Đắk Nông:

Làng hoa bắc tất bật mang xuân về với Tây Nguyên

(Dân trí) - Những ngày cuối năm, người trồng hoa tại Đắk Nông hối hả như chạy đua cùng thời gian. Nhiều gia đình “ăn ngủ” luôn tại vườn, chỉ mong sao hoa bung nở đúng dịp tết và bán được giá.

Tất bật vụ hoa xuân

Sáng sớm, khắp nơi sương vẫn giăng dày đặc, gia đình ông Phạm Văn Loan (tổ 5, TT. Đắk Mil, huyện Đắk Mil) đã rục rịch chuẩn bị ra vườn hoa làm việc. Năm nay gia đình ông trồng 500 chậu cúc pha lê và hơn 100 gốc đào Nhật Tân nên phải huy động cả nhà ra vườn chăm sóc, tỉa tót để kịp Tết Nguyên đán.

Vốn là dân Nam Định, lại xuất thân từ vùng đất có truyền thống trồng hoa Mỹ Tân, nên nhiều năm nay, vườn hoa của gia đình ông Loan trở thành một trong những nơi cung ứng hoa lớn nhất của tỉnh Đắk Nông.

Ông Loan cho biết, để có hoa phục vụ Tết Nguyên đán, từ 5 tháng trước ông phải cất công về quê Nam Định để lấy giống, riêng những loại hoa cao cấp thì được nhập từ Đà Lạt. “Nhiều người tưởng làm hoa sung sướng, nhanh giàu nhưng có ai hiểu nổi nỗi vất vả đâu. Muốn hoa chất lượng thì phải bỏ công đi tìm giống, chăm sóc như con mọn. Năm được giá thì nhà vườn tươi như hoa, còn năm mất mùa, mất giá thì chả khác nào hoa gặp sương muối”, ông Loan dí dỏm nói.

Những ngày cuối năm, ông Loan dành toàn bộ thời gian để chăm sóc 500 chậu cúc để kịp Tết Nguyên đán.
Những ngày cuối năm, ông Loan dành toàn bộ thời gian để chăm sóc 500 chậu cúc để kịp Tết Nguyên đán.

Riêng hoa đào, theo chia sẻ của ông Loan, tại Đắk Nông này chỉ có gia đình ông và em trai trồng. Chỉ tay về phía những gốc đào 2 năm tuổi, ông Loan cho biết, toàn bộ đào trong vườn là đào bích, được lấy giống từ làng hoa Nhật Tân (Hà Nội). Do năm ngoái thời tiết không thuận lợi, đào nở sớm cả tháng nên chưa đến tết đã tàn, ông chỉ bán được một vài chậu. Năm nay rút kinh nghiệm, ông Loan chờ cách tết 1 tháng mới tuốt lá, tỉa cành.

Theo nhiều người dân làng hoa này, tất cả những hộ gia đình trồng hoa ở đây đều là anh em họ hàng, từ Nam Định, Thái Bình vào đây nối nghiệp cha ông. Ngoài ông Loan, làng hoa Đắk Mil còn các em và mấy người cháu ông Loan theo nghiệp này.

Muốn cây có độ cao nhất định và không ra hoa sớm, nhà vườn phải tập trung người để ngắt ngọn và sưởi đèn vào ban đêm.
Muốn cây có độ cao nhất định và không ra hoa sớm, nhà vườn phải tập trung người để ngắt ngọn và sưởi đèn vào ban đêm.

Những ngày này, vợ chồng ông Trần Đức Trung (em họ ông Loan) cũng dành toàn bộ thời gian để chăm chút, cắt tải cành cho hơn 6 sào hoa. Ngoài những loại hoa truyền thống như cúc, đồng tiền, cát tường thì vựa hoa của ông Trung còn trồng cả những giống hoa mới như cúc Nhật Bản, ly lùn, hải đường, hướng dương…

Nhiều nhà vườn phun thuốc để hoa nở đúng dịp tết và phòng tránh sâu bệnh
Nhiều nhà vườn phun thuốc để hoa nở đúng dịp tết và phòng tránh sâu bệnh

Hiện nay nhà vườn ông Trung trồng hơn 2000 chậu cúc lớn nhỏ, tất cả giống đều được chuyển từ Bắc vào hoặc do gia đình tự ươm. “Nếu theo giá năm ngoái thì chậu nhỏ khoảng 400 ngàn/chậu, còn chậu lớn thì 1 triệu- 1,5 triệu/ chậu. Ấy vậy mà cũng chả có mà bán lẻ, thương lái người ta đến xem rồi đặt cọc hết rồi”, ông Trung khấp khởi.

Đào nở sớm, báo hiệu mùa xuân sắp về với Tây Nguyên
Đào nở sớm, báo hiệu mùa xuân sắp về với Tây Nguyên

Đầu mối cung cấp hoa cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên

Hiện nay, tại TX. Gia Nghĩa có khoảng 15 ha trồng hoa kinh doanh. “Được mệnh danh là làng hoa bắc 54”, làng hoa phường Nghĩa Phú là nơi cung ứng hoa cho toàn thị xã Gia Nghia. Hoa ở đây chủ yếu là cúc Chi trắng, Muống hồng, Tia sao, Vàng Đài Loan, Tím sen, hoa huệ và hoa cẩm chướng...

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay Đắk Nông đang cố gắng trở thành đầu mối cung cấp hoa cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên. Toàn tỉnh có gần 200 ha diện tích trồng hoa,trong đó có khoảng 3 vùng trồng hoa lớn là TT.Đắk Mil (huyện Đắk Mil), xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút) và phường Nghĩa Phú (TX. Gia Nghĩa). Dân trồng hoa cũng chủ yếu là người gốc Bắc, có kinh nghiệm hoặc truyền thống làm hoa lâu năm”.

Cũng theo đánh giá của ông Tuấn, hiện nay trồng hoa đang được địa phương định hướng trở thành một trong nhưng ngành kinh tế mũi nhọn, Trước mắt, tỉnh Đắk Nông phấn đấu đáp ứng toàn bộ nhu cầu của người dân địa phương để không phải nhập khẩu hoa từ Đà Lạt. Sau đó sẽ phát triển trồng hoa theo hướng công nghệ cao, biến hoa trở thành mặt hàng xuất khẩu.

Dương Phong