Lạ mắt với các loại bánh chưng biến tấu đủ màu sắc đón Tết nguyên đán
(Dân trí) - Tết nguyên đán năm nay ngoài bánh chưng xanh truyền thống, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại bánh chưng biến tấu vô cùng độc đáo. Quá nhiều sự lựa chọn cho món bánh cúng tổ tiên ngày Tết cũng là điều khiến các chị em nội trợ phải cân nhắc.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Tết năm nay, ngoài bánh chưng xanh truyền thống, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại bánh chưng biến tấu vô cùng độc đáo như: Bánh chưng ngũ sắc; bánh chưng cốm; bánh chưng nếp cẩm…
Những biến tấu thú vị này không chỉ giúp mâm cúng của gia đình trở nên mới mẻ mà còn giúp bữa ăn ngày Tết thêm lạ miệng, hấp dẫn hơn.
Bánh chưng ngũ sắc
Bánh chưng ngũ sắc tạo ấn tượng cho thị giác bằng màu sắc độc đáo với 5 màu chính thường được sử dụng: Xanh, vàng, tím, đỏ, trắng. Trong đó, màu xanh của nước lá dứa xay; màu vàng của nghệ tươi, màu đỏ của gấc và màu tím của lá nếp cẩm.
Cách làm bánh chưng ngũ sắc không khó nhưng yêu cầu sự cầu kì bởi sự kết hợp nhiều màu, nhiều nguyên liệu tự nhiên trong một khuôn bánh vuông truyền thống.
Hiện nay trên thị trường, bánh chưng ngũ sắc được bán với giá dao động từ 45.000đ – 100.000đ/chiếc tùy loại và kích thước khác nhau.
Bánh chưng gấc đỏ
Màu đỏ luôn là màu sắc được mọi người yêu thích trong dịp Tết với hy vọng mang lại may mắn cho năm mới. Chính vì vậy, bánh chưng gấc xuất hiện vừa để làm đẹp cho mâm cúng vừa mang lại hương vị mới cho món ăn ngày Tết.
Theo quan niệm, bánh chưng gấc tượng trưng cho phú quý, phát tài phát lộc. Được làm từ gấc có vị ngọt đậm đà, bên ngoài vỏ xanh của lá dong bên trong ruột màu đỏ gấc kết hợp với nhân bánh truyền thống thịt nạc nhiều hơn thịt mỡ.
Bánh chưng cốm xanh
Bánh chưng cốm là bánh chưng đặc biệt được biến tấu từ bánh chưng xanh truyền thống. Những năm gần đây, loại bánh này càng trở nên phổ biến và được nhiều chị em nội trợ tin dùng.
So với các loại bánh chưng biến tấu khác, bánh chưng cốm có màu sắc giống với bánh truyền thống nhất, tuy nhiên hương vị lại vô cùng dễ ăn với mùi thơm của cốm non kết hợp cùng vị bùi của nhân đỗ và thịt nạc bên trong.
Để làm bánh chưng cốm cần chuẩn bị các nguyên liệu như: Cốm khô, gạo nếp làm lớp vỏ ngoài của bánh. Nhân loại bánh này có thể là nhân mặn hoặc nhân ngọt, đỗ xanh nấu lên giống chè kho và thêm thịt nạc bên trong.
Bánh chưng nếp cẩm
Bánh chưng nếp cẩm được gói từ nếp cẩm núi rừng Tây Bắc, bánh có vỏ màu tím đen, có hương vị riêng không quá dẻo nên ăn nhiều mà không sợ ngán hay nóng bụng.
Bánh chưng nếp cẩm là món ăn giàu dinh dưỡg, rất tốt cho sức khỏe đặc biệt là hệ tuần hoàn và tim mạch. Nếp cẩm là món ăn có vị ngọt, làm ấm bụng và còn có công dụng bổ sung hàm lượng sắt cho cơ thể.
Trong ngày tết, việc ăn nhiều thức ăn chứa hàm lượng đạm cao, bánh chưng nếp cẩm sẽ giúp cân bằng lại khi kết hợp cùng rau xanh, trái cây… Hiện tại bánh chưng nếp cẩm được bán với giá khoảng 70.000đ/chiếc.
Bánh tét 3 màu
Ba màu thường gặp là màu tím, xanh và đỏ. Nhân bánh được làm từ đậu xanh tán nhuyễn cùng với thịt ba chỉ khìa nước dừa và trứng muối. Bánh được hút chân không để có thể bảo quản bên ngoài từ 2-4 ngày (tuỳ trời lạnh hay nóng), để tủ lạnh 2 tuần, khi ăn quay lại lò vi sóng nóng là bánh mềm ngon.
Thanh Thuý