Kỷ niệm 1470 năm ngày mất của danh tướng Phạm Tu

Năm nay là tròn 1470 năm Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, khai quốc công thần Nhà nước Vạn Xuân thời Tiền Lý hy sinh ngay tại chiến thành trên cửa sông Tô Lịch trong trận huyết chiến chống quân xâm lược nhà Lương, bảo vệ vùng đất Hà Nội ngày nay.

Năm nay, ngày giỗ ông lại trùng đúng ngày Quốc khánh.

Trải qua gần 15 thế kỷ với bao thăng trầm, sử sách ghi chép về ông không còn nhiều nhưng trong “Đại Việt sử ký toàn thư” đã có 2 lần xuất hiện tên ông, bộ “Biên niên Lịch sử cổ trung đại” có 3 chỗ nói về ông.

Kỷ niệm 1470 năm ngày mất của danh tướng Phạm Tu - 1

Danh tướng Phạm Tu

Sách “Lịch sử Việt Nam” của UB KHXH do NXB KHXH xuất bản năm 1971 đã viết khá kỹ về ông. Đặc biệt trong vòng 20 năm gần đây, nhiều nhà Sử học danh tiếng và con cháu Họ Phạm đã có nhiều nghiên cứu về ông, nhất là từ cuộc Hội thảo khoa học về Phạm Tu do Hội khoa học Lịch sử phối hợp với Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam (nay là Hội đồng Họ Phạm VN) tổ chức ngày 08-9-1998, đã đưa ra được bức tranh khá hoàn chỉnh về một vị anh hùng có công lật đổ ách thống trị của Phương Bắc, giành lại độc lập cho nước nhà, đánh tan quân lấn chiếm Phương Nam, bảo vệ biên cương Tổ quốc, trở thành vị Khai quốc công thần Triều Tiền Lý, xây dựng Nhà nước Vạn Xuân, một Nhà nước độc lập có tổ chức khá hoàn chỉnh đầu tiên vào thế kỷ thứ VI.

Phạm Tu, cha là Phạm Thiều, mẹ là Lý Thị Trạch, sinh ngày 12 tháng 3 năm Bính Thìn (476) tại hương Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, trấn Sơn Nam, nay là làng Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Sống dưới ách đô hộ của nhà Lương, Ông đề ra chủ trương “cửu niên tam tích: tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn, tích khí phòng tặc”, kiên trì chuẩn bị lâu dài tích trữ lương thực, quần áo, vũ khí, tập hợp các anh hùng, nghĩa sĩ ngày đêm dốc sức luyện tập võ công, rèn đúc khí giới, hoạch định kế sách, liên kết với các thủ lĩnh ở các địa phương cùng chí hướng đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu dân, cứu nước.

Năm 541, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, Ông đã đem toàn bộ tướng sĩ dưới trướng hưởng ứng nhiệt thành, tạo thành sức mạnh tổng lực để tiêu diệt quân thù. Ông có công đầu tiến công hạ Thành Long Biên, sở lỵ của quân đô hộ Nhà Lương, đuổi Thứ sử Tiêu Tư về nước, lật đổ toàn bộ bộ máy cai trị của chúng. Sau đó, tạo bàn đạp giải phóng nhiều vùng rộng lớn thuộc Bắc Bộ ngày nay.

Năm 543, quân Lâm Ấp ở phương Nam kéo ra quấy phá vùng Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh hiện nay), Ông được giao nhiệm vụ lập tức đem quân đánh đuổi, cứu giúp nhân dân, giữ yên bờ cõi và trở thành vị Thống soái đầu tiên của nước ta trực tiếp chỉ huy Quân đội đánh tan quân giặc, giữ vững non sông, đất nước ở cả phía Bắc lẫn phía Nam.

Thắng lợi vang dội “phá Bắc, bình Nam” ở hai đầu đất nước, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp Lý Bí củng cố Quân đội, xây dựng cơ đồ, chấn hưng xã tắc và lên ngôi, lấy tên hiệu là Lý Nam Đế, niên hiệu là Thiên Đức, đặt quốc hiệu là VẠN XUÂN, lập nên Nhà nước độc lập sau mấy trăm năm dưới ách đo hộ Phương Bắc, xây dựng một triều đình có tổ chức quy mô đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, phong Triệu Túc làm Thái Phó, Tinh Thiều đứng đầu Văn ban, Phạm Tu đứng đầu Võ ban.

Năm 545, Nhà Lương huy động lực lượng cả 5 châu xung quanh nước ta là Việt, La, An, Ái, Định sang xâm chiếm nước Vạn Xuân. Thế giặc quá lớn, Phạm Tu xây dựng gấp một chiến thành bằng gỗ, đất bên bờ sông Tô Lịch để cản giặc, tạo điều liện cho Lý Nam Đế cùng đại quân của Triệu Quang Phục rút lui an toàn. Trong một trận huyết chiến không cân sức đó, Ông đã anh dũng hy sinh ngay tại chiến trận vào ngày 13-8-545 (20 tháng Bảy năm Ất Sửu) ở tuổi 70.

Có thể nói Phạm Tu là “liệt sĩ” tiêu biểu đầu tiên trên mảnh đất Hà Nội ngày nay. Sau khi Ông mất, vua Lý Nam Đế vô cùng thương tiếc, cho Thái giám về quê hương, truy phong cho Ông  tước “LONG BIÊN HẦU”, ban tên thụy là “Đô Hồ”, sắc phong cho Thanh Liệt là “thang mộc ấp”, miễn sưu sai tạp dịch để thờ Phạm Tu là “bản cảnh thành hoàng”, lưu truyền mãi mãi, đến khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long thì Ông được phong là Đại Thành hoàng của Thành Thăng Long. Các đời sau từ Đinh, Lê, Lý Trần đến Hậu Lê, Tây sơn, Nguyễn đều có sắc phong “Thượng đẳng thần”, “Đô hồ đại thần”, “Đô Hồ Đại vương”.

Người dân Thanh Liệt đã lập Đình Ngoại thờ Thành hoàng Đô Hồ Đại vương và Miếu Vực thờ Phạm Tu cùng thân mẫu, thân phụ của Ông. Một số địa phương khác ở miền Bắc cũng có đền thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu. Đình Ngoại xã Thanh Liệt, nơi thờ chính thức Phạm Tu được xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia năm 1989. Năm 2009, trong dịp Kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long- Hà Nôi, UBND Hà Nội đã đầu tư 29 tỷ và nhân dân công đức thêm mấy chục tỷ nữa để tu bổ tôn tạo Đình Ngoại khang trang rộng rãi như hiện nay trên khu đất có diện tích 6.900m2, với bức đại tự là “PHẠM TỔ LINH TỪ”.

Kỷ niệm 1470 năm ngày mất của danh tướng Phạm Tu - 2

Bức đại tự PHẠM TỔ LINH TỪ gắn ở đình

Năm 1998, Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam (nay là Hội đồng Họ Phạm VN) đã suy tôn Phạm Tu là “Thượng Thủy tổ của họ Phạm Việt Nam” bởi Ông là người họ Phạm có công lớn với đất nước xuất hiện đầu tiên trong chính sử. Một số Thành phố lớn đã có đường phố mang tên Phạm Tu như Hải Dương, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang…

Hằng năm, chính quyền và nhân dân xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì Hà Nội phối hợp với Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm VN long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Phạm Tu từ trần mà nhân dân Thanh Liệt gọi là ngày “hóa Thánh” (20 tháng Bảy âm lịch) và ngày sinh của Ông (12tháng Ba âm lịch).

Hàng ngàn người họ Phạm từ hàng chục tỉnh thành trong cả nước và nhân dân trăm họ vùng Hà Nội về dự. Tại nhiều địa phương xa, từ Hà Giang, Quảng Ninh đến TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau, Đắc Lắc…, Hội đồng Họ Phạm các cấp đều tổ chức ngày Giỗ 20 tháng Bảy dưới nhiều hình thức phong phú kết hợp với các sinh hoạt việc họ khác như khuyến học, khuyến tài.

 

Kỷ niệm 1470 năm ngày mất của danh tướng Phạm Tu - 3

Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đến dâng hương tại Đình Ngoại

 

Lớp bụi thời gian 15 thế kỷ, nhất là trải qua hàng trăm năm dưới ách ngoại bang đã làm mai một nhiều sự tích về người anh hùng thế kỷ thứ VI, nhưng sức sống mãnh liệt từ lòng biết ơn của nhân dân vẫn làm sáng dần lên công đức của Ông. Dịp Giỗ 20 tháng Bảy Âm lịch hàng năm, nhất là năm chẵn như năm nay là dịp tốt để giới sử học và các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá nhiều nghiên cứu về người anh hùng “phá Bắc, bình Nam” sáng chói trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong thế kỷ thứ VI.

PHẠM VĂN DƯƠNG – PHẠM THỊ THÚY LAN