Long An: Biệt thự 2.000m2 ở hướng Tây vẫn "siêu mát" nhờ 3 lớp chống nóng
(Dân trí) - Công trình nằm ở hướng Tây nên kiến trúc sư đã sử dụng 3 tầng lọc nhiệt độ, từ mảng xanh, nước đến hình khối kiến trúc, giúp ngôi nhà mát mẻ tự nhiên, không cần quá nhiều thiết bị làm mát nhân tạo.
Tọa lạc giữa một quỹ đất rộng hơn 2.000m2 ở vùng ngoại ô của thành phố Long An, căn biệt thự hiện là chốn đi về của gia đình nhỏ gồm 5 thành viên (bố mẹ cùng 3 cậu con trai).
Với diện tích đất rộng thoáng, ban đầu gia chủ muốn xây dựng thành 3 khối công trình. Tuy nhiên, kiến trúc sư Phạm Thị Mỹ An nhận định, nếu làm như vậy sẽ không còn nhiều cây xanh, đồng thời tính thư giãn của ngôi nhà giảm xuống.
Sau đó, kiến trúc sư đã thuyết phục gia chủ đưa toàn bộ công năng gom vào một khối. Phần diện tích còn lại nhường chỗ cho cây xanh. Biệt thự bao gồm 2 tầng. Trong đó, diện tích tầng một là 676,8m2, còn diện tích tầng 2 là 535,8m2.
Sở thích của gia chủ muốn thiết kế một công trình hiện đại. Nhưng do nằm ở khu vực ngoại thành nên việc xây dựng khối bê tông cứng sẽ vô tình khiến ngôi nhà bị "lạc quẻ" so với cảnh quan xung quanh.
Nhằm giải quyết "bài toán" này, kiến trúc sư Phạm Thị Mỹ An cùng nhóm cộng sự MM++ Architects tạo ra một "mảng xanh" hợp lý. Để tăng tính hiệu quả, khối nhà được xây lùi vào trong một khoảng lùi vừa đủ, kết hợp với cây xanh bao phủ từ khu vực bên ngoài tới bên trong công trình. Qua đó, cảnh quan tới biệt thự như hòa làm một, thêm tính đồng điệu giữa tổng thể chung.
Do công trình nằm ở hướng Tây nên việc tìm kiếm giải pháp chống nóng là điều rất cần thiết. Để mang lại sự thông thoáng, giảm bớt nhiệt độ, nhóm kiến trúc sư đã sử dụng "3 tầng lọc", gồm mảng xanh, nước và hình khối kiến trúc.
Mảng xanh chính là hệ cây xanh bao phủ toàn bộ ở những khu vực mở của công trình. Tiếp đó là hồ nước kết hợp hồ bơi. Phần mái hiên mở rộng giúp biệt thự "hạ nhiệt". 3 lớp lọc này hỗ trợ nhau trong quá trình truyền nhiệt, giúp nhiệt độ giảm đáng kể. Nhờ đó, dù nằm ở hướng Tây nhưng biệt thự không cần quá nhiều thiết bị làm mát nhân tạo.
Với những công trình hiện đại thông thường sẽ dùng rất nhiều hệ cửa kính lớn. Nhưng nhờ 3 tầng lọc nhiệt độ này, kính sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, dẫn tới việc hạn chế hấp thụ lượng nhiệt lớn từ môi trường bên ngoài.
Theo ý của 3 cậu con trai trong nhà muốn có không gian riêng tư nhưng vẫn đảm bảo tính kết nối với gia đình, từ yêu cầu này, ý tưởng về cầu thang xoắn ốc bên ngoài đã hình thành.
Từ bên ngoài, chiếc cầu thang màu cam rực rỡ đặt bên hông ngôi nhà trở thành điểm nhấn đặc biệt. Cầu thang như dải lụa mềm mại, kết nối hai khu vực công năng, giúp cân bằng những đường nét kiến trúc cứng cáp.
Kiến trúc sư Mỹ An cho rằng, nếu tại khu vực này chỉ lựa chọn loại cầu thang có kết cấu bình thường sẽ không thể nâng tính thẩm mỹ toàn bộ công trình. Nhờ "điểm nút giao thông" đặt lộ thiên nên công trình có nét riêng biệt, không bị pha trộn với bất cứ biệt thự nào khác.
Đi sâu vào trong nhà, các khoảng không gian được bố trí đặc biệt. Do yêu cầu từ phía gia chủ, phòng ngủ được đặt ở ngay giữa khu vực chuyển giao giữa phòng khách và phòng ăn.
Nhằm đảm bảo tính riêng tư, những mảng xanh lại tiếp tục phát huy tính hiệu quả. Cây cối đặt trong nhà hỗ trợ che lấp khối công năng, đồng thời làm khoảng chuyển giao trở nên mềm mại, không bị khô cứng.
Hơn cả một "chốn bình yên" cho gia đình 5 thành viên, biệt thự như một không gian nghỉ dưỡng, mang tới cuộc sống "đầy tính thụ hưởng". Nhờ không gian xanh, công trình được nâng tầm giá trị, tạo ra giây phút kết nối giữa các thành viên.
Công trình đi vào sử dụng sau 12 tháng thi công. Tổng chi phí thiết kế, thi công, không được tiết lộ.
Ảnh: MM++ Architects