Quảng Nam:
Làng hến 200 năm tuổi tất bật vào mùa
(Dân trí) - Thời điểm cuối tháng 3 (dương lịch) cũng là lúc làng hến truyền thống gần 200 năm tuổi Tân Phú (xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam) lại đỏ lửa nấu hến cung cấp cho thị trường.
Trước kia không tấc đất sản xuất, người dân thôn Tân Phú lại nương tựa vào sông Trường Giang với nghề cào hến mưu sinh. Nhưng cũng cái nghề mà nhiều cho là “hạ bạc” này đã giúp thay đổi phần nào diện mạo đời sống của người dân sông nước.
Hiện nay, làng hến Tân Phú có hơn vài chục hộ theo nghề cào hến, có gần 7 cơ sở trực tiếp sản xuất hến ra thị trường. Đa số cơ sở ở đây hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu chính là hến tươi cào dưới sông lên chế biến theo phương thức truyền thống.
Hến ở vùng sông Trường Giang có quanh năm, từ khoảng cuối tháng 3 đến tháng 7 là mùa sinh sôi nảy nở. Khi qua tháng 10 đến tháng Giêng năm sau, hến ít lại, người làng Tân Phú lúc này phải chèo thuyền đi xa hơn để hành nghề.
Bà Lê Thị Bối (thôn Tân Phú) chia sẻ: “Tôi Thức dậy từ lúc 0 giờ để chuẩn bị cơm, canh rồi cùng chồng ra sông. Muốn cào hến phải dùng tấm lưới dài khoảng 3m, rộng 1,2m thả chìm dưới sông, dùng thuyền máy chạy vòng quanh để thu lưới rồi vớt hến. Đến sáng khi mặt trời vừa ló ngang mặt sông thì về. Bình quân mỗi thuyền gom được 20-30 ang, bán cho các chủ lò được 300.000-400.000 đồng”.
Nghề làm hến không khó nhưng cần sự tỉ mẩn, khéo léo. Riêng công đoạn đãi hến cần phải nhịp nhàng tránh làm hến bị dập nát. Hến sau khi đãi vỏ xong đem lọc qua nước muối lần cuối cùng để hến được sạch, màu trong đẹp mắt.
Bình quân mỗi thuyền gom được 20-30 ang, bán cho các chủ lò được 300.000-400.000 đồng
Chủ cơ sở sản xuất hến Trần Thị Thúy Nga cho biết: Hến thô có giá mỗi ký 1.000 đồng, đãi lấy ruột và nước đi bán ở khắp các chợ trong vùng; hến cũng theo xe buýt ra tận Đà Nẵng, Hội An. Vỏ hến được bán cho các lò nung vôi. Những tháng được mùa, chỉ cần sau trận mưa đêm cũng thu hoạch được hơn 100 ang, bán hơn triệu đồng.
“Gần cuối tháng 3 là thời điểm làng hến Tân Phú làm nghề rộ nhất. Hiện các cơ sở ở đây hoạt động độc lập, có nguồn cung ứng khác nhau, mỗi người đều đặt trách nhiệm, cái tâm với nghề lên hàng đầu. Làm sao để mỗi khi hến đưa ra thị trường tiêu thụ được người tiêu dùng đón nhận, qua đó tạo nên thương hiệu riêng cho làng nghề truyền thống này”- bà Nga nói thêm.
Làng hến Tân Phú tất bật vào mùa
Ông Lê Văn Tại (Trưởng ban Kinh tế xã Tam Phú) cho biết: “Làng Tân Phú hình thành từ hàng trăm năm trước, người dân ở đây không làm nông, họ chỉ bám sông để mưu sinh. Cả làng có 331 hộ thì có đến hơn 150 hộ làm nghề cào hến. Mãi đến những năm gần đây, chính quyền xã mới chia thửa đất để những hộ dân không làm hến có thể sản xuất nông nghiệp. Thuyết phục rất lâu mới có được hơn 67 hộ bỏ nghề sông nước, lên bờ cày bừa nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ sông lại về cào hến”.
Được biết, đây là thời điểm lượng hến rất nhiều trong năm, số lượng đơn hàng tăng mạnh so với các tháng khác. Sản phẩm làm ra đã đến với nhiều vùng miền khác nhau trên phạm vi cả nước như Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi…
Với giá bán hiện tại, mỗi ký hến bán ra thị trường dao động từ 40 - 50 nghìn đồng tùy loại. Thơm ngon, giàu giá trị dinh dưỡng nên hến Tân Phú được nhiều người dân và các chủ quán ăn, nhà hàng đón nhận.
N.Linh