Đắk Nông:

Lão nông bỏ tiền túi xây cầu, nối đôi bờ sông

(Dân trí) - Hơn 10 năm sử dụng chiếc cầu gỗ mục nát, chứng kiến bao nhiêu người đang đi trên cầu té ngã xuống dòng nước sâu nên ông Hùng quyết tâm bỏ hơn 350 triệu để làm một chiếc cầu bê tông kiên cố, vững chắc phục vụ gia đình và mọi người.

Đắk Nông bước vào mùa mưa, những cơn mưa xối xả tạo thành những dòng nước chảy dữ dội, cuồn cuộn dưới chân cầu. Nếu như mùa mưa nhưng năm trước, người dân thôn 11 (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) còn phải đứng chôn chân trên bờ thì năm nay, nhờ chiếc cầu bê tông vững chãi, khánh thành cách đây chưa lâu, họ đã yên tâm đi lại. Cây cầu nối liền hai bờ sông ấy được nông dân Hoàng Quốc Hùng (SN 1966) tự bỏ tiền túi ra xây dựng.

“Ngày trước, vào mùa mưa, nước ở bên dưới cứ chảy cuồn cuộn, bên trên thì chiếc cầu rung lên bần bật mỗi khi có xe máy chạy qua. Những tấm ván đã cũ mục, hai bên lại không có rào chắn nên người dân đi qua đây rất nguy hiểm. Nhưng từ ngày có chiếc cầu mới, bất kể mưa hay nắng, không ai phải xuống xe dắt bộ qua cầu nữa, cũng không còn cảnh cả người và xe ngã nhào xuống dòng nước chảy xiết, người dân chúng tôi sung sướng lắm”, ông Bùi Văn Chuân, hàng xóm của ông Hùng chia sẻ trên đường dẫn chúng tôi tới nhà ông Hùng.

 Vợ chồng ông Hùng đi trên chiếc cầu do chính mình đầu tư, xây dựng
Vợ chồng ông Hùng đi trên chiếc cầu do chính mình đầu tư, xây dựng

Từ Quốc lộ 14, chúng tôi men theo con đường đất đỏ, trơn trượt dẫn vào nhà ông Hùng. Nằm lọt thỏm giữa những đám cà phê, hồ tiêu là căn nhà gỗ ba gian, nơi ở của vợ chồng ông Hùng và ba người con đang sinh sống. Hôm nay chỉ có hai vợ chồng ông Hùng ở nhà nên không khí yên tĩnh, vắng vẻ hơn thường ngày.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ đơn sơ, giản dị, ông Hùng cho biết, ông quê ở Vĩnh Phúc, sau khi đi bộ đội về, ông phải lang bạt nhiều năm để làm kinh tế nên chuyện vợ chồng, con cái muộn hơn nhiều người khác. Năm 1992, thấy người ta vào Tây Nguyên làm kinh tế mới nên ông Hùng cũng đưa cả nhà vào xã Nâm N’Jang này lập nghiệp. Lúc ấy, đất đai còn rẻ, nên ông mang hết vốn liếng ra mua được 3 ha đất. Ban đầu, trồng cà phê, nhưng sau này nhận thấy do đất có độ dốc lớn, trồng cà phê không hiệu quả lắm, nên vợ chồng ông chuyển đổi sang trồng cam, rồi trồng cây hoa màu xen canh để “lấy ngắn nuôi dài”.

“Ngày ấy, vốn là dân trồng lúa, chưa có kinh nghiệm làm cây công nghiệp, cây ăn trái nên làm đến đâu thất bại đến đó. Sau đó, nhờ người chỉ bảo rồi kết hợp với tìm hiểu sách vở, báo đài nên gia đình tôi mới ổn định được sản xuất. Cứ như vậy mà đã gần 2 thập kỷ, chúng tôi chỉ bám vào đất mà sống, thấy khu đất nào không hiệu quả, tôi lại tìm hiểu và thay đổi cây trồng. Đến nay, nhờ vợ chồng tằn tiện, con cái lại chăm chỉ nên đời sống của gia đình cũng gọi là tạm ổn”, ông Hùng nhớ lại.

Cây cầu dài 18 m, chịu được tải trọng gần 18 tấn nên việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn hơn
Cây cầu dài 18 m, chịu được tải trọng gần 18 tấn nên việc đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn hơn

Vợ chồng ông Hùng đến Nâm N’Jang ở được một thời gian thì dân cư bắt đầu tập trung đông đúc, nhưng ngày ấy, để đi từ bờ bên này sang bờ bên kia, người dân phải băng qua một con sông. Vài nhà trong xóm đã góp nhau làm một cây cầu gỗ để đi lại, tuy nhiên do đã nhiều năm, cầu xuống cấp, lại không có lan can chắn, mùa khô đi lại còn được, chứ mùa mưa thì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Năm nào cũng vậy, cứ lũ về thì bao nhiêu cây cầu bị cuốn trôi sạch. Nước sông dâng cao 4-5m, có khi người và xe đang đi trên cầu thì ngã nhào xuống nước, người nhẹ thì chỉ bị trầy xước, người nặng thì gãy tay, chận, bị cuốn trôi sạch tài sản. Chứng kiến những sự việc đau lòng liên tiếp xảy ra, ông Hùng mới ấp ủ ý định làm một chiếc cầu kiên cố, chắc chắn.

“Tính ra thì dự định ấy có từ năm 2010. Ban đầu tôi định kêu bà con chòm xóm quyên góp tiền lại để làm, nhưng nhiều người trong thôn còn khó khăn nên tôi không dám đề bạt ý kiến của mình mà quyết định tự bỏ tiền của mình ra làm cầu. Dù sao cầu xây xong cũng phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình mình, chẳng thiệt đi đâu được”, ông Hùng tâm sự.

Thấy chồng có dự định “gàn dở” nên ban đầu bà Đinh Thị Lan (vợ ông Hùng) gạt phắt ngay. Bà Lan kể lại: “Bởi nhà thì chẳng khá giả gì, con cái thì nheo nhóc, số tiền làm cầu đủ để vợ chồng phòng thân khi về già nên tôi nhất mực phản đối. Mà không chỉ có tôi, anh em trong nhà thấy vậy người nào cũng khuyên can vì thấy xót tiền, hơi đâu mà lo chuyện bao đồng. Thế vậy mà từng ngày, từng ngày ông ấy hết phân tích rồi lại thuyết phục tôi về lợi ích khi có cây cầu nên tôi cũng mềm lòng, đồng ý”.

Ngay khi nhận được cái gật đầu của vợ, đầu năm 2016, ông Hùng mang hết số nông sản trong nhà đi bán, tích góp được hơn 350 triệu đồng, bắt tay vào thực hiện dự định mà mình ấp ủ bao năm qua. Để cây cầu vững chãi, đảm bảm chất lượng, ông Hùng lặn lội lên thành phố thuê hẳn đơn vị tư vấn về khảo sát, thiết kế lẫn đơn vị thi công. “Ban đầu họ thiết kế cầu này chỉ dài 12 m, nhưng tôi yêu cầu thiết kế dài 18m, ngang 3m, cao gần 7 m (tính từ lòng sông lên) chịu được tải trọng gần 18 tấn để sử dụng được lâu dài”, ông Hùng cho hay.

Sau hơn 3 tháng thi công, cây cầu chính thức được hoàn thành trong niềm hân hoan của cả gia đình, làng xóm. Cầu hoàn thiện cũng đúng lúc mùa mưa bắt đầu nên hơn 50 hộ dân sống trong khu vực càng vui mừng, phấn khởi hơn. Mọi sinh hoạt của người dân trong xóm thuận lợi hẳn, cũng không còn chuyện sập cầu hay ngã xuống sông như những năm trước.

Ông Phạm Văn Lập, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Nâm N’Jang cho biết, ông Hùng là một tấm gương sáng trong lao động, sản xuất và phong trào tại địa phương. Mặc dù là hộ thuần nông nhưng những năm qua, với tinh thần của một cựu chiến binh, ông Hùng đã có nhiều đóng cho sự phát triển của xã nhà. Nhằm ghi nhận những đóng góp đó, hội CCB tỉnh Đắk Nông và huyện Đắk Song đã nhiều lần khen thưởng, tuyên dương tấm lòng và việc làm cao cả của ông và gia đình.

Dương Phong