Hà Tĩnh:
Loài cây đưa người dân vùng biên thoát nghèo vẫn ổn định trong dịch
(Dân trí) - Là loài cây chủ lực, giúp hàng trăm hộ dân huyện biên giới Hương Sơn (Hà Tĩnh) thoát nghèo. Trong bối cảnh của dịch bệnh, cây chè vẫn đảm bảo mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều nơi sản xuất đình trệ, nhiều người lao động giảm thu nhập, thất nghiệp. Nhiều mô hình kinh tế nỗ lực để cầm cự hoặc bắt buộc phải giải thể.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại vùng kinh tế trồng chè ở xã biên giới Sơn Tây (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn diễn ra với nhịp độ đều đặn.
Phủ đồi hoang hóa, đưa người dân vùng biên thoát nghèo
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng kinh tế trù phú, anh Hoàng Thế Lộc, Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) giới thiệu: "Năm 2003, Tổng đội được thành lập với mục đích khai thác tiềm năng khu vực miền núi để phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biên giới quốc gia".
Sau gần 20 năm thành lập, Tổng đội đã biến nơi đây từ một vùng đất hoang vu, hẻo lánh, xung quanh được bao bọc bởi núi rừng giờ đây được thay thế một màu áo mới.
"Trước đây cây chè không được chú trọng phát triển vì nó được thu mua với giá thấp. Sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng cũng như điều kiện khí hậu, thấy việc trồng chè ở đây rất phù hợp nên Tổng đội đã quyết định đưa cây chè làm cây phát triển chủ lực", anh Hoàng Thế Lộc cho biết.
Từ việc phải đi đầu trồng những cây chè, rồi đến những vùng đất cát người dân không thể trồng được thì Tổng đội TNXP đã tiên phong thử nghiệm trước, để bà con thấy được hiệu quả và thực hiện theo.
Đến năm 2006, Tổng đội TNXP quy hoạch, giao hẳn đất cho các hộ thanh niên khai thác. Bình quân mỗi hộ được giao từ một đến 2 ha đất nông nghiệp, 5-10 ha đất trồng rừng.
Tổng đội TNXP cũng hỗ trợ giống, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Từ đó, diện mạo của làng thanh niên lập nghiệp khác hẳn, đồi núi như được "thức dậy", sinh sôi nảy nở, nhà cửa khang trang mọc lên. Các hộ không chỉ trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng cao su, trồng chè nguyên liệu mà còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tổng đội TNXP cũng đã xây dựng nhà máy chế biến chè công suất từ 3 tấn lên 30 tấn/ngày, với công nghệ hiện đại cơ bản là tự động hóa đã nâng cao chất lượng sản phẩm. Với công suất lớn, việc thu mua nguyên liệu của người dân được đảm bảo.
Theo anh Hoàng Thế Lộc, Tổng đội TNXP hiện tại có 228 hộ, trong đó có 175 hộ trồng chè trên diện tích 174 ha, tổng sản lượng chè đạt được 1.400-1.500 tấn/năm. Thu nhập bình quân mỗi hộ 175 triệu đồng/năm, riêng chè 90 triệu đồng/năm. Bình quân mỗi năm diện tích trồng chè tăng lên từ 5-10 ha. Ở đây chè không chỉ là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, mà là một trong các vùng nguyên liệu chè lớn của tỉnh Hà Tĩnh.
Ổn định trong mùa dịch
Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên cả nước nên việc kinh doanh, sản xuất của nhiều địa phương cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Thời điểm này, bà con nông dân của hai xã Sơn Kim 2 và Sơn Tây (huyện Hương Sơn) đang vào vụ thu hái chè chính trong năm với sản lượng thu hoạch lớn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hợi trồng chè nguyên liệu ở Sơn Kim 2 đã hơn 10 năm nay. Nhờ mỗi năm thu về hàng chục tấn chè, cuộc sống của gia đình bà cũng phần nào vơi bớt khó khăn.
Theo bà, trước đây chè hái về được Xí nghiệp chè Tây Sơn thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chè xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng nên giá cả cũng có thấp hơn để chia sẻ một phần khó khăn với doanh nghiệp.
"Dù giá có thấp hơn một chút, nhưng vẫn bán được nên những người trồng chè luôn phấn khởi sản xuất", bà Nguyễn Thị Hợi cho biết.
Anh Hoàng Thế Lộc cho hay: "Trước ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên thị trường chè xuất khẩu cơ bản đóng băng khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến đơn vị phải nợ tiền chè của bà con nông dân. Sau khi liên kết được thuận lợi, khôi phục lại được sản xuất nên dù dịch bệnh đang phức tạp, chè của đơn vị vẫn xuất khẩu bình thường, không ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con".
Còn theo ông Nguyễn Hồng Sánh, Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn, tình hình dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp mà các ngành khác như dịch vụ, công nghiệp,… cho nên ngành chè ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
"Để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, bà con nông dân thống nhất bớt mỗi một kg chè 500 đồng. Chúng tôi cũng cố gắng để bà con thu hái được bao nhiêu thì thu mua bấy nhiêu, để không làm ảnh hưởng đến người nông dân", ông Nguyễn Hồng Sánh nói thêm.