Manh chiếu tưởng tượng chốn sân đình

Năm 2009, một dự thảo xử phạt của Bộ Y tế khiến dư luận “cười không khép được miệng”. Theo đó, “có lời nói hoặc hành động” xúc phạm người sinh con một bề sẽ bị phạt tiền tới 1 triệu đồng.

Ồ, chả nhẽ lại phải nuôi một lực lượng cảnh sát văn hóa tay lăm lăm máy ghi âm, camera ghi hình để khỏi “lời nói gió bay”. Không có lẽ lại lập một danh mục những từ ngữ “nhạy cảm” hay cấm cả thơ ca hò vè dân gian, kiểu “Nhà cao cửa rộng con rể ở. Sơn hào hải vị cháu ngoại xơi”.

Chuyện trêu đùa, đôi khi ác ý, gây tổn thương và tạo thành định kiến xã hội là có đấy. Nhưng 5-6 năm qua, chẳng ai bị phạt khi sự ngớ ngẩn chết từ trong trứng nước. Còn bởi, phạt chuyện trêu đùa khác gì treo chuông cổ mèo. Bởi suy cho cùng, những hành vi xã hội, xuất phát từ định kiến xã hội, phải được điều chỉnh bằng chính quy phạm đạo đức xã hội chứ không phải cứ “đè ra phạt” mà xong.

5-6 năm qua, chuyện trêu chọc, dù là nơi bạn bè thân tình trà dư tửu hậu hay mâm cỗ, sân đình chốn thôn quê còn nặng chuyện “nhất nam viết hữu…”, cũng nhạt dần theo thời gian. Cuộc sống có sự thăng bằng của riêng nó. Anh là ai. Con cái phương trưởng thế nào là trọng, chứ không phải là cái chỗ ngồi tưởng tượng - dẫu là “oai như cóc” - trong manh chiếu sân đình!

Trở lại với chuyện chính sách. Một người bạn tôi - nói vui là “Chủ nhiệm HTX Toàn Vịt" - năm ấy có lần tâm sự anh cứ thấy “bực bực thế nào í”. Bực. Là chính sách xử phạt hành vi trêu ghẹo, thoạt nhìn tưởng là tốt đẹp, là bảo vệ những nạn nhân của định kiến, là ngăn chặn tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị… nhưng thật ra, lại chứa trong chính nó sự kỳ thị, định kiến mà đáng lẽ việc xóa bỏ phải là công việc của thời gian cũng như trình độ dân trí.

Tôi nhớ lại sự nhầm vai của chính sách khi hôm qua hay tin, lại vẫn là Bộ Y tế, lại vẫn nhăm nhăm chuyện sinh con một bề, cho dù lần này là chuyện “thưởng tiền” cho những người sinh con toàn là gái. Bạn tôi, chính anh "Toàn Vịt" ấy, sáng nay bảo: Sao người ta lại ghép chuyện đẻ con - thưởng tiền và nhân văn lại với nhau được nhỉ! Lại chép miệng: Hình như không đề xuất chính sách, người ta sợ dân nghĩ suốt ngày ngồi máy lạnh đút chân gậm bàn hay sao í.

Anh "Toàn Vịt" mỗi sáng cuối tuần giờ đây nhàn tản cho 2 “con bé” đi chơi. Thích thú nhìn theo đôi bím tóc, tà váy hoa chạy nhảy. Đôi khi, anh mỉm cười rất chi là… cảnh giới hư vô.

Cái cảnh giới ấy, là việc anh nhìn thấy vẻ đẹp thiên thần của những đứa trẻ gọi mình bằng bố; mỉm cười độ lượng hay bỏ quách ngoài tai lời vui đùa, sự ác ý. Cái cảnh giới ấy, có được từ học thức, tạo nên bởi thời gian, khiến định kiến xã hội thay đổi chứ không từ những chính sách đi từ cực đoan này sang cực đoan khác.


5-6 năm qua, chuyện trêu chọc, dù là nơi bạn bè thân tình trà dư tửu hậu hay mâm cỗ, sân đình chốn thôn quê còn nặng chuyện “nhất nam viết hữu…”, cũng nhạt dần theo thời gian (hình minh họa).

5-6 năm qua, chuyện trêu chọc, dù là nơi bạn bè thân tình trà dư tửu hậu hay mâm cỗ, sân đình chốn thôn quê còn nặng chuyện “nhất nam viết hữu…”, cũng nhạt dần theo thời gian (hình minh họa).

Theo Lao động