Cà Mau:

“Mần một công lúa sắm một chỉ vàng vẫn dư”

(Dân trí) - Được mệnh danh là “Cà Mau thu nhỏ”, huyện Trần Văn Thời có các thế mạnh kinh tế của vùng đất tận cùng Tổ quốc. Nổi bật vẫn là khoảng 27.000 ha đất trồng lúa 2 vụ, mang lại hiệu quả và thu nhập ổn định cho người dân ngay trên vùng đất phèn mặn.

Bước chuyển mình

Trước năm 1990, kinh tế nông nghiệp chủ yếu của người dân huyện Trần Văn Thời là làm một vụ lúa mùa/năm. Vùng đất giàu phèn làm năng suất lúa không có, người dân phải lo ăn từng bữa. Vậy mà đến nay, nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu, bộ mặt nông thôn và kinh tế của người nông dân nơi đây đang đổi thay từng ngày, bằng chính cây lúa.

Xã Khánh Bình Tây Bắc nằm trong vùng đệm của Rừng U Minh Hạ. Địa phương này nổi tiếng là vùng đất khó sống. Sau chiến tranh, đây vẫn là vùng đất hoang sơ, những hộ gia đình ở đây đều tay trắng, vào khai hoang, cải tạo đất lập nghiệp. Theo lời kể của những lão nông địa phương, trước đây làm lúa khổ trăm bề. Đất thì rộng thẳng cánh cò bay, cá đồng thì chen chúc nhau sống dưới đồng ruộng, tuy nhiên cây lúa trên vùng đất lung trũng này không hiệu quả.

Trên đường từ trung tâm xã Khánh Bình Tây Bắc đến ấp 1, không khó để nhận ra sự đổi thay của nông thôn. Những tuyến lộ liên xã đã được rải nhựa bóng láng, đường liên ấp cũng đã được bê tông hóa, đi lại rất thuận tiện. Đời sống người dân khấm khá trông thấy. Những ngôi nhà tường khang trang trải dài trên tuyến đường bê tông kênh 84, những căn biệt thư mini cũng không thiếu. Đất đai của bà con ở đây ai cũng vài ha, nhờ áp dụng thêm tiến bộ kỹ thuật, trồng giống lúa cao sản,… nông dân làm lúa vài năm có thể xây nhà tường.

Ông Tất đang nói về con đường phát triển của cây lúa ở quê hương mình.
Ông Tất đang nói về con đường phát triển của cây lúa ở quê hương mình.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Tất (một cụ nông địa phương), mốc đánh dấu sự đổi thay đời sống của người trồng lúa vào năm 1990. Lúc này, người dân của huyện Trần Văn Thời đã chuyển qua làm lúa hai vụ. Bà con xã Khánh Bình Tây Bắc cũng thực hiện chuyển, mỗi vụ cũng kiếm được 15 – 16 dạ/công (1 dạ bằng 20kg). “Đến nay người nào làm lúa 40 dạ/công là bình thường. Bây giờ cơ giới hóa hết rồi, ngay cả xịt thuốc người ta cũng làm máy. Ngay cả khâu bán lúa cũng chẳng phải lo, có người bao tiêu đến tận nhà mua”, ông Tất hồ hởi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Ấu- Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Đồng Thuận cho biết: Chúng tôi làm giống cao sản ST20, lúa vụ 2 vừa qua (vụ Thu Đông năm 2014), năng suất lúa tăng mạnh đạt khoảng 800 kg/công, cao hơn bên ngoài ngần 100 kg/công. Bà con trong tổ, ai cũng phấn khởi. Tổng thu mỗi công chúng tôi đạt gần 5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn khoảng 3,7 triệu đồng/công. Mần mỗi công lúa sắm một chỉ vàng vẫn dư”, ông Ấu nói.

Gia đình ông Ấu có hơn 56 công đất, vụ Thu Đông vừa qua, đạt năng suất 820 kg/công. Tính chi ly ra mỗi công ông có lời gần 4 triệu đồng. Sau vụ lúa, gia đình ông đi sắm 4 cây vàng, vẫn chưa hết tiền. Theo ông Ấu, làm lúa bây giờ sướng lắm, không còn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học và phát triển kinh tế hợp tác, năng suất lúa của nông dân không những tăng, còn giảm được cả chi phí.

Phát triển kinh tế hợp tác

Ông Sử Văn Minh- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời- thông tin: Hiện trên địa bàn có 163 tổ hợp tác và 5 HTX đang làm ăn có hiệu quả trong trồng lúa 2 vụ. Người dân vào làm trong tổ hợp tác và HTX, năng suất lúa cao hơn bên ngoài trung bình từ 0,5 – 0,7 tấn/ha, chi phí thấp hơn 1 triệu đồng/ha. “Hướng tới sẽ chọn phát triển kinh tế theo hình thức này để tăng hiệu quả. Bà con làm lúa bây giờ mà dưới 6,5 tấn/ha là người ta buồn dữ lắm”, ông Minh nói.

Nông dân huyện Trần Văn Thời làm ăn hiệu quả nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Nông dân huyện Trần Văn Thời làm ăn hiệu quả nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ông Lưu Minh Nhựt- Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời- cho biết: Để giữ vùng trồng lúa và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, huyện đã kết hợp với các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Khép kín và nâng cấp hệ thống thủy lợi; Hỗ trợ kỹ thuật cho bà con; Tập trung đưa cơ giới hóa vào sản xuất,...“Đặc biệt, chúng tôi đang chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế hợp tác, nhằm giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân nói chung và người trồng lúa nói riêng”, ông Nhựt nói.

Nhờ những hỗ trợ, tạo điều kiện để người nông dân tiến bước, thu nhập bình quân của người nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời không ngừng tăng. Năm 2010, mới chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm, năm 2014 tăng lên 23,6 triệu đồng/người/năm và đến nay đã đạt 27,5 triệu đồng/người/năm.

Khánh Hưng