Thanh Hóa:

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Dù còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên những ngày này tại các lò nấu mật mía truyền thống ở huyện Thạch Thành đã tất bật ngày đêm để cho ra sản phẩm mật mía cung cấp cho thị trường.

Ở xứ Thanh, Thạch Thành là một trong những vùng đất nổi tiếng với nghề làm mật mía. Được trồng trên đất đỏ bazan đã cho ra những cây mía với thân chắc, mềm và ngọt lịm. Chính nguồn nguyên liệu đảm bảo này đã tạo ra một hương vị rất riêng cho mật mía Thạch Thành khiến từ lâu mật mía Thạch Thành đã chiếm lĩnh được thị hiếu của người tiêu dùng trong khắp cả nước.

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết - 1

Mía được thu hoạch đồng loạt vào những tháng cuối năm.

Mật mía là món ăn truyền thống không thể thiếu của người dân nhiều vùng quê trên khắp Việt Nam. Trong những ngày Tết cổ truyền, người Việt thường dùng mật mía để chấm bánh chưng, nấu chè, nấu bánh trôi, bánh gai… Các xưởng bánh kẹo thì cần nguồn mật lớn để làm nguyên liệu. Bởi thế, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm "thủ phủ" mật mía Thạch Thành lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Không khí Tết như đến sớm hơn ở vùng miền núi này.

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết - 2

Sau đó đưa về các lò sản xuất mật.

Theo những cụ cao niên trong xã, nghề làm mật mía đã hình thành có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thông thường, mùa nấu mật mía bắt đầu vào đầu tháng 11 âm lịch cho đến đầu tháng 1 năm sau. Để sản xuất mật mía, nguyên liệu duy nhất là mía. Khi mía đã chín, đã đủ độ đường được chặt bỏ ngọn và gốc, sau đó đưa về các lò ép mật.

Ngày xưa, mỗi khi làm thành mật, người dân phải đóng vào can rồi mang đi bán nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, năm nào thương lái cũng về trước vài tháng để đặt hàng sau đó cho xe ô tô về tận nơi để vận chuyển.

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết - 3

Cây mía sau khi thu hoạch được chặt bỏ ngọn và gốc rồi cho vào máy ép để lấy nước nấu mật.
 

Ông Đinh Văn Quỳ (Thị trấn Kim Tân, Thạch Thành) cho biết, gia đình ông đã làm mật mía được 30 năm, lò mật nhà ông nấu quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là dịp cuối năm. Để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán, lò mật nhà ông phải tăng công suất từ giữa tháng 10 (âm lịch).

Mật mía nhà ông Quỳ chủ yếu nhập sỉ cho các nhà máy sản xuất bánh kẹo. Hầu như năm nào vào dịp Tết, mặt hàng này của gia đình ông cũng "cháy hàng".

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết - 4

Nước sau khi ép sẽ đưa đi nấu thành mật.

Theo ông Quỳ, công đoạn nấu mật là công đoạn quan trọng nhất, quyết định thành bại của một mẻ mật mía. Khi nấu mật mía, người nấu phải giữ lửa trong lò luôn ổn định, không quá to, không quá nhỏ. Quá trình nấu, người nấu phải dùng những chiếc vợt có lưới bằng vải, luôn tay vớt bỏ phần bọt và tạp chất cho đến hết để giữ cho sản phẩm có màu đẹp. Mật được nấu khoảng 5-8 tiếng, khi mẻ mật trở nên sánh mịn, đặc, thơm, có màu vàng cánh gián thì mới đảm bảo chất lượng.

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết - 5

Quá trình nấu, người nấu phải dùng những chiếc vợt có lưới bằng vải, luôn tay vớt bỏ phần bọt và tạp chất cho đến hết để giữ cho sản phẩm có màu đẹp.

Anh Đỗ Văn Nhi (thôn Lâm Thành, Thị trấn Kim Tân) cho biết, mỗi ngày gia đình làm ra từ 6 đến 8 tạ mật để cung ứng mật cho khắp các tỉnh. Hiện giá mật tại lò giao động từ 9-10 nghìn đồng/1kg.

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết - 6

Để cho ra sản phẩm mật, nước mía được đun trong nhiều giờ đồng hồ.

Để có những mẻ mật dịp cận Tết, mỗi một lò nấu mật mía cần ít nhất từ 8 đến 10 lao động. Ngoài những thành viên trong gia đình, các chủ lò mật phải thuê thêm 5 - 6 nhân công để thực hiện các công đoạn: Ép nước, hớt váng bọt, nấu mật...

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết - 7

Gia đình ông Quỳ có truyền thống nhiều đời làm mật mía.

Bên cạnh đó, nhiều công việc phụ giúp quy trình nấu mật cũng cần tới nhiều nhân công. Tính trung bình, các lò nấu mật mía của các xã Thạch Bình, Thành Kim và Thạch Sơn cũng tạo ra nguồn việc làm tới cả trăm lao động địa phương dịp cuối năm.

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết - 8

Mía Thạch Thành được trồng trên đất bazan nên có vị đặc trưng và chiếm được thị hiếu người tiêu dùng.

 "Đây là nghề truyền thống của gia đình từ thời ông bà truyền lại. Sau mỗi vụ mật tết tôi lãi được khoảng trên 20 triệu đồng. Làm nghề này tuy vất vả,  thu nhập cũng không phải cao lắm nhưng ổn định và cho một cái Tết đủ đầy"- ông Quỳ tâm sự.

Làng mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết - 9

Mật sẽ được người dân đóng can rồi thương lái đến lấy đi

Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, một chủ lò mật mía tại thôn Lâm Thành) cho hay, tuy công việc vất vả, nhưng thành quả cũng tạm ổn. Sau nhiều năm làm mật mía, gia đình bà cũng cất xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang. Hiện, cả làng Lâm Thành có 20 lò nấu mật mía.

Mỗi vụ trừ chi phí, các chủ lò mật thu lãi cũng khoảng hàng chục triệu đồng tùy vào năng suất của từng lò. Nhờ đó, cuộc sống người dân làng mật mía ở Thạch Thành đang ngày một khấm khá và đổi thay từng ngày.