Kỳ thú “cung điện” khổng lồ của sinh vật nơi đáy biển
(Dân trí) - Mỗi sinh vật đều có “ý tưởng” riêng về nơi trú ngụ nhưng có lẽ chưa sinh vật nào có được “cung điện nguy nga” như loài larvacean khổng lồ dưới đáy biển sâu.
Với đầu to tròn và đuôi dẹt, những động vật không xương sống trong suốt này trông như những con nòng nọc ma khổng lồ.
Kích thước lớn nhất của larvacean cỡ chiếc bánh quy loại to nhưng ngôi nhà chúng ở có thể dài tới 1m.
Theo công bố mới nhất trên Nature, bằng công nghệ laser, các nhà khoa học đã đưa robot xuống vùng biển cách mặt nước 400m để chụp những “ngôi nhà siêu sang” của sinh vật phù du này. Những bức ảnh thu được đã cho thấy loài larvacean khổng lồ sống trong cái tổ 2 lớp lồng vào nhau: 1 tổ ở bên trong và 1 tổ bọc ngoài.
“Hãy hình dung ngôi nhà của sinh vật này giống như bộ não với não ở trong và phần sọ bọc ngoài”, Kakani Katija, trưởng nhóm nghiên cứu, làm việc tại Viện Nghiên cứu đại dương vịnh Monterey (MBARI), cho biết hôm 4/6.
Tổ bên ngoài có nhiệm vụ bảo vệ sinh vật khỏi các kẻ thù - làm cho kẻ săn chúng khó phát hiện hơn đồng thời là một hàng rào bảo vệ tổ bên trong với cơ chế lọc nước, giữ lại các chất không cần thiết. Tổ bên trong sẽ thu thập tất cả các thức ăn thông qua một ống nhỏ mà tổ ngoài đã lọc. Katija đánh giá cơ chế lấy thức ăn này rất tinh vi.
Điều khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên là khả năng xây tổ của larvacean. “Thuộc loài động vật có dây sống nhưng larvacean chỉ có các tế bào đơn giản ở đầu có nhiệm vụ tiết ra các chất nhầy rồi làm phồng nó lên thành một “lâu đài phao”, giống như quả bóng xẹp rồi được bơm căng một lần duy nhất. Mọi thứ diễn ra chưa đầy trong 1 giờ”, Katija cho biết.
“Thật khó tin khi chứng kiến cảnh này. Một con nhện có 8 chân cùng 1 cái đầu để tạo mạng lưới. Còn sinh vật này chỉ có đúng 1 cái đầu với các tế bào thần kinh đơn giản và 1 cái đuôi”, Katija nói thêm.
Một điều bất ngờ khác là chiếc tổ này chỉ có giá trị trong 1-2 ngày, khi bộ lọc bị tắc và tổ ngoài chứa đầy các chất bẩn thì sinh vật larvacean sẽ rời khỏi đó và làm một chiếc tổ đôi mới. Ngôi nhà cũ chứa đầy các chất bẩn sẽ chìm xuống đáy biển, trở thành thức ăn của các loài sinh vật khác.
Mặc dù tổ làm bằng chất nhầy của larvacean được quan sát từ những năm 1960 nhưng các nhà khoa học rất khó khăn để hiểu được cơ chế hình thành. Những cấu trúc gelatin này mỏng manh đến mức bạn không thể lấy mẫu để phân tích. Cách duy nhất để quan sát là theo dõi quá trình sinh sống của larvacean - một thách thức về công nghệ.
Nhờ máy quét laser MBARI, các nhà khoa học đã có thể quan sát được chi tiết hoạt động của sinh vật này thông qua các bức ảnh chụp liên tục bằng laser và dùng kỹ thuật dựng lại hình ảnh không gian 3 chiều.
Katija hy vọng rằng phát hiện về cơ chế hoạt động của larvacean sẽ mở đường cho 1 công nghệ lọc cũng như những ứng dụng trong y tế. Đồng thời công nghệ quét laser này cũng sẽ giúp khám phá cơ chế hoạt động của nhiều sinh vật khác dưới đáy biển sâu.
Harry Nguyễn
Theo Popular science