Lừa tiền tỷ qua Facebook, Skype…

Một nhóm người Nigeria sống ở Malaysia, Campuchia câu kết với người Việt Nam dùng Facebook, Outlok, Zalo, Skype… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân ở Đồng Nai. Sau khi các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng yêu cầu, nhóm lừa đảo đến các cây ATM ở Malaysia, Campuchia rút tiền.

 


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tháng 4, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy được một người xưng tên là Eric Town Send (SN1962)  quốc tịch Mỹ làm quen trên mạng Skype. Sau đó hai người trao đổi qua email. Eric xưng là đại tá quân đội Mỹ đang ở chiến trường Afghanistan. Sau thời gian ngắn làm quen, Eric hứa về Việt Nam kết hôn với bà Thúy và gửi về Việt Nam một thùng hàng trong đó có 1,8 triệu USD và một số giấy tờ phục vụ trong quân đội.

Những ngày sau đó bà Thúy liên tục nhận được email của một người xưng là Steven nói là người chuyển thùng hàng cho ông Eric về Việt Nam nhưng bị hải quan, công an đòi hối lộ. Tưởng thật, từ ngày 4/5/2015 đến ngày 14/6/2015, bà Thúy đã nhiều lần chuyển số tiền gần 2,5 tỷ đồng vào 6 tài khoản do đối tượng yêu cầu là Hồ Thị Dung, Dương Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Liên, Thạch Thị Trắng, On Chakriya, Hồ Thị Thùy Linh. Sau khi xác định bị lừa mất tiền, bà Thúy đã báo cơ quan điều tra.

Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đồng Nai xác định đến thời điểm bà Thúy tố cáo, có 162 bị hại ở các tỉnh thành trên cả nước chuyển tiền vào 6 tài khoản nói trên với số tiền trên 9 tỷ đồng. Trong 6 đối tượng đứng tên tài khoản có đối tượng làm quen với người nước ngoài trên mạng nhằm trau dồi tiếng Anh, sau đó bị tội phạm lợi dụng mở tài khoản, visa và gửi bằng đường bưu điện qua Malaysia, Campuchia cho đối tượng sử dụng để lừa đảo các bị hại khác. Có đối tượng cầm cố chứng minh nhân dân sau đó bị thất lạc và bị đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân đó để mở tài khoản sử dụng vào mục đích lừa đảo…

Tháng 8/2014, bà N.T.H (ngụ phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) kết bạn với một người xưng tên Stan Billy, quốc tịch Anh trên Facebook. Sau một thời gian làm quen, Stan Billy đã xin địa chỉ và số điện thoại của bà H. để liên lạc. Sau đó, Stan Billy thông báo cho bà H. biết đã gửi tặng bà một bưu kiện hàng hóa kèm theo 40 ngàn USD. Để bà H. tin tưởng người này còn gửi cả đơn xác nhận chuyển hàng và địa chỉ trang web của “đơn vị chuyển phát hàng hóa”.  Bà H. đã đăng nhập vào trang web này thì thấy đầy đủ thông tin của người gửi và người nhận bưu kiện.

Theo thông tin thì gói quà của Stan Billy sẽ gửi đến bà H. vào ngày 22/9/2014. Gần đến ngày nhận quà, bà H. nhận được điện thoại thông báo gói hàng gửi cho bà đã bị hải quan Malaysia giữ lại vì bên trong có nhiều tiền mặt. Để hàng được chuyển đi đúng địa chỉ, người nhận phải nộp phạt 1 ngàn USD cho Cty chuyển phát. Đăng nhập vào trang web của  công ty này, bà H. thấy toàn bộ nội dung vụ việc là chính xác.

Trang web này còn hướng dẫn bà H. nộp tiền phạt vào tài khoản (mang tên Lê Văn Quận) ở một ngân hàng thuộc tỉnh Vĩnh Long. Thấy những thông tin phù hợp, bà H. đã chuyển vào tài khoản của ông Quận hơn 21 triệu đồng. 3 ngày sau, bà H. nhận được cuộc gọi từ nước ngoài thông báo phải đóng phí “bảo hiểm bưu kiện”  3,2 ngàn USD. Nạp đủ số tiền này, bà H. lại nhận được điện thoại xưng là nhân viên hải quan Malaysia yêu cầu phải nộp 4,5 ngàn USD  “phí chống rửa tiền”.

Sau khi nộp 4,5 ngàn USD theo yêu cầu, bà H. nhận được tin nhắn của Stan Billy thông báo gói bưu kiện đã đến Việt Nam và chỉ chờ nhận quà. Ngày 1/10/2014, bà H. được một người xưng là nhân viên chuyển phát ở Việt Nam gọi điện yêu cầu đóng 10% “phí gửi tiền không đúng cách”. Qua tài khoản của ông Quận, bà H. tiếp tục chuyển vào 85 triệu đồng.

Một ngày sau, bà H. lên Facebook hỏi thì Stan Billy cho biết đã gửi 160 ngàn USD. Nhân viên chuyển phát yêu cầu bà H. phải đóng đủ 10% của 160 ngàn USD chứ không phải 40 ngàn USD như thông tin ban đầu, tức là phải đóng thêm 12 ngàn USD. Bà H. nạp thêm 12 ngàn USD. Tuy nhiên, sau khi lần lượt chuyển tiền theo yêu cầu, “gói quà 160 ngàn USD” vẫn không đến tay bà H.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định, từ 23/9 đến 28/10/2014, bà H. đã nhiều lần chuyển vào tài khoản của Lê Văn Quận và Lê Thị Bé tổng số tiền hơn 738 triệu đồng. Xác minh người đứng tên các tài khoản này, công an xác định ông Quận có con gái tên Lê Thị Bé (27 tuổi), hiện xuất khẩu lao động tại Malaysia. Tháng 5/2014, Bé có gọi điện nhờ ông Quận mở tài khoản VISA để giao dịch quốc tế. Sau khi mở tài khoản, ông Quận đã gửi thẻ VISA cho Bé sử dụng. Tháng 10/2014, Bé về nước và đưa ông Quận đến ngân hàng rút 80 triệu đồng. Bé còn dùng thẻ VISA của ông Quận rút hơn 444 triệu đồng.

Xác minh tại ngân hàng cho thấy, ngoài số tiền hơn 738 triệu đồng do bà H. chuyển đến, còn nhiều người khác đã chuyển đến tài khoản của ông Quận hơn 500 triệu đồng, tài khoản của Bé hơn 523 triệu đồng. Làm việc với cơ quan công an, ông Quận khai không rút các khoản tiền đó. Riêng Lê Thị Bé hiện đã xuất cảnh, gia đình cũng không xác định được địa chỉ cụ thể ở nước ngoài. 

Thượng tá Phan Trọng Lộc, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Đồng Nai khuyến cáo, người dân khi sử dụng các mạng xã hội phải chặn tin nhắn từ người lạ, trước khi chuyển tiền phải xác minh đối tác, người thân bằng điện thoại; không đưa tài khoản của mình cho người khác sử dụng; nếu không có giấy mời, giấy triệu tập từ cơ quan điều tra thì không tin vào các cuộc gọi điện thoại.

Theo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm