu tằm kết hợp du lịch sinh thái được xem là bước đi tiên phong trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái theo chủ tương của tỉnh và TP Long Xuyên.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới - 6

Mô hình trồng dâu tầm Đà Lạt của ông Hai Thuận

Từ một vài nông dân ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng dâu tằm kết hợp du lịch sinh thái. Đến nay, có khoảng 15 hộ, diện tích khoảng 1,5 ha (trên 2.000 gốc dâu tằm).

Tiên phong là mô hình trồng dâu tằm của ông Nguyễn Văn Thuận, ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh, diện tích 5.500 m2. Bằng biện pháp cải tạo vườn tạp, áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm, kỹ thuật xử lý cho cây dâu ra trái cả 3 vụ trong năm.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới - 7

Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững đã giúp nông dân nâng cao thu nhập đáng kể

Ngoài việc bán trái dâu tươi, ông còn kết hợp với mô hình du lịch sinh thái, phục vụ ăn uống tại chỗ, hái dâu ăn miễn phí và bán sản phẩm tự chế biến từ rượu dâu, mật dâu, nước cốt dâu, mứt dâu,...

Có thể nói mô hình của ông thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch.  Hàng năm, doanh thu khoảng 350 triệu đồng, lợi nhuận thu được trên 200 triệu đồng/năm (cao gấp 4 – 5 lần so trồng lúa), giúp giải quyết việc làm cho khoảng trên 20 người tại địa phương. 

Còn tại xã Mỹ Hoa Hưng, mô hình chuỗi liên kết trồng rau màu an toàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2012, sau khi nông dân Mỹ Hòa Hưng tiếp nhận Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap tại thành phố Long Xuyên” và vận động nông dân thành lập “Tổ liên kết hợp tác trồng rau an toàn” ở ấp Mỹ An 2, đã góp phần đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, đồng thời làm thay đổi tập quán canh tác trồng rau của người nông dân trên đất cù lao Ông Hổ.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới - 8

Tất cả các mô hình nông nghiệp, được người dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm

Hiện nay, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ấp Mỹ An 2 đã được nâng lên thành HTX nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng có 54 thành viên, trong đó sản xuất rau an toàn là 26 thành viên, với tổng diện tích 12,69 ha (trong đó được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn là 7,69 ha).

Mô hình mang lại thu nhập ổn định cho nông dân và mang lại giá trị lợi nhuận cao hơn trồng rau bình thường. Bên cạnh đó, để mở rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, HTX nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng đã được hình thành và đang tổ chức lại sản xuất để liên kết với Công ty TNHH MTV Phước Nông các sản phẩm như ớt, ngò gai, mồng tơi. Đơn vị còn liên kết, bao tiêu sản phẩm giữa tổ hợp tác với Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn – An Giang, cung cấp rau cho siêu thị CoopMart, chợ Mỹ Bình... 

Tại xã Mỹ Hòa Hưng mô hình du lịch Homestay không ngừng được nhân rộng và phát triển, vì thế từ một vài hộ dân làm du lịch Homestay nay nâng lên Tổ du lịch nông nghiệp xã Mỹ Hòa Hưng có 9 thành viên, trong đó có 5 hộ làm du lịch Homestay, 2 hộ làm quán sinh thái và 2 hộ làm dịch vụ dã ngoại. Mỗi năm, các thành viên trong tổ đón tiếp trên 2.000 lượt du khách tham quan, trong đó có 80% là du khách nước ngoài.

Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương đạt chuẩn nông thôn mới - 9

Gần đây, các mô hình du lịch Homestay cũng đang phát triển đúng hướng, giúp những người dân có thêm thu nhập

Như mô hình du lịch của ông Trần Phước Nguyên (ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) với tổng diện tích trên 7.000m2. Để tạo cảnh quan, thu hút khách đến tham quan, du lịch, phía trước nhà ông Nguyên trồng 770 gốc hoa lan, cây cảnh; chính giữa là nhà ở và phòng phục vụ khách ở qua đêm được trang trí đẹp mắt.

Phía sau thả trên 50 con gà; trồng bưởi da xanh, đậu bắp, vườn rau sạch, sử dụng hệ thống tưới tự động và thả thêm cá để đáp ứng "thú vui" câu cá của du khách, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên, vừa đa dạng hóa các món ăn, cũng như có nông sản sạch phục vụ du khách.

Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập từ việc tiêu thụ hoa lan cho thị trường bên ngoài. Hoạt động du lịch nghỉ dưỡng homestay ngày càng thu hút khách du lịch nước ngoài đến với Mỹ Hòa Hưng đông hơn.

Nguyễn Hành